Vì sao xin gia hạn vẫn báo cáo chậm trễ?
Ngày 6/1, Báo GD&TĐ Online có bài "Hàng trăm cây rừng tự nhiên ở Thanh Hóa bị đốn hạ", ngay sau đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo ông Lê Đức Thuận - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT lên huyện Lang Chánh, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan để xác minh, xử lý vụ việc. Đồng thời, người đứng đầu Sở NN&PTNT Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị liên quan phải có báo cáo vụ việc trước ngày 10/1.
Do tính chất phức tạp của vụ việc nên UBND huyện Lang Chánh có văn bản đề nghị được gia hạn thời gian báo cáo kết quả kiểm tra về Sở NN& PTNT trước ngày 15/1, để báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và trả lời cơ quan báo chí theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 3/2, UBND huyện Lang Chánh, mới có văn bản báo cáo gửi Sở NN&PTNT về vụ việc như sau:
“Ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND huyện phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa tổ chức hội nghị bàn giải pháp điều tra, xử lý vụ khai thác rừng trái pháp luật tại xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra tình hình an ninh rừng trước, trong và sau Tết Quý Mão trên địa bàn huyện.
Qua kiểm tra, bước đầu cơ quan chức năng nhận định việc khai thác rừng trái phép tại thôn Tráng, thôn Yên Thành, xã Yên Thắng là vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, đơn vị nhà nước, diễn ra tại nhiều lô, khoảnh, tiểu khu.
Thường trực Huyện ủy Lang Chánh cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan tham mưu vào cuộc trên quan điểm mở rộng kiểm tra, điều tra, xác minh để xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc, không né tránh, đùn đẩy, bao che...”.
Báo cáo của UBND huyện Lang Chánh. Ảnh: Thế Lượng. |
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, đến đầu tháng 2 vừa qua, các cơ quan thực hiện tố tụng đã tổ chức kiểm tra hiện trường được 4/6 tuyến. Xác định chi tiết 205 gốc cây rừng tự nhiên bị chặt hạ trái pháp luật. Cụ thể đến từng lô, khoảnh, tiểu khu, chức năng rừng, chủ quản lý.
Xác định được từng gốc cây, đường kính trung bình, khối lượng thiệt hại, tọa độ GPS và lấy hình ảnh gốc cây bị chặt. Tại các tuyến kiểm tra, lực lượng chức năng đã lấy mẫu vật đại diện về chủng loại gỗ, thời điểm khai thác, lập biên bản kiểm tra hiện trường và vẽ sơ đồ hiện trường. Đồng thời, ghi lời khai ban đầu với một số người có liên quan đến vụ việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản...”.
Sẽ xử lý kỷ luật khi có kết luận từ cơ quan điều tra
Liên quan đến vấn đề xử lý những tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra mất rừng, trong báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho hay, đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra khai thác rừng trái phép tại xã Yên Thắng.
Theo đó, đối với UBND xã Yên Thắng, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của chính quyền xã Yên Thắng, người đứng đầu, cán bộ được phân công phụ trách thôn, bản nơi để xảy ra khai thác rừng trái phép, trưởng thôn Tráng, thôn Yên Thành.
Đề xuất hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm của chủ rừng, hộ nhận khoán trong thực hiện quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo đúng Chỉ thị 13/CT-TW và Điều 102 Luật Lâm nghiệp.
Được biết, Chỉ thị 13/CT-TW năm 2017 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng", có nêu: “... Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...”.
Đối với Luật Lâm nghiệp, theo Điều 102, có nêu: “... Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý...”.
Một gốc cây rừng ở xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh còn tứa mủ. Ảnh: Thế Lượng chụp ngày 5/1. |
Báo cáo của UBND huyện Lang Chánh cũng nêu: “Đối với Hạt Kiểm lâm Lang Chánh, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Yên Thắng, kiểm lâm phụ trách địa bàn. Làm rõ trách nhiệm của Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trí Nang để lọt lâm sản khai thác trái phép vận chuyển qua địa bàn, phó Hạt trưởng phụ trách tuyến, phụ trách địa bàn. Trách nhiệm của Hạt trưởng trong việc phát hiện vi phạm chậm trên địa bàn xã Yên Thắng.
Cuối cùng, báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, khẳng định: “Hiện tại, những tổ chức cá nhân có liên quan trên đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm để xảy ra vi phạm. Tuy nhiên, chưa áp dụng hình thức, mức độ xử lý kỷ luật cụ thể đối với tập thể cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm. Vì, vụ việc chưa có kết luận của cơ quan điều tra hoặc có kiến nghị xử lý trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân huyện theo thủ tục về giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, Huyện ủy, UBND huyện Lang Chánh sẽ xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan”.
Trước đó, trao đổi với PV Báo GD&TĐ về vấn đề xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng ở Lang Chánh, ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Lãnh đạo Sở chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, làm rõ vụ phá rừng này. Trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Quan điểm của lãnh đạo Sở là kiên quyết xử lý nghiêm khắc, không bao che hay dung túng.
“Lãnh đạo Sở cũng yêu cầu phải làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ phá rừng, như sau: Trước hết là làm rõ trách nhiệm của chủ rừng. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương tại nơi có rừng bị chặt phá. Làm rõ trách nhiệm của chính quyền huyện Lang Chánh trong công tác chỉ đạo. Trách nhiệm của Kiểm lâm viên địa bàn, Trạm Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm. Bên cạnh đó, cũng phải làm rõ vai trò của Đội Kiểm lâm Cơ động số 2 ở đâu....”, ông Cường nói.