>>Kỳ 3: Sản vật Cồn Cỏ
Chu Thị Thơm
Cách Cửa Tùng 35km, với 2 tiếng đồng hồ trên biển, Cồn Cỏ vừa xa vừa gần trong tâm thức bao người. Nhìn từ xa, Cồn Cỏ nhưu một chiến hạm xanh, để bảo vệ đại dương và chở che đất liền. Đảo Cồn Cỏ có tên gọi là Hòn Cỏ, Hòn Gió, Đảo Con Hổ...
Từ huyện Đảo Cồn Cỏ nhìn về phía Tây sẽ thấy rõ màu xanh của rừng ven biển Cửa Tùng, Vĩnh Thái. Phía Tây Nam là dải bờ ven sông Bến Hải. Trong chiến tranh, nhiều người biết tới Cồn Cỏ như một huyền thoại của hòn đảo kiên cường -nơi có cao điểm 63-Thái Văn A và những đồng đội của anh-trên vọng gác ngày đêm canh giữ biển trời và sẵn sàng đánh đuổi quân xâm lược. Nơi có những đàn cua đá, san hô đỏ làm bạn với lính đảo…Và trên hết, Cồn Cỏ-hòn đảo nhỏ bé chỉ có 2,3 km2 và chiều dài bao quanh khoảng 5 km-trong đó có 70% diện tích là hệ sinh thái rừng-đã làm nên những huyền tích trong chiến tranh và cả hôm nay…
Hoàng hôn trên đảo |
Kỳ 1: Cồn Cỏ-Huyền thoại và tâm linh
Sau khi vượt biển với 18 hải lý, từ Cửa Tùng, chúng tôi đặt chân đến đảo Cồn Cỏ. Nằm ở toạ độ 17 độ 10 phút vĩ độ Bắc - 107 độ 20 phút kinh độ Đông, Cồn Cỏ nhìn từ xa như một chiến hạm xanh, án ngữ tàu giặc và che chở cho Vĩnh Linh trong những năm đánh Mỹ. Huyền thoại về Đảo đã ám ảnh chúng tôi. Rằng, xa xưa lắm rồi, ngày vũ trụ đang hình thành và manh nha, có người anh hùng khổng lồ gánh đất đắp nên dãy Trường Sơn được bền chặt. Một hôm đất đá nặng quá, đòn gánh gãy hai đầu đất rơi xuống. Một đầu thành đồi Lo Ren (xã Vĩnh Thuỷ bây giờ). Đầu kia văng mạnh ra biển thành một hòn Đảo, cây cỏ mọc xanh, tên gọi Cồn Cỏ.
Đến nhiều đảo, nhưng chưa ở đâu, tôi thấy huyền thoại cùng với vẻ đẹp mê hồn nguyên sơ của hòn đảo này lại khiến nhiều người say lòng đến thế. Chưa ở đâu, biển và cây lại xanh như ở nơi này. Biển xanh, êm đềm, đủ để vỗ êm bờ bằng những con sóng bạc đầu lăn tăn. Nhìn từ trên cao, rừng nguyên sinh như một bức thảm xanh phủ đảo bằng nhiều lớp cây, dây leo chằng chịt. Từ xa, những con sóng vỗ bờ bằng vệt trắng xóa, làm ranh giới cho đảo và đại dương. Nhưng đó mới chỉ là một dấu hiệu nhận biết. Hàng loạt hòn đá to nhỏ chồng xếp lên nhau, đủ màu lấp xấp ven biển, khiến biển pha thêm chút tĩnh lặng hoang sơ và mơ hồ về huyền thoại. Đá xám, sỏi trắng. Những cành san hô to nhỏ bị quật lên từ đáy biển, trắng phau cùng với sỏi đá.
Chúng tôi đứng trước ba cây phong ba ở bến Nghè-nơi được cho là linh thiêng của đảo, nơi đây thờ Ông Voi và những linh hồn phiêu bạt bởi gió to sóng lớn nên đã mãi mãi ra đi không trở về. Sau chuyến ra khơi, gặp bão, họ đã dạt vào bến, nhiều khi thi thể không vẹn nguyên. Không ai biết họ là ai. Chỉ biết rằng, hầu như tất cả, đều dạt vào bến Nghè, và đều được các chiến sĩ và nhân dân trên đảo Cồn Cỏ mai táng cẩn thận.
Bến Nghè là nơi tránh bão của cư dân vùng biển, cũng là nơi nương trú cuối cùng của những linh hồn không thể về đất liền, khi biển lên cơn giận dữ. Đảo trưởng Lê Quang Lanh cho biết: Đã mấy lần có xác cá Ông Voi dạt vào bến Nghè, anh em làm lễ chôn cất sau khi cuốn lại bằng những tấm bạt lớn. Nhưng cũng có trường hợp, không chôn cất mai táng được Ông. Bởi cát ở Cồn Cỏ hầu như không có. Ông Chủ tịch huyện đảo kể: Khi ấy, ông và mọi người làm lễ thắp hương trước thi thể cá Ông Voi ở bến Nghè, rồi lạy ông, nếu thương ông hãy dạt đi nơi khác. Vì ở đây, cát không có, chỉ có sỏi cuội, và những viên đá lớn chồng chất bên nhau. Hình như có những Ông Voi hiểu và thương ông, sau đó nổi nênh về bờ biển khác...
Vì vậy, ban thờ lập ra trước bến Nghè, không chỉ thờ những linh hồn xiêu bạt, mà còn thờ những cá Ông Voi xấu số, vì lý do nào đó, không thể sống và che chở cho những con thuyền lênh đênh trên biển cả.
Ân nghĩa của biển cả và con người thường được biến thành những nghi thức tâm linh như thế!
Bến Nghè-nơi thờ Ông Voi và những linh hồn xiêu bạt |
Cát ở nơi này như trắng hơn, và những khối đá tròn cũng như trầm mặc hơn, trước những con sóng bạc đầu. Ba cây phong ba cổ thụ gân guốc, ưỡn mình đón bão, là nơi chứng kiến những nghi thức tâm linh. Trong tương lai, nếu Cồn Cỏ là đảo du lịch, thì nơi đây sẽ là một trong những điểm đến tham quan của đảo. Vì vậy, khi cơn bão số 9/2009 đánh tơi tả những phiến đá phòng hộ, ông Lê Quang Lanh đã cho làm lại,để ken đá, xi măng, ken lại vị trí này để bảo vệ ba cây phong ba, bảo vệ huyền thoại này, trị giá hàng trăm triệu.
Đảo Cồn Cỏ còn được biết đến bởi loại san hô đỏ-loại san hô mà chỉ ở Cồn Cỏ mới có. Ông Donal J.Macintosh, người đầu tiên lặn thăm dò hệ sinh thái biển ở vùng đảo Cồn Cỏ từng cho biết: So với 4 vùng đáy biển khác như Phú Quốc ,Côn Đảo, Hòn Mun , Cù Lao Chàm , thì ở biển ở Cồn Cỏ có rạn san hô tốt nhất. Ở độ sâu 8-10m, san hô chiếm 45% mặt đáy biển, có nhiều khối san hô rất lớn và đa dạng sinh học cũng rất phong phú. Đây là nơi duy nhất Donal J.Macintosh phát hiện có sản hô đỏ.
Tại sao có loài san hô đỏ, thì những người dân ở Vĩnh Thái, Vĩnh Thịnh cho biết: Họ chưa nhìn thấy bao giờ, vì không ai dám cả gan mang loài san hô lạ này về đất liền. Đây là linh vật mà đất trời đã dành riêng cho Cồn Cỏ. Trong chiến tranh, để giữ biển, giữ đảo-146 người con ưu tú của Vĩnh Linh đã ngã xuống-trên biển bằng thuyền nan khi tiếp tế súng đạn, lương thực cho các chiến sĩ Cồn Cỏ. Họ ngã xuống khi bảo vệ đảo xanh khỏi vào tay giặc, bảo vệ bờ Bắc bằng lòng yêu nước trong điều kiện khốc liệt. Trong số 146 người đã ngã xuống cho Cồn Cỏ, thì có tới 2/3 số người đã hy sinh trên đại dương khi tiếp ứng cho chiến sĩ ta trên đảo, hoặc đang trở về. Máu của họ đã tô thắm biển xanh, thấm xuống đáy biển, biến những cành san hô trắng thành đỏ thắm. Có người đi biển, nhặt được nhánh san hô đỏ, lặng lẽ thành kính mang lên đài tưởng niệm liệt sĩ, thắp hương và gửi gắm những ước vọng với người đã khuất. Không một ai mang về một nhánh san hô đỏ về đất liền, bởi sợ sự rủi ro cho mình, và rủi ro đối với những con người đã khuất.
Ba bề, bốn bên, Cồn Cỏ có 3 điểm nhấn, tạo ra dấu hiệu nhận biết cho những con tàu cập bến, bởi sừng sững uy nghi một Đài tưởng niệm liệt sĩ, Cột thu phát sóng, và ngọn hải đăng. Đài tưởng niệm, án ngữ ngay bên biển, trên đỉnh cao, qua bến Nghèn một chút, trầm mặc và thiêng liêng. Nhưng trong mỗi con người nơi này, mỗi nhánh cây, con đường, tảng đá…đều có thể tự thoại và kể cho du khách về những câu chuyện bất tận của mình.
Tôi ngắm biển xanh từ Đài tưởng niệm, thấy những con sóng lan vào bờ đảo, hiện diện trong những câu chuyện cổ tích, mà ở đó không có bóng hoàng tử công chúa, chỉ có bóng dáng mơ hồ của những linh vật, oan hồn…đang phù trợ cho cư dân trên đảo. Hình như điều đó đã được chứng minh, qua thực tế là với 400 cư dân ( ông Lanh đang dự trù trong tương lai có 1500 cư dân) trên hòn đảo này mà không hề có tệ nạn ma túy, vi phạm pháp luật nào sảy ra. Bằng chứng là từ khi thành lập huyện đảo đến nay, mặc dầu chưa có tòa án, công an…nhưng đảo chưa hề sảy ra một sự vụ gì liên quan đến trộm cắp, đánh nhau, cướp của…nào. Bình yên, hoang dã và nguyên sơ-đó là tất cả những gì mà bất kỳ đặt chân lên Cồn Cỏ đều cảm nhận rõ điều này.
Đài tưởng niệm liệt sĩ |
Được biết, tháng 7/1994, đoàn của cố giáo sư Trần Quốc Vượng và nghệ sỹ nhân dân Xuân Đàm ra Đảo Cồn Cỏ. Họ đã tìm thấy đồ đá cũ trên dưới 2 vạn năm ở vùng Bến Nghè và vùng Bến Tranh. Các hiện vật thuộc các thời đại khác nhau như rìu đá mài nhọn, nhiều đồ sành sứ thuộc các thời đại khác nhau cũng có mặt tại đây.
Điều đó chứng tỏ nơi đây đã có một nền văn minh từ cổ xưa, nơi con người chứng minh sự sinh tồn có ý nghĩa trên hòn đảo vẫn còn nguyên sơ này.
Chúng tôi đi thăm quan đảo bằng xe mui trần, chiếc xe được “nuôi” bằng xăng chở từng can từ đất liền, chuyên dùng cho khách tham quan và những hoạt động của đảo khi cần kíp. Những con đường trải nhựa tăm tắp, hun hút chạy về phía trước, gặp biển rồi lại trở lại, đẫm hương hoa và bướm lượn. Chưa ở đâu, hoa lại nở rộ hết mình như Cồn Cỏ, và bướm lại vờn bay ngỡ có thể quờ tay bắt được hàng đàn như thế. Lau lách, chuối rừng, dứa dại, hoa phong ba, phong lan…đan vào nhau, tạo thành thảm thực vật phong phú và lạ mắt.
Hoa phong ba Cồn Cỏ |
Không khí trong lành, mắt rượi. Nếu ai đã tắm trong không khí trong lành và mát mẻ của Cồn Cỏ, có lẽ sẽ mãi mãi không quên cảm giác thư thái dễ chịu này…
C.T.T
(Kỳ 2: Chuyện lạ ở Cồn Cỏ)