Ngôi trường lưu giữ nét văn hóa của người Ca Dong

GD&TĐ - Bản sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong được gìn giữ và lan tỏa dưới mái Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây.

Câu lạc bộ văn hóa dân gian Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây sinh hoạt tại sân trường.
Câu lạc bộ văn hóa dân gian Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây sinh hoạt tại sân trường.

Được thành lập vào tháng 9/2021, Câu lạc bộ văn hóa dân gian (Câu lạc bộ) của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đã phục dựng nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Ca Dong như Lễ hội Cá Poa nêu (ăn lúa mới), Tết của người Ca Dong…

Câu lạc bộ không chỉ trình diễn các tiết mục văn nghệ, mà còn là nơi gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào Ca Dong thông qua việc lưu giữ, trưng bày các vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bản địa.

Nơi tiếp lửa đam mê

Qua gần 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ đã làm tốt công tác phát huy nét đẹp văn hóa đồng bào Ca Dong, đáp ứng được kỳ vọng của thầy cô giáo và học sinh. Hơn hết đây cũng là nơi tiếp lửa cho những tài năng bộc lộ làm rạng danh ngôi trường vùng cao này.

Nổi bật trong số đó là cô học trò Lương Phạm Y Va học sinh lớp 10, đang học tại Trường Nội trú Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi.

Năm học trước, khi đang là học sinh lớp 9A tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây, Y Va đã xuất sắc đạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 với môn Lịch sử trong sự ngỡ ngàng và tự hào của gia đình và nhà trường.

Vinh dự hơn, khi Y Va cũng là học sinh duy nhất của huyện đạt giải ở Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử năm đó. Đây được coi là "điều xưa nay hiếm" với học sinh dân tộc thiểu số ở một huyện nghèo như Sơn Tây.

Câu lạc bộ văn hóa dân gian là nơi truyền cảm hứng cho Y Va đạt được những thành tích ấn tượng.

Câu lạc bộ văn hóa dân gian là nơi truyền cảm hứng cho Y Va đạt được những thành tích ấn tượng.

Cô học trò mang trong mình hai dòng máu khi có bố là người Ca Dong còn mẹ là người Hrê này chia sẻ, ngay từ những năm đầu cấp 2, em đã yêu thích môn Lịch sử. Từ nhỏ em được nghe bà nội kể những câu chuyện về cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ đó em dần thích môn Lịch sử.

Đầu năm lớp 9, Y Va tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ, nhờ được tiếp xúc với các nghệ nhân, nên được hiểu thêm nhiều về văn hóa, ẩm thực, làn điệu dân ca, điệu múa… của dân tộc mình, điều đó càng tiếp lửa đam mê cho em.

“Qua những hoạt động của Câu lạc bộ giúp em am hiểu hơn về văn hóa dân tộc, nhờ đó tạo cho em tư duy đọc sử dễ hiểu và ghi nhớ lâu hơn. Thôi thúc em đến thư viện trường để tìm đọc sách viết về văn hóa, phong tục truyền thống… của người Xơ Đăng (tên gọi khác của người Ca Dong - PV)”, Y Va nói.

Cô học trò này cũng chia sẻ, điều làm em vui nhất kể từ khi tham gia Câu lạc bộ đó là vào dịp 20/11, em cùng các bạn có cơ hội biểu diễn những điệu múa, làn điệu dân ca… của đồng bào Ca Dong trước đông đảo khán giả, điều này làm em tự hào về văn hóa của dân tộc mình.

Kiên trì rèn luyện, đam mê tìm hiểu đã giúp Y Va nhanh chóng thuộc nằm lòng các làn điệu dân và biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ca Dong.

Trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Y Va dự thi vào Trường Nội trú Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi. Với số điểm 29,5 điểm, em nằm trong tốp 5 thí sinh có điểm thi đầu vào cao nhất trường. Tại đây, Y Va sẽ tiếp tục hành trình theo đuổi con chữ, nuôi dưỡng ước mơ trở thành một chiến sĩ công an như em hằng mong ước.

Năm 2022, Y Va là đại diện duy nhất của huyện Sơn Tây được Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tặng danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ". Đại diện cho học sinh huyện nhà, Y Va được mời dự buổi Gặp mặt đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ và thiếu nhi dân tộc thiểu số tiêu biểu do Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức vào tháng 5.

Tiếp nối một năm đáng nhớ, khi Y Va vinh dự là 1 trong 4 đại diện đội viên, thiếu nhi tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi tham dự tại Liên hoan thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần thứ IV, diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào tháng 9/2022. Liên hoan là dịp tuyên dương thiếu nhi tiêu biểu của 54 dân tộc anh em trên cả nước.

Từ tình yêu của người thầy nơi đại ngàn

Tuy mới thành lập, Câu lạc bộ văn hóa dân gian của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây đã lan tỏa được niềm đam mê, yêu thích văn hóa dân gian đến học sinh, tập hợp được bộ sưu tập gồm văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người Ca Dong. Đây là hoạt động chuyên biệt gắn với chương trình giáo dục và tiên phong của Nhà trường, góp phần lan tỏa ý thức giữ gìn giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Ca Dong.

Phòng truyền thống là nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ, vừa là nơi sưu tầm, trưng bày hơn 100 vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Ca Dong như: nồi đồng, gùi đi núi; những vật dụng dùng sinh hoạt đời thời, dụng cụ săn thú; trang phục thổ cẩm, trang sức... nhiều hiện vật có tuổi đời hàng trăm năm. Căn phòng như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Ca Dong.

Là người khởi xướng và dành nhiều tâm huyết cho Câu lạc bộ, thầy Lê Hoài Thạnh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây chia sẻ, để có những thành quả trên là cả quá trình dày công tìm kiếm, sưu tầm của Nhà trường và sự ủng hộ của các nghệ nhân, của những người yêu thích văn hóa truyền thống đồng bào Ca Dong.

Nhà trường xác định, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp học sinh giữ hồn cốt của văn hóa truyền thống góp phần chấn hưng văn hóa. Hoạt động giáo dục tri thức, tạo nhận thức cho học sinh và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng.

“Hoạt động của Câu lạc bộ nhằm bổ trợ, phục dựng các nét sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa để các em tìm hiểu nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào Ca Dong. Qua đó, hi vọng góp phần giáo dục cho các em ý thức giữ gìn, trân trọng và có trách nhiệm với di sản văn hoá dân tộc mình”, thầy Thạnh chia sẻ.

Học sinh được các nghệ nhân hướng dẫn dùng các nhạc cụ truyền thống của người Ca Dong.

Học sinh được các nghệ nhân hướng dẫn dùng các nhạc cụ truyền thống của người Ca Dong.

Gần 40 năm gắn bó và cống hiến cho ngành giáo dục vùng cao, thầy Thạnh không chỉ am tường về văn hóa, con người nơi đây mà còn dành tình yêu lớn lao với mảnh đất khó này.

Luôn đau đáu với suy nghĩ phải làm cách nào đó để thế hệ con trẻ người Ca Dong yêu thích và có trách nhiệm gìn giữ, phát văn hóa của đồng bào mình. Và Câu lạc bộ văn hóa dân gian như tình yêu thu nhỏ của thầy Thạnh dành tặng cho các thế hệ mai sau của người Ca Dong nơi đây.

“Rất vui vì hoạt động của Câu lạc bộ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giáo viên nhà trường, học sinh cũng như phụ huynh. Mong có sự chung tay của các cấp chính quyền để cùng với Nhà trường giữ gìn vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong”, thầy Thạnh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, hiệu quả từ hoạt động của Câu lạc bộ tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây là rất đáng để nhân rộng. Không chỉ đáp ứng được yêu cầu của Chương trình mới mà mô hình còn đóng vai trò là nơi truyền cảm hứng, khơi gợi cho học sinh niềm tự hào, tình yêu quê hương, có ý thức chung tay giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.