Huyện miền núi ở Quảng Ngãi linh hoạt thực hiện Chương trình mới

GD&TĐ - Hiểu rõ đặc thù là địa phương miền núi nhiều khó khăn, ngành giáo dục huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) linh hoạt trong thực hiện Chương trình GDPT.

Giáo viên chủ động điều chỉnh giáo án, bài giảng của mình tùy theo tình hình thực tế của học sinh ở mỗi lớp, mỗi môn học.
Giáo viên chủ động điều chỉnh giáo án, bài giảng của mình tùy theo tình hình thực tế của học sinh ở mỗi lớp, mỗi môn học.

Nhiều chuyển biến tích cực

Linh động trong quá trình thực hiện, điều chỉnh tùy vào tình hình thực tế,… là những cách làm của ngành giáo dục huyện Sơn Tây nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả Chương Trình GDPT mới.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng, nơi có đa số học sinh là người dân tộc thiểu số theo học, đây là năm thứ 3 Trường thực hiện Chương trình mới ở cấp Tiểu học và năm thứ 2 đối với cấp THCS. Theo nhận xét của nhiều giáo viên thì thực hiện giảng dạy theo Chương trình mới mang lại nhiều chuyển biến tích cực.

Theo cô Phạm Thị Hồng Cẩm - giáo viên chủ nhiệm lớp 3C, sách giáo khoa theo Chương trình mới có nhiều hình ảnh nên học sinh thích thú và tiếp thu nhanh hơn, trong giờ học cũng tích cực phát biểu sôi nổi. Đặc biệt, các em rất hào hứng với các hoạt động trải nghiệm.

“Mặc dù chương trình có dày hơn nhưng đã tạo được sự hứng thú học tập trong các em, minh chứng rõ ràng nhất là sĩ số lớp luôn được duy trì ổn định”, cô Cẩm cho hay.

Cô Phạm Thị Hồng Cẩm cho rằng học sinh thích thú với Chương trình mới.

Cô Phạm Thị Hồng Cẩm cho rằng học sinh thích thú với Chương trình mới.

Cũng theo cô Cẩm, nhận biết sự tiếp thu của học sinh vùng cao là chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa ở miền xuôi nên ngay từ đầu năm học, tùy vào các môn học giáo viên chủ nhiệm đã tăng thêm giờ học vào buổi chiều để giúp các em bắt kịp chương trình.

“Thay vì cứ đúng 15h30 là các em ra về thì giáo viên sẽ sắp xếp ở lại lớp với các em đến 17h để hướng dẫn kỹ hơn về những bài học hay tổ chức các trò chơi tranh, ảnh nhằm củng cố kiến thức cho học sinh”, cô Cẩm chia sẻ.

Theo cô Đoàn Thị Bích Nguyệt – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng, từ đầu năm Nhà trường đã phổ biến và chỉ đạo giáo viên linh hoạt trong soạn, giảng Chương trình GDPT.

“Giáo viên sẽ chủ động điều chỉnh giáo án, bài giảng của mình tùy theo tình hình thực tế của học sinh ở mỗi lớp, mỗi môn học. Trong quá trình soạn, giảng giáo viên có thể tìm thêm những tư liệu, hình ảnh,… liên quan đến quá trình giảng dạy nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh, giúp các em nắm bắt bài học”, cô Nguyệt nói.

Thích ứng trong điều kiện khó khăn

Theo cô Nguyệt, với đặc thù là một trường ở miền núi xa xôi nên trong quá trình thực hiện Chương trình mới, trường gặp không ít khó khăn, nhất là công tác tuyên truyền để phụ huynh biết được con mình học những gì và cần bổ sung chỗ nào?

Phần lớn học sinh tại trường là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, phụ huynh chưa nắm bắt được kịp thời Chương trình. Do đó, nhà trường và giáo viên rất vất vả trong công tác tuyên truyền cho bà con về thay đổi của Chương trình mới cũng như cách thực hiện giảng dạy.

“Rất may mắn là trong quá trình triển khai, nhà trường có sự đồng hành, ủng hộ của các thầy, cô giáo. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ giảng dạy mà giáo viên còn chủ động tìm tòi, sáng tạo các đồ dùng học tập, thiết bị liên quan việc thực hành ở các môn học giúp học sinh nắm bắt được bài học”, cô Nguyệt chia sẻ.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu năm học 2022-2023, trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng cũng đã chủ động mua SGK phục vụ cho học sinh khối lớp 3 được trang bị tại Thư viện, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho học sinh, tạo thuận lợi trong quá trình giảng dạy của giáo viên.

“Điều cần nhất lúc này là sớm hoàn thành việc xây dựng khu nhà ăn, nhà ở bán trú cho học sinh, qua đó tạo thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mới”, cô Nguyệt nói.

Theo ông Nguyễn Minh Anh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, khó khăn của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng là khó khăn chung của ngành giáo dục huyện nhà.

Bên cạnh đó, có thể kể đến tồn tại như thiếu giáo viên ở môn Tin học và Công nghệ, giáo viên thường xuyên xin thuyên chuyển về các trường ở đồng bằng, cơ sở vật chất chưa đầu tư kịp thời…

Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên để đảm bảo không bỏ sót đối tượng. Tiếp tục phối hợp toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác vận động học sinh đến lớp…

Một giờ học Tin học của học sinh lớp 4 Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng.

Một giờ học Tin học của học sinh lớp 4 Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng.

Theo Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, trong thực hiện Chương trình mới, tỉnh có những hạn chế như chỉ tiêu biên chế được Nhà nước giao chưa đủ và đáp ứng nhu cầu thực tế, song phải thực hiện cắt giảm biên chế hàng năm từ 1,5 đến 2%.

Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đồng thời với Luật Giáo dục 2019 về đào tạo chuẩn trình độ cho giáo viên nên bị ảnh hưởng vì giáo viên vừa phải đi dạy vừa phải đi học. Cơ sở vật chất còn thiếu, nhất là với khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.

Một số địa phương còn thiếu phòng học, phòng chức năng và phòng bộ môn để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT không đủ giáo viên do các trường đào tạo không tuyển sinh được sinh viên đáp ứng nhu cầu,…

Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay, thời gian qua Sở đã thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc các yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với Chương trình GDPT mới.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đã chủ động tiến hành xây dựng kế hoạch giáo dục, chương trình nhà trường,… thực hiện Chương trình GDPT 2018 phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị.

“Sở GD&ĐT phối hợp các sở, ngành liên quan dự thảo Nghị quyết tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tổ chức thi tuyển dụng một số giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Kế đến, sẽ kết hợp số giáo viên trên với giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật bậc THCS có trình độ Đại học trở lên để thành lập hội đồng chọn sách, hỗ trợ cho các trường”, ông Thái cho biết.

Quảng Ngãi đã hoàn thành việc biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa theo đề nghị của Bộ GD&ĐT, tổ chức tập huấn và đưa vào giảng dạy đối với các tài liệu giáo dục địa phương dành cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Và đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương dành cho lớp 8 và lớp 11.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...