Người đi xóa tên làng ‘nát’ rượu

GD&TĐ - “Chỉ khi người Đắk Pao bỏ được rượu thì đồng bào Ca Dong nơi đây mới có thể thoát nghèo. Bằng mọi cách phải thay đổi nhận thức của người dân…”.

Chị Đinh Thị Hằng (áo hồng) người có công trong việc xóa bóng 'ma men' ở Đắk Pao.
Chị Đinh Thị Hằng (áo hồng) người có công trong việc xóa bóng 'ma men' ở Đắk Pao.

Chị Đinh Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) nói về hành trình vận động đồng bào Ca Dong ở thôn Đắk Pao bỏ rượu, bia. Chị Hằng chính là người khởi xướng và thực hiện quyết liệt nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi này.

Ký ức u ám ở Đắk Pao

Thôn Đắk Pao thuộc xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi với 50 hộ dân người Ca Dong sinh sống nhưng có đến một nửa trong đó thuộc diện hộ nghèo. Nơi này còn được mệnh danh là làng “nát” rượu, khi không khó để bắt gặp cảnh đàn ông trong làng rượu chè bê bết, say sưa tối ngày.

Chị Hằng nói, Sơn Màu có 4 thôn nhưng Đắk Pao là nơi có “thần men” nhiều nhất xã, không chỉ đàn ông mà ngay cả phụ nữ cũng thường xuyên uống rượu, không chịu làm ăn, cứ mãi trông chờ lại nên cảnh túng quẫn càng ngày càng đeo bám nơi rẻo cao này.

Sâu bên trong vẻ xanh thẳm, trùng điệp của những cánh rừng Đông Trường Sơn là những "vết thương" vẫn còn đau âm ỉ dưới những mái nhà người Ca Dong ở Đắk Pao. Ma men phủ bóng nơi đây kéo theo bao hệ lụy, biến những người đàn ông vốn là trụ cột gia đình trở nên thân tàn ma dại, thân hình gầy còm không còn sức lao động.

Chị Hằng vẫn còn nhớ như in, mấy năm không khó để bắt gặp cảnh đàn ông trong làng uống rượu xong nằm gục ngay tại chiếu rượu, thậm chí nhiều trường hợp ngã chỏng vó rồi gục xuống nằm ngay bên lề đường. “Nhiều lần chính quyền xuống vận động nhưng cả chồng lẫn vợ đều đang trong trạng thái say mềm, thói quen lạm dụng rượu, bia đã ăn sâu vào những nếp nhà người dân nơi đây kéo theo vấn nạn bạo lực gia đình nhức nhối, khiến những cán bộ làm công tác vận động phải đau đầu”, chị Hằng nói.

Chị Đinh Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu, người khởi xướng mô hình "Phụ nữ nói không với rượu, bia".

Chị Đinh Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu, người khởi xướng mô hình "Phụ nữ nói không với rượu, bia".

Không bỏ cuộc trước khó khăn, trong cuộc họp vào giữa tháng 6/2019, chị Hằng mạnh dạn đề xuất với cấp Đảng ủy xã về ý tưởng phát động mô hình "Phụ nữ nói không với rượu, bia", phạm vi mục tiêu là thôn Đắk Pao.

Chính quyền xã Sơn Màu cũng xác định muốn Đắk Pao lột xác, không còn cách nào khác đó chính là thay đổi nếp nghĩ, nhận thức của đồng bào Ca Dong. "Tôi vẫn nhớ sự quyết liệt của cấp trên, lường trước sự gian nan, khó khăn, nhưng nếu không thực hiện ngay và quyết tâm làm bằng được thì cái nghèo sẽ mãi không tha làng vùng cao này”, chị Hằng kể.

Và sau cuộc họp đó, chính quyền xã Sơn Màu đã đi đến quyết định thống nhất với kế hoạch thực hiện mô hình của chị Hằng và giao cho Hội LHPN xã chủ trì thực hiện cuộc vận động này.

“Người Ca Dong không có chế độ mẫu hệ, nhưng người phụ nữ trong gia đình được coi trọng và sự phân công lao động rất hợp lý. Vì thế để có tác động sâu vào từng hộ dân thì đi từ thay đổi nhận thức của phụ nữ Ca Dong là điều cần ưu tiên”, ông Đinh Văn Lia – Chủ tịch xã UBND xã Sơn Màu nói.

Những nếp nhà sàn khang trang ở Đắk Pao ngày nay.

Những nếp nhà sàn khang trang ở Đắk Pao ngày nay.

"Quả ngọt" từ sự gần dân

Đến cuối tháng 6/2019, kế hoạch chi tiết về cuộc vận động đã được chị Hằng vạch ra và triển khai. Bắt đầu từ việc tham khảo ý kiến của những người có uy tín trong thôn, Hội Phụ nữ xã chủ trì thành lập tổ giám sát các trường hợp uống rượu, bia say sỉn không chí thú làm ăn. Tiếp đến tiến hành cho các hộ dân trong thôn ký bản cam kết không lạm dụng rượu, bia.

Tâm sự với chúng tôi, chị Hằng cho rằng, dường như cái nghèo, cái khổ đã đeo bám quá lâu vùng cao này rồi nên khi triển khai mô hình thì chúng tôi ngay lập tức nhận được sự chấp thuận của hầu hết các hộ dân. “Ai cũng mong muốn có cuộc sống tốt hơn nhưng có lẽ họ cần trợ lực để bứt lên”, chị Hằng nói.

Nhưng quá trình thực hiện không phải lúc nào cũng trơn tru, nhiều trường hợp mặc dù đã dùng đủ mọi cách thuyết phục nhưng tình trạng vẫn tái diễn. “Nhiều lúc nghĩ nản thật sự nhưng nhìn lại lũ trẻ thì thấy thương vô cùng, không thể để tụi nhỏ tiếp tục chứng kiến cảnh bố mẹ chúng tối ngày mê man trong cơn say”, chị Hằng nói.

Vừa ngớt lời chị Hằng lại nở nụ cười mãn nguyện, chị bảo, nhưng đó đã là câu chuyện của hơn 3 năm về trước, giờ thì khác rồi. Đắk Pao hôm nay là những mái nhà sừng sững khang trang, một vùng đất đầy sức sống mới.

Theo chân chị Hằng, chúng tôi đến nhà của vợ chồng anh Đinh Văn Tôn và chị Đinh Thị Mười, khi cả hai vợ chồng đều nghiện rượu nặng, một trường hợp gần như khiến cấp chính quyền phải “bó tay”.

Vợ chồng chị Mười từng nghiện rượu đến phát bệnh tâm thần, say đâu ngủ đó, bỏ bê hai đứa con nhỏ đang nheo nhóc ở nhà. Nhiều lần các cấp xuống tuyên truyền, khuyên nhủ nhưng đều bất thành. Bước ngoặc chỉ đến sau lần bị tổ cộng đồng đến lập biên bản xử phạt vi phạm cam kết trước đó và bắt nộp phạt thì hai vợ chồng mới "tá hỏa". Sau đó, cả hai vợ chồng chị Mười dần tỉnh ngộ, chí thú làm ăn hơn.

“Tôi đã bỏ tuyệt đối được rượu, giờ ở nhà đi lột vỏ keo thuê, còn chồng thì lên Tây Nguyên đi hái cà phê kiếm tiền nuôi con ăn học”, chị Mười bẽn lẽn nói.

Chị Hằng đưa chúng tôi đến tiếp ngôi nhà thứ hai, một trường hợp cũng nhờ sự can thiệp của mô hình mà mới thoát được cảnh chia ly, vươn lên thoát nghèo, đó chính là nhà của gia đình chị Đinh Thị Vum, 26 tuổi.

Vum kể mình từng là học sinh giỏi Văn, học đến lớp 11 thì nghỉ học lấy chồng. Cũng như bao người đàn ông khác trong thôn, chồng Vum suốt ngày nồng nặc mùi rượu. Rồi vợ chồng lời qua tiếng lại, hệ lụy khó tránh là nhiều lần bị chồng đánh. Uất ức đỉnh điểm, vào một đêm khuya nọ Vum ôm con đi bộ hơn 20km đường rừng về nhà bố mẹ đẻ, vừa đi vừa khóc tủi hờn cho phận mình.

Tuy bỏ đi nhưng Vum vẫn còn tình cảm với người chồng. “Chỉ buồn tủi vì nhà họ yên ấm, nhà cửa khang trang còn nhà mình thì chồng suốt ngày say xỉn, hoàn cảnh túng thiếu”, Vum bùi ngùi.

Sau vài hôm được Hội Phụ nữ xã khuyên nhủ, động viên thì Vum cũng đã nguôi giận và hơn hết là thương con còn nhỏ nên cô đã cho người chồng thêm cơ hội. “Sau lần em bỏ về nhà bố mẹ, chồng có đến nhà xin lỗi gia đình em, hứa sẽ bỏ rượu lo chí thú làm ăn và đến nay thì chồng em đã làm được”, Vum mỉm cười nói.

Vợ chồng bảo ban làm ăn, gia đình Vum đã thoát nghèo. Được sự hỗ trợ của các cấp cùng số tiền tích góp, vợ chồng Vum đã xây được ngôi nhà khang trang, tươm tắp.

Chị Đinh Thị Nhiêu - một hộ gia đình tiêu biểu ở Đắk Pao, đứng cạnh vách tường treo đầy tấm giấy khen của các con.

Chị Đinh Thị Nhiêu - một hộ gia đình tiêu biểu ở Đắk Pao, đứng cạnh vách tường treo đầy tấm giấy khen của các con.

Hiệu quả của mô hình đã được chứng minh, qua hơn 3 năm thực hiện bộ mặt vùng cao Đắk Pao thay đổi hoàn toàn. Từ 25 hộ nghèo thì nay đã có 15 hộ thoát nghèo. “Hy vọng với sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước vùng đất này sẽ ngày càng thay da đổi thịt, sự yên ấm và hạnh phúc sẽ lan tỏa khắp những mái nhà người Ca Dong”, chị Hằng chia sẻ.

Những tín hiệu tích cực từ sau mô hình của Hội LHPN xã liên tiếp ùa về với Đắk Pao, con em trong thôn nay đã có người đậu các trường đại học, cao đẳng. “Kết quả mang lại là đến thời điểm này rất đáng mừng, mô hình đã tác động sâu đến ý thức người dân. Từ thành công ở Đắk Pao, chúng tôi sẽ lên kế hoạch nhân rộng mô hình này ra cả 3 thôn còn lại của xã”, ông Đinh Văn Lia - Chủ tịch UBND xã Sơn Màu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ