Người mẹ hiền của học trò vùng cao

GD&TĐ - Đứng lớp lần đầu vào năm 1995, thấm thoát đến nay đã 28 năm cô Bùi Thị Trinh vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt huyết với nghề.

Cô Trinh và học trò.
Cô Trinh và học trò.

Cô Bùi Thị Trinh cũng dành tình yêu đặc biệt với giáo dục vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi).

Vượt lên khó khăn

Rời quê lúa “bể bồ” xã Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) đến Trường Tiểu học Sơn Mùa - nay là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng - cô Trinh chẳng ngờ mình lại “phải lòng” với nơi rẻo cao này lâu đến thế. Cơ duyên bắt đầu vào năm 1995, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô Trinh được phân công lên dạy học ở huyện Sơn Tây.

Cô Trinh kể, giáo viên vào thời đó sắm vai như những người đi khai trường, mở lớp, nên mọi gian truân, thiếu thốn đều đã trải qua hết. Để đến được trung tâm huyện Sơn Tây, những giáo viên như cô Trinh phải đi bộ từ huyện Sơn Hà lên. Vào được lớp cắm bản tại xã Sơn Mùa càng đầy ải hơn. Nhiều đoạn phải tự băng rừng tìm đường mòn mà đi. Những ngày đầu, thầy cô giáo cùng đồng bào nơi đây phải dựng lều bằng lồ ô, tre, nứa mới có chỗ dạy học và nơi ở tạm cho giáo viên.

Giáo viên ngày ấy vừa dạy vừa vận động các gia đình đưa trẻ ra lớp. Không chỉ dạy học cho lớp trẻ mà vào ban đêm, cô Trinh cùng các thầy cô khác còn tham gia dạy các lớp xóa mù chữ cho người dân ở địa phương. “Điều kiện ăn, ở đều nhờ vào dân. Dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng chúng tôi rất vui vì được người dân quý mến, giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục ở vùng khó”, cô giáo Trinh tâm sự.

Hơn 10 năm cắm bản là những ngày tháng cô Trinh và các đồng nghiệp cùng ăn, cùng ở với đồng bào vùng cao. Thêm một đứa trẻ, một dân làng Ca Dong biết đọc, biết viết đó đã là niềm động lực to lớn để cô tiếp tục phấn đấu, công hiến. Theo thời gian, điều kiện dạy và học của cô trò nơi đây đã được cải thiện hơn rất nhiều, nhưng những vấn đề nan giải của ngành giáo dục vùng cao vẫn còn đó, khi tỷ lệ học sinh ra lớp chưa như kỳ vọng, nạn tảo hôn, trẻ chậm biết viết, đọc…

Theo chân cô Trinh, chúng tôi đến thôn Huy Em, xã Sơn Mùa để vận động học sinh trở lại lớp. Vừa thấy cô giáo, em Đinh Thị Ngọc Ánh, đang học lớp 3, rụt rè cất tiếng chào cô giáo. Như bao cuộc vận động khác, cô Trinh lấy vài túi kẹo chuẩn bị sẵn từ trước cho Ánh. Mẹ của Ánh cho hay, vì còn ham chơi nên cháu thường xin mẹ ở nhà để đi rẫy.

Sau một lúc thuyết phục, mẹ Ánh hứa sẽ đưa con trở lại lớp để theo học cùng các bạn. Chúng tôi đến vài nhà nữa và vận động các phụ huynh cho con em mình ra lớp. Lúc ra về cô Trinh thở phào nói với chúng tôi, đủ lý do để trẻ vắng học, nếu không chủ động xuống từng nhà để vận động gia đình đưa các em ra lớp thì rất khó đảm bảo sĩ số lớp và việc học của các em sẽ bị thiệt thòi.

Cô Trinh đến nhà vận động học sinh đến lớp.

Cô Trinh đến nhà vận động học sinh đến lớp.

Nâng bước học trò nghèo

Đã nhiều mùa bông đót bung nở trên những cánh rừng Đông Trường Sơn, đó là khoảng thời gian rất dài để sự đồng cảm của cô Trinh dành cho đồng bào nơi đây thêm đậm sâu, thôi thúc cô tiếp tục hành trình gieo chữ đến nay mà không chọn lối về xuôi. Cô Trinh chia sẻ, ở đây không có học sinh cá biệt mà chỉ có “phụ huynh cá biệt”, khi nhận thức của đồng bào về việc học của con trẻ là chưa thật sự rõ ràng, nên các em vẫn chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn ở đồng bằng.

Học sinh tại trường đa số là con em người dân tộc thiểu số Ca Dong nên tiếng phổ thông còn hạn chế. Những lúc nhận lớp mới, quá trình giảng dạy gặp nhiều khó khăn vì học sinh chẳng hiểu tiếng Việt. Thế nên, để các em hiểu và học tốt tiếng Việt, cô Trinh phải vừa dạy, vừa dịch tiếng Việt sang tiếng Ca Dong. “Tuy các em nhút nhát và ngại giao tiếp nhưng lại rất thích được đi học. Chính vì đó mà tôi rất thương các em. Qua thời gian mình công tác trên này đã học được tiếng của bà con nên việc giao tiếp với các em cũng dễ dàng hơn”, cô Trinh tâm sự.

Theo cô Trinh, đa số đồng bào nơi đây đều thuộc diện hộ nghèo, gia đình lại đông con, khiến cuộc sống vốn túng thiếu nay lại càng vất vả hơn và đối tượng dễ bị tổn thương nhất là bọn trẻ. Thương trò, nên mỗi khi về quê, cô Trinh tranh thủ kết nối nhiều tấm lòng thiện nguyện ở miền xuôi để giúp các em bớt lạnh, có bữa ăn no, có đồ dùng học tập cần thiết... kịp thời giúp đỡ để các em yên tâm đến trường.

Em Đinh Văn Sang ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa thiếu đi sự bao bọc của bố mẹ khi còn rất nhỏ. Cậu bé này đối diện với nguy cơ bỏ học giữa chừng. Thấy vậy, cô Trinh đã trích khoản tiền dành dụm được để mua quần áo, sách vở cho em và kêu gọi thêm sự hỗ trợ để Sang thực hiện ước mơ đến trường. Chưa hết, cô giáo Trinh còn giúp đỡ một học sinh khác được đi chữa trị bệnh để trở lại lớp học.

Cô Đoàn Thị Bích Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng nhận xét, cô Trinh là một trong những giáo viên có thâm niên nhất tại trường. Nhiều năm liền cô Trinh là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt, vào năm 2013, cô Trinh được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong giảng dạy.

Theo ông Nguyễn Minh Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, ngành giáo dục huyện nhà ghi nhận và cảm kích những cống hiến to lớn của cô Trinh. Rất mong trên tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục Sơn Tây sẽ có được nhiều hơn sự đồng hành quý giá từ những giáo viên như cô Trinh.

Cô Trinh chia sẻ: Ngày xưa khó khăn, vất vả là thế mà mình còn không bỏ cuộc. Bây giờ cuộc sống đã tốt hơn nên mình càng tiếp tục cống hiến, gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng cao, giúp học sinh người Ca Dong trang bị kiến thức để vững tin bước vào đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.