Huyện Mê Linh (Hà Nội): Nỗ lực vận động học sinh quay lại trường

GD&TĐ - Đến ngày 21/11, gần 300 học sinh huyện Mê Linh (Hà Nội) trong số những em nghỉ học một tuần qua đã đi học trở lại. Phòng GD&ĐT và cán bộ quản lý, giáo viên các trường đang nỗ lực vận động gia đình cho con quay lại trường học và sẽ có kế hoạch dạy bù cho học sinh.

Một lớp học của Trường Tiểu học Tam Đồng
Một lớp học của Trường Tiểu học Tam Đồng

Nhiều trẻ vẫn nghỉ học

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, bà Trần Thị Lan - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết: Trong ngày 21/11, đã có nhiều học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, số HS nghỉ học vẫn ở mức cao: 1.757 em. Cụ thể, Trường MN Thanh Lâm có 357/492 HS nghỉ học, Trường Tiểu học Thanh Lâm 543/1.046 em, Trường MN Tam Đồng 260/547 em, Trường Tiểu học Tam Đồng 353/612 em, Trường THCS Tam Đồng 244/476 em.

Vào những ngày qua, hàng ngàn học sinh huyện Mê Linh đồng loạt bị phụ huynh ép phải nghỉ học để phản đối xây dựng dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước. Số học sinh nghỉ học lên đến 2.028 HS trong ngày 20/11- cũng là ngày kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

“Thay vì một buổi lễ trang trọng toàn trường để kỷ niệm ngày 20/11, các cô trò tổ chức nhỏ gọn trong khuôn khổ từng lớp học với sĩ số lớp hầu như chưa quá bán; có lớp chỉ còn từ 1 - 2 HS. Lớp vắng vẻ khiến cô trò đều buồn và có lẽ đây là kỷ niệm đang nhớ nhất trong cuộc đời dạy học của tôi” - cô Hoàng Thị Minh Tâm - giáo viên Trường Tiểu học Tam Đồng tâm sự.

Không được đến trường, trẻ em 2 xã Tam Đồng, Thanh Lâm những ngày này chỉ quanh quẩn trong nhà cho dù nhiều em rất muốn đi học. Nhiều người dân Tam Đồng và Thanh Lâm cho rằng, việc không cho con đi học sẽ gây sức ép lên chính quyền, giúp cho yêu cầu hủy bỏ dự án sẽ được thực hiện nhanh hơn. Nhiều người còn khẳng định sẽ cho con nghỉ học đến khi chính quyền hủy dự án này.

Dù gặp phải sự phản đối của người dân 2 xã Tam Đồng, Thanh Lâm nhưng vào ngày 19/11, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vẫn khẳng định dự án sẽ tiếp tục được quy hoạch, mở rộng. Chính quyền cũng đã giải thích rõ các vấn đề quy hoạch, tất cả đều đúng theo quy định và bảo đảm theo quy chuẩn về khoảng cách.

Bà Trần Thị Lan
 Bà Trần Thị Lan

Xáo trộn kế hoạch

Sự bất đồng về phương án giải quyết giữa chính quyền và người dân địa phương đã khiến cho mọi nỗ lực của ngành Giáo dục huyện Mê Linh gần như không đạt được kết quả. Hàng ngàn học sinh nghỉ học đúng thời điểm kết thúc học kì 1, gây xáo trộn rất lớn đến kế hoạch giáo dục. Mặc dù các nhà trường đã phân công giáo viên đến nhà vận động nhưng nhiều người vẫn kiên quyết không cho con đi học trở lại.

Cô Ngô Thị Trung Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Lâm A cho biết: Có nhiều phụ huynh tự ý cho con nghỉ học để gây sức ép lên chính quyền, nhưng cũng có nhiều người không muốn cho con nghỉ học. Nhiều người bị một số đối tượng ngăn cản, chặn đường không cho con đến trường. Hiện là thời điểm thi học kì nên việc nghỉ học của các em chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.

Còn cô Phạm Thị Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Đồng chia sẻ: “Việc vận động các gia đình thay đổi nhận thức rất khó khăn. Khi các cô đến nhà nhiều phụ huynh yêu cầu cô về chứ không nói chuyện. Bởi vậy, nhà trường mong các cấp, ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, để làm sao con em học tập bình thường, giữ gìn nền nếp học tập”.

Bà Trần Thị Lan - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho hay: Trước diễn biến phức tạp của sự việc, Phòng đã báo cáo Sở GD&ĐT và chính quyền địa phương để có sự hỗ trợ, đồng thời bàn bạc với các nhà trường, các giáo viên về phương án xử lí.

“Dù học sinh không đi học, nhưng ngày nào giáo viên vẫn phải có mặt đầy đủ. Các buổi tối, cán bộ giáo viên đều chia nhau đến từng gia đình vận động cha mẹ cho con em đến trường. Chúng tôi mong các cấp các ngành sẽ hỗ trợ tối đa cho ngành GD Mê Linh để giải quyết sớm sự việc, giúp các em HS nhanh chóng được đến trường” – bà Lan nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.