Huyện Quan Sơn (Thanh Hóa): Vô vàn khó khăn trước thềm năm học mới

GD&TĐ - Sau 4 ngày bị trận lũ khủng khiếp quét qua, người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện vùng biên Quan Sơn (Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng. Những người mất tích, hiện nay mới tìm thấy 2 thi thể, trong đó có 1 học sinh. Vẫn còn 8 người “bặt vô âm tín”.

Điểm trường khu Son, Tiểu học Na Mèo thiệt hại nặng khi lũ đi qua
Điểm trường khu Son, Tiểu học Na Mèo thiệt hại nặng khi lũ đi qua

“Nhà cháu không còn gì cả”!

Ở đầu bản, cháu Nguyễn Thị Dược, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Na Mèo, khóc thút thít. Khi nghe chúng tôi hỏi đến chuyện học hành, bé Dược bảo: “Nhà cháu không còn gì cả! Lũ cuốn hết sạch rồi. Cháu cũng không có sách, vở hay đồ dùng học tập để chuẩn bị đi khai giảng năm học mới nữa”.

Chị Hà Thị Pấm (mẹ cháu Dược), mắt đỏ hoe: “Khổ lắm các bác ơi. Lũ cướp hết tài sản của nhà cháu rồi! May mà hôm đó, cả gia đình nhanh chân chạy được. Bây giờ, nhà không còn gì cả, trong khi cháu Dược bị bệnh, cứ hai tháng phải đi truyền máu một lần”. Chị Pấm bưng mặt khóc.

Còn em Ngân Việt Hùng (14 tuổi), năm nay vào lớp 9, cũng ở Sa Ná thẫn thờ kể: “Bao nhiều đồ đạc, tài sản trong nhà cháu bị trôi hết cả. Cháu cũng không còn sách vở, đồ dùng học tập để đi học. Bố mẹ và anh em cháu đang phải lên ở nhờ nhà ông ngoại”.

Gia cảnh của cô giáo Nguyễn Thị Tiếm, giáo viên dạy hợp đồng của Trường Mầm non Na Mèo cũng vô cùng đáng thương. Hôm lũ đổ về, đứa con trai của cô Tiếm mới được 3 tháng tuổi đã bị nước cuốn mất tích. Chồng cô bị nước cuốn làm gãy xương sườn, dập thận nặng, đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Trận lũ quét qua Sa Ná cũng đã cướp đi sinh mạng em Hà Văn Quỳnh, học sinh lớp 4. Em Hà Văn Chấn, học sinh lớp 2 cũng đang mất tích. Còn em Thao Anh Xuân, học sinh lớp 3, ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy cũng bị nước cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy.

Điểm trường Mầm non khu Son (Na Mèo) bị lũ cuốn tan hoang
  • Điểm trường Mầm non khu Son (Na Mèo) bị lũ cuốn tan hoang

Ngành Giáo dục thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo nhanh từ Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, trận mưa lũ vừa qua đã khiến hệ thống cơ sở vật chất một số trường học trên địa bàn huyện thiệt hại nặng nề. Trong đó, khu trường bản Son đã bị lũ cuốn toàn bộ, gồm: 4 phòng học xây cấp 4; 80 bộ bàn ghế học sinh, 5 bộ bàn ghế giáo viên, 6 bảng chống lóa; 1 nhà ở giáo viên (3 gian bằng gỗ gồm có 1 phòng chờ của giáo viên và 2 phòng ở), tivi, máy vi tính, máy in, máy lọc nước, sách giáo khoa, tài liệu, trang thiết bị dạy học và giường tủ đồ dùng cá nhân của giáo viên, nhà vệ sinh của giáo viên, học sinh.

Còn tại điểm trường Mầm non Sa Ná, sau khi lũ tràn qua đã bị nứt và thấm dột, không còn khả năng sử dụng trong năm học mới... Ước tính ban đầu, tổng số thiệt hại từ các nhà trường trên địa bàn huyện đã lên tới gần chục tỷ đồng.

Ông Lê Đình Xuân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn (phải) đi kiểm tra thực trạng trường học tại Na Mèo sau lũ
  • Ông Lê Đình Xuân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn (phải) đi kiểm tra thực trạng trường học tại Na Mèo sau lũ

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Đình Xuân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, cho hay: Để ổn định công tác dạy và học tại các điểm trường bị thiệt hại do thiên tai, Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn đã thành lập đoàn đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo các đơn vị báo cáo với địa phương, lên phương án khắc phục hậu quả để bảo đảm điều kiện dạy và học được ổn định ngay trước khi bước vào năm học mới.

“Đối với điểm trường Sa Ná - Trường Mầm non Na Mèo, trước mắt nhà trường và địa phương khắc phục thấm dột để có phòng học cho học sinh. Còn điểm trường khu Son - Trường Tiểu học Na Mèo, toàn bộ cơ sở vật chất đã bị lũ cuốn trôi. Do vậy, để có nơi tổ chức dạy học cho học sinh, nhà trường mượn tạm nhà dân và sử dụng bàn ghế của các đơn vị hỗ trợ.

Điểm trường khu Chè - Trường Mầm non Trung Tiến cũng bị sập, không sử dụng được, nhà trường sẽ phải mượn tạm phòng học của Trường Tiểu học Trung Tiến, tạm thời bố trí học sinh học 2 ca. Đối với các trường hợp học sinh bị mất tích, Phòng GD&ĐT cùng các nhà trường đến thăm hỏi, động viên cả về tinh thần và vật chất. Đồng thời, kêu gọi các nhà trường trong huyện, các nhà hảo tâm hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ra”, ông Xuân nói.

Cũng theo ông Xuân, để có cơ sở vật chất cho việc dạy và học ở những điểm trường bị hư hại, Phòng GD&ĐT huyện đã làm văn bản đề nghị cấp trên hỗ trợ đầu tư kinh phí, để xây mới 5 phòng học, 3 phòng nhà ở giáo viên và các công trình phụ trợ (cổng, tường rào, nhà vệ sinh…); cấp trang thiết bị, bàn ghế và đồ dùng dạy học ở điểm trường khu Son. Xây mới 4 phòng học, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ, trang cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho điểm trường khu Chè. Xây mới 5 phòng học, 2 phòng nhà ở giáo viên, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ, cung cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho điểm trường khu Sa Ná.

Năm học mới đang đến gần, thế nhưng thiên tai ập xuống đã cướp đi nhiều sinh mạng học sinh, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân, cơ sở vật chất của ngành Giáo dục. Mong rằng, sự quan tâm kịp thời của các cấp, ngành sẽ sớm hỗ trợ cho ngành Giáo dục vùng biên giới Na Mèo sớm ổn định, để thầy và trò các nhà trường yên tâm bước vào năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.