Huyện miền núi Quảng Ninh nỗ lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) có rất nhiều cách làm sáng tạo giúp cho công tác phổ cập giáo dục mầm non đạt nhiều hiệu quả.

Hoạt động tăng cường tiếng Việt của cô và trò Trường Mầm non Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ).
Hoạt động tăng cường tiếng Việt của cô và trò Trường Mầm non Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ).

Nhiều cách làm sáng tạo

Xác định cấp học mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em.

Huyện Ba Chẽ đã bám sát định hướng chỉ đạo của đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” để có những giải pháp hiệu quả cho công tác giáo dục mầm non, đặc biệt là về công tác phổ cập giáo dục.

Là huyện miền núi vùng cao có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, với 80,3% dân số là người DTTS, công tác huy động trẻ mầm non ra lớp tại huyện Ba Chẽ gặp không ít khó khăn.

Trong đó phải kể đến điều kiện kinh tế của nhân dân còn thấp, trình độ dân trí chưa cao, nhiều phụ huynh thiếu kiến thức và không quan tâm đến việc dạy dỗ, chăm sóc con cái.

Địa bàn rộng, dàn trải, dân cư không tập trung, nên còn có nhiều điểm trường lẻ; tỷ lệ nhóm, lớp ghép cao... Những điều kiện đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động trẻ ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ...

Tuy nhiên, ngành GD&ĐT huyện Ba Chẽ đã có rất nhiều cách làm sáng tạo giúp cho công tác phổ cập giáo dục đạt nhiều hiệu quả, cùng với đó là nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non.

Đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

Toàn huyện hiện có 7 trường mầm non, trong đó có 27 điểm trường lẻ tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Nhiều năm qua, ngành Giáo dục thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục.

85387.jpg
Phần thi Trạng nguyên nhí tại Hội thi ATGT chủ đề "Tôi yêu Việt Nam" năm 2024 của huyện Ba Chẽ.

Là lực lượng nòng cốt trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, ngành Giáo dục huyện một mặt phải chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã để xây dựng kế hoạch, có biện pháp cụ thể phù hợp trong thực hiện các mục tiêu phổ cập, mặt khác phải nắm vững các vấn đề về kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ của công tác phổ cập giáo dục để triển khai có hiệu quả.

Các trường mầm non trên địa bàn huyện đã tích cực huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi ra lớp học, duy trì sĩ số, tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại trường bằng nhiều hình thức, có các biện pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng...

Cụ thể, vào đầu mỗi năm học, từng thành viên trong Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục mầm non cấp xã đến từng hộ gia đình để điều tra trẻ trong độ tuổi, từ đó các trường mầm non xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp.

Công tác này đòi hỏi sự cẩn thận, dày công, bởi việc phổ cập giáo dục tại địa bàn miền núi khó khăn hơn các vùng đồng bằng rất nhiều.

Ngành Giáo dục huyện cũng thường xuyên tạo điều kiện cho giáo viên bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ cốt cán các cấp để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non.

Với những cách làm cụ thể phù hợp với đặc thù của từng địa phương, công tác giáo dục mầm non của Ba Chẽ đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đưa Ba Chẽ trở thành một trong những địa phương hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi sớm nhất trong toàn tỉnh và qua các năm đã nâng lên về tỷ lệ, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non (riêng năm học 2023-2024, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp là 475/475 trẻ, đạt 100%).

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, 100% trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày và ăn ngủ bán trú tại trường. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, khống chế trẻ em mắc hội chứng béo phì.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.