Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Bí thư TƯ Đảng Trần Quốc Hương chia sẻ nỗi đau chia ly khi nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn mất |
(GD&TĐ) - Ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương - là con người lịch sử đã hướng dẫn được những nhà tình báo có tầm cỡ, vô cùng xuất sắc, góp công lao lớn với cách mạng, với Tổ quốc, quân đội và nhân dân, trong đó có nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn. Sau đây là những hồi ức của ông về huyền thoại Phạm Xuân Ẩn.
Quyết định đưa Phạm Xuân Ẩn du học
Ông Mười Hương tiếp tôi tại nhà riêng của mình ở TPHCM. Mặc dù sức khỏe yếu, nhưng đầu óc ông vẫn còn rất minh mẫn, đặc biệt trí nhớ của ông rất tốt. Trong cuộc nói chuyện, ông hay nhắc đến những lời dạy của Bác Hồ, mỗi khi nhắc đến Bác, ông lại rơi nước mắt. Đặc biệt, khi nhắc tới Phạm Xuân Ẩn, mắt ông sáng lên. Ông Mười Hương nhớ lại:
“Cuối năm 1954, được Xứ ủy Nam bộ và Ban Địch tình phân công vào nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn, tôi trực tiếp nắm một số đầu mối tình báo tổ chức theo đơn tuyến. Một trong những đầu mối được bàn giao là Phạm Xuân Ẩn.
Sau khi nắm tình hình do Phạm Xuân Ẩn báo cáo mọi việc, tôi đến tận nhà Ẩn, nhiều đêm ngủ lại cùng gia đình tìm hiểu mọi mặt.
Cha Ẩn là người yêu nước khát khao độc lập. Mẹ Ẩn là người nhân hậu, rất quý tôi. Tôi nhận thấy Phạm Xuân Ẩn là thanh niên có tâm huyết, có lý tưởng rõ ràng, rất thông minh, sắc sảo, lại giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh.
Công việc của Ẩn chưa phát huy hết thế mạnh mà Ẩn sẵn có. Ẩn báo cáo với tôi rằng đại tá Edward Lansdale, trùm tình báo Mỹ ở Việt Nam, tỏ ý sẵn sàng bảo trợ cho Ẩn sang Mỹ học trường hạ sĩ quan tình báo tâm lý chiến, thực chất là đào tạo thành người làm cho CIA. Tôi đã khuyên Ẩn nên từ chối.
Tôi nói với Ẩn:
- Công việc hiện thời Ẩn đang làm có tác dụng trước mắt, nhưng chưa thể mang lại hiệu quả. Nếu có cố gắng Ẩn cũng chỉ có thể được chính quyền Sài Gòn phong cho chức đại tá, ở chức đó chưa nắm hết mưu đồ, ý định chiến lược của Mỹ.
Nếu Ẩn làm chính trị, tình hình các phe phái, bè cánh của chính quyền Sài Gòn tranh chấp quyền lực thế này, rất dễ bị thay thế và bị bắt.
Tôi phân tích: Đế quốc Mỹ bây giờ là đối tượng chủ yếu của ta, muốn chống đế quốc Mỹ phải hiểu Mỹ, văn hóa, lịch sử Mỹ. Ẩn nên sang Mỹ học nghề làm báo, lấy đó làm bình phong hoạt động, nhưng không phải là ngụy trang, mà phải sống bằng được bằng nghề viết báo, sống mãn với nghề.
Nghề đó là một nghề trong sạch, làm thế nào viết giỏi, viết thu hút người đọc, viết theo tư duy người Mỹ, như người Mỹ viết, chỉ có như thế mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Làm báo là một nghề tự do, Ẩn sẽ thoải mái giao dịch tiếp xúc với nhiều giới, nhiều tầng lớp xã hội, không chỉ bó hẹp trong giới quân sự”.
Khi nhắc đến gia cảnh của Phạm Xuân Ẩn, trên khuôn mặt ông Mười Hương xuất hiện hai dòng lệ: “Hoàn cảnh gia đình Phạm Xuân Ẩn lúc đó rất khó khăn. Cha bị bệnh lao, nhà lại đông anh em”. Ẩn băn khoăn: “Tình cảnh gia đình em như vậy, tiền đâu mà đi học bên Mỹ”.
Tôi động viên: “Cậu cứ đi đi, chuyện kinh phí để tôi lo”. Ngoài kinh phí, thêm một khó khăn nữa phát sinh khi các trường đại học Mỹ yêu cầu du học sinh phải có bằng tốt nghiệp trung học. Ẩn chưa học xong bậc này.
Tôi đề nghị Ẩn thử tìm hiểu xem có ngành học nào không cần đến bằng trung học không. Vài hôm sau, Ẩn cho biết chỉ có ngành báo chí là không cần bằng trung học.
Tôi khuyến khích Ẩn theo học ngành báo chí vì không nghề nào có bình diện giao tiếp rộng như nghề báo, có thể tiếp xúc với tất cả mọi hạng người.
Sau nhiều buổi trao đổi, Ẩn thuận theo ý của tôi. Tôi trao đổi với đồng chí Mai Chí Thọ là Trưởng ban Địch tình, được đồng chí Mai Chí Thọ nhất trí. Ban Địch tình báo cáo với Xứ ủy và Ban An ninh Trung ương Cục và được chấp thuận.
Tôi còn phải tâm tình trao đổi với mẹ ông Ẩn để bà tán thành cho Ẩn đi Mỹ học. Phạm Xuân Ẩn xin đi Mỹ học. Hồ sơ được nộp đến chỗ Trần Kim Tuyến, người đang nắm cơ quan an ninh rất có thế lực của chế độ Diệm, với sự nhắc nhở của E.Lansdale cần kiểm tra cẩn thận về lòng trung thành của Ẩn.
Chính sự nhắc nhở của E.Lansdale lại làm cho Trần Kim Tuyến duyệt cho Ẩn đi Mỹ thuận lợi và nhanh hơn. Thực chất lúc bấy giờ, Trần Kim Tuyến là người của CIA.
Một vấn đề đặt ra là lấy tiền ở đâu để cung cấp cho Ẩn đi Mỹ học. Ban đầu có tin Ẩn sẽ có thể được một suất học bổng, nhưng rồi suất đó đã dành cho một người có thế lực hơn. Tôi phải làm việc với ông Mai Chí Thọ.
Hồi đó quỹ khó khăn, tập trung khoảng gần 1.000 đô la mua vé, đồ dùng thật cần thiết cho Ẩn, còn mẹ ông Ẩn đóng góp thêm. Về sau tôi bị bắt, tất cả việc nuôi nấng Ẩn do mẹ ông chu cấp. Năm 1958, tôi bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt. Ẩn khi đó đang học ở Mỹ.
Cấp trên rất lo lắng về khả năng Ẩn có chịu về Việt Nam hay không một khi thông tin này đến tai Ẩn. Riêng tôi vẫn đặt trọn niềm tin nơi Ẩn. Sau ngày giải phóng, gặp lại nhau, tôi hỏi: “Khi nghe tin tôi bị bắt, sao cậu vẫn về Việt Nam?”.
Ẩn trả lời: “Bên nhà báo sang anh Hai mệt nặng nên không đến, em biết là anh đã bị bắt. Nhưng em tin anh sẽ không khai em, nên em về”. Giữa những con người cùng chung chí hướng, một khi đã hiểu lòng nhau thì niềm tin có sức mạnh ghê gớm như thế.
Trả lời câu hỏi của tôi, tại sao ông Mười Hương lại có tầm nhìn xa trông rộng về tài năng của Phạm Xuân Ẩn, ông Mười Hương trầm ngâm một lát rồi nói: Từ khi còn nhỏ, Phạm Xuân Ẩn đã tham gia phong trào Việt Minh đánh đuổi Pháp Nhật để giành độc lập, mặt khác khuynh hướng toàn gia đình Ẩn đứng về phía cách mạng.
Ngày 19/3/1950, Phạm Xuân Ẩn đấu tranh phản đối nhà cầm quyền đàn áp Trần Văn Ơn. Phạm Xuân Ẩn hăng hái tham gia và đi đầu gương cao khẩu hiệu đấu tranh, gây ấn tượng với tôi.
Lúc này Ẩn đang làm ở Sở Thuế quan có nhiệm vụ theo dõi việc di chuyển quân đội viễn chinh Pháp, vũ khí xăng dầu của Mỹ theo đường biển vào cảng Sài Gòn.
Ông thấy Ẩn là thanh niên có tâm huyết, lý tưởng, rất thông minh, sắc sảo, lại giỏi cả tiếng Anh và Pháp. Đây là sự sáng suốt rất quan trọng của ông Mười Hương khi đánh giá Phạm Xuân Ẩn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Phạm Xuân Ẩn trong dịp đ/c nhận danh hiệu Anh hùng. Ảnh tư liệu |
Những chiến công thầm lặng
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, là phóng viên tạp chí Time, Phạm Xuân Ẩn làm bạn với mọi nhân vật có thế lực ở Sài Gòn, bao gồm cả các nhà báo như David Halberstam và Neil Sheehan, các nhà lãnh đạo của CIA như William Colboy và đại tá huyền thoại Edward Lansdale.
Đấy là chưa kể đến các nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Không một ai trong số những người này nghi ngờ, dù chỉ đoán rằng Phạm Xuân Ẩn còn cung cấp cả các tin tình báo chiến lược cho Hà Nội, bí mật chuyển vào trong rừng cả những bức điện viết bằng thứ mực mà mắt thường không nhìn thấy được đựng trong vỏ trứng.
Phạm Xuân Ẩn đã lấy được toàn bộ kế hoạch Stanley- Taylor chụp bằng 20 cuốn micro phim, chuyển vào hộp thư. Nữ điệp viên Tám Thảo mang về cứ, khi ông Mười Nho (tức Đại tá Nguyễn Nho Quý) rửa xong phim, ông run người vì thấy nó quý giá và quan trọng.
Là người viết báo, có phương tiện đi lại (ô tô riêng), trình độ nghiên cứu sâu, kiến thức rộng cả văn hóa Đông Tây, quan hệ xã hội rộng rãi với các tướng lĩnh quân sự, người trong bộ máy quốc hội, chính quyền, cả giới văn nghệ sĩ, dân thường, lại thêm cách trao đổi diễn đạt hóm hỉnh, hài hước pha chút tiếu lâm, hàng ngày Phạm Xuân Ẩn đến tiệm cà phê bánh ngọt Givral và quán ăn trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) ngay trung tâm thành phố Sài Gòn, thu hút được nhiều loại người.
Những nơi đó có cả người của Tổng nha cảnh sát, an ninh quân đội, phòng nhì Pháp, mật vụ Đài Loan, Hàn Quốc, cả CIA cũng kéo đến thu thập tình hình thời sự chính trị, nhất là tin về chiến trường.
Tháng 12 năm 1962, Mỹ phát hiện một đơn vị chủ lực quân giải phóng của Quân khu 8 đang ở Ấp Bắc (Cai Lậy, Mỹ Tho). Chúng chủ trương dùng chiến thuật mới “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của chiến tranh đặc biệt để hỗ trợ cho quân Sài Gòn đánh phá.
Ngày 2/1/1962 chúng huy động 1 tiểu đoàn của sư đoàn 7 bộ binh, 2 tiểu đoàn bảo an với 1 đại đội pháo 105 ly, 1 chi đoàn xe lội nước M.113, 13 tàu chiến, 21 máy bay các loại dưới sự chỉ huy của trung tá Mỹ John Paul Vann bắt đầu tiến hành cuộc càn quét. Ẩn đã kịp thời lấy kế hoạch đó, kèm theo biện pháp đối phó gửi về trung tâm.
Trong thời gian cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cấp trên trực tiếp của ông là Tư Cang thông báo với Phạm Xuân Ẩn rằng ông được tặng thưởng Huân chương đặc biệt vì những đóng góp của ông dẫn đến chiến thắng Ấp Bắc năm 1963, cũng như vì những báo cáo.
Ông Tư Cang được cử vào Sài Gòn để làm việc với Phạm Xuân Ẩn nhằm xác định những con đường thâm nhập vào thành phố. Tại Củ Chi, người ta bôi dung dịch iốt lên tờ giấy gói để có thể dễ dàng đọc được các lời chỉ dẫn của Ẩn. Bên trong các mẩu nem cuốn còn có nhiều cuộn phim cũng như các chi tiết về cuộc hẹn kế tiếp - ngày giờ, địa điểm.
Không chỉ người trong nước, mà cả những người nước ngoài cũng thích giao dịch tiếp xúc, trao đổi với Ẩn. Giới chính trị, quân sự trong nước tìm gặp Ẩn để hỏi về cách thức đối phó với người Mỹ. Người Mỹ lại tìm Ẩn để hỏi về cách thức đối phó với những người Việt có chức vị trong chính quyền.
Ai nghe Ẩn nói xong cũng vừa lòng. Vì cung cách trao đổi và nội dung nói chuyện, Ẩn chẳng làm phật lòng ai. Chính những quan hệ rộng rãi đó tạo điều kiện cho Ẩn thu thập được chiến lược chiến tranh cục bộ cùng những cuộc hành quân càn quét quân sự quan trọng của Mỹ để báo cáo về trung tâm.
Ngày 23/ 4/1975, báo Time nhanh chóng di tản nhân viên tòa soạn, đưa gia đình của Ẩn gồm vợ và 4 con Ẩn theo máy bay sang Mỹ. Văn phòng báo chí còn một mình Ẩn sẽ sang sau vì Ẩn còn mẹ già cần săn sóc, Ẩn không thể dứt áo ra đi.
Nhưng rồi Ẩn có lệnh ở lại không đi tiếp nữa. Về chuyện này, ông Mười Hương gặp trực tiếp hỏi Đại tướng Văn Tiến Dũng: “Tại sao anh không để Ẩn đi? Tại sao ta đã đưa vợ con cậu ấy đi sang Mỹ, rồi lại đưa về”. Thành thực mà nói tôi cảm thấy rất tiếc việc này, và tiếc cho ngành tình báo của nước ta.
Đại tướng Văn Tiến Dũng đáp lại: “Phạm Xuân Ẩn là một người tài giỏi của nước ta. Sang phía địch, với tài năng và vị trí của Ẩn chắc chắn sẽ thu được nhiều thông tin quan trọng phục vụ Tổ quốc. Nhưng anh có thể tưởng tượng rằng một cán bộ hoạt động ở trên đất của phía đối phương hơn 20 năm, giờ lại phải tiếp tục công việc của mình ở phía đó. Sớm hay muộn Ẩn cũng sẽ bị phát hiện khi đang ở nước ngoài, lúc đó sự mất mát sẽ rất lớn. Anh nghĩ điều đó có nên không? Theo tôi, chúng ta nên có chính sách hợp lý với cán bộ của mình. Vì vậy tôi đã trao đổi trong Quân ủy Trung ương và báo cáo Bộ Chính trị, quyết định giữ Ẩn ở lại và đưa vợ con Ẩn trở về nước”.
Ngày cuối cùng của cuộc chiến, hầu hết người Mỹ và những người cộng tác đã rút đi, nhưng Trần Kim Tuyến, một người CIA, nhiều năm phụ trách cơ quan an ninh của chế độ Sài Gòn còn kẹt lại. Phạm Xuân Ẩn đã dùng xe riêng của mình đưa Trần Kim Tuyến đến tận nơi và kịp đưa Tuyến đáp chuyến trực thăng cuối cùng di tản đi Mỹ. Phạm Xuân Ẩn đã cứu Trần Kim Tuyến.
Hành động này làm cho nhiều người thắc mắc, sao lại cứu một người có nhiều tội như thế? Có người hỏi ông Mười Hương, ông trả lời: “Tôi cho việc làm của Phạm Xuân Ẩn là đúng, không nên chỉ trích. Điều đó chứng tỏ sự rộng lượng của cách mạng, của dân tộc Việt Nam.
Và có thể lòng tốt này giúp cho Trần Kim Tuyến có cái nhìn khác về đất nước. Họ có vợ con. Và ai mà biết được, trong tương lai chính con em họ sẽ làm điều gì đó đem lại lợi ích cho đất nước”.
Ông Mười Hương khẳng định: Khi đọc tác phẩm Điệp viên hoàn hảo của nhà báo - nhà sử học người Mỹ Larry Berman, tôi tưởng như được gặp lại người thanh niên thông minh, nhanh nhẹn, sáng dạ, có khiếu hài hước, rất quý mến trẻ con, biết kính trọng người già của thuở nào. Vẫn là một Phạm Xuân Ẩn mà tôi biết và đã dìu dắt trong những năm đầu vào nghề tình báo.
Đặc biệt, khả năng khai thác thông tin và diễn đạt bằng ngôn ngữ một cách sinh động, khúc triết, quả là một biệt tài thiên phú. Tôi đã từng nghe các đồng chí ở Trung ương kể lại rằng sau khi đọc những báo cáo của Ẩn gửi về từ Mỹ, Bác Hồ xúc động thốt lên: “Đọc báo cáo mà cứ như đang ở ngay trung tâm New York”.
Hay sau khi đã về nước, hoạt động trong lòng địch, những báo cáo của Ẩn cũng vô cùng chính xác, sinh động, khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải hài lòng tấm tắc: “Cứ như ta đang ở trong Bộ Tổng tham mưu địch”.
Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên có tầm nhìn chiến lược, sáng tạo, có óc hài hước và tài ngoại giao đặc biệt. Với tài năng thu phục nhân tâm và khả năng khai thác thông tin xuất chúng, ông đã khám phá ra những kế hoạch vô cùng quan trọng ở cấp cao nhất của quân đội, tình báo Mỹ và chính quyền Sài Gòn. |
Phạm Xuân Trường (Ghi)