Cùng với Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya - Nơi đức Phật thiền định 49 ngày), vườn Lộc Uyển (Sarnath - Nơi đức Phật lần đầu giảng pháp) và Câu Thi Na (Kushinagar - Nơi đức Phật nhập Niết bàn) thì Lumbini là một trong bốn điểm linh thiêng, được gọi là Tứ thánh địa của Phật giáo.
1. Theo kinh kể lại, Hoàng hậu Ma Da (Mayadevi), vợ của vua Tịnh Phạn trị vì vương quốc dòng tộc Thích Ca (Sakya), nằm mộng thấy con voi trắng sáu ngà theo luồng ánh sáng bay đến nhập vào thân thể, khiến bà thụ thai.
Gần đến ngày khai hoa, hoàng hậu xin phép đức vua cho mình về quê mẹ Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Khi đến vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni của vua Thiện Giác xứ Ấn Độ, bà cho đoàn người dừng lại nghỉ ngơi, rồi đi dạo quanh vườn.
Hoàng hậu thấy một đóa hoa vô ưu màu trắng nở trên thân cổ thụ. Bà giơ tay định hái, nhưng ngay lúc đó, bào thai trở mình và bà hạ sinh hoàng tử Sĩ (Tất) Đạt Đa (Siddartha) ngay bên nách trái mình.
Lúc mới chào đời, hoàng tử đã đi bảy bước, mỗi bước có một đóa sen nâng đỡ chân ngài. Tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói: “Thiên thượng địa hạ. Duy ngã độc tôn. Nhất thiết chúng sinh. Giai hữu Phật tính” (Trên trời dưới đất. Chỉ có ta là duy nhất. Hết thảy chúng sinh. Đều có Phật tính).
Theo lời truyền thuyết, từ thủ đô Kathmandu của Nepal, tôi cũng tìm về chốn đức Phật đản sinh để tận mắt chứng kiến nơi tôn nghiêm ngàn năm còn ghi dấu.
2 Mặc dù là quê hương của đức Thích Ca, nhưng chỉ có 8% dân số Nepal theo đạo Phật. Phần lớn theo đạo Hindu. Chính vì vậy, dù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1997, nhưng chính phủ chẳng chú tâm xây dựng đường sá, khách sạn, nhà hàng để phát triển du lịch, đón phật tử khắp nơi về thăm viếng.
Có hai cách để đến Lumbini từ thủ đô Kathmandu. Rẻ nhất là đi xe buýt Saleena, rời Kathmandu vào lúc 7 giờ sáng và đến Bhairahawa hay Sunauli lúc 4 giờ chiều với giá 1.000 rupee (khoảng 215.000 đồng). Sau đó đón xe buýt, taxi hay richshaw (xe lôi) thêm ba mươi phút nữa để đến Lumbini.
Với cách này, bạn phải mất đến ba ngày đi - về và tham quan đất Phật. Đường sá Nepal xấu kinh hoàng. Đèo núi điệp trùng. Giao thông vào loại hỗn loạn nhất thế giới.
Nhìn mấy chiếc xe cũ kỹ có tuổi đời năm sáu chục năm, được vẽ đủ thứ hình dạng, sắc màu, đầy nhóc người, chắc chắn sẽ làm bạn chùn bước.
Nhanh hơn nhưng khá đắt là đi máy bay. Từ Kathmandu đến sân bay Gautama Buddha ở Bhairahawa khoảng 40 phút. Có hai hãng máy bay khai thác chặng này là Yeti Airlines và Buddha Air.
Mỗi ngày có tổng cộng 6 chuyến khứ hồi. Giá vé đồng hạng cho người nước ngoài từ 125 - 145 USD/mỗi chặng (dân Nepal bay với giá rẻ hơn). Bạn có thể rời Kathmandu vào sáng sớm mai, chiều tối bay về. Hoặc ngủ lại một đêm trên đất Phật, sáng hôm sau về sớm.
Không có nhiều thời gian để ngồi xe buýt, nên tôi chọn chuyến bay sớm nhất của hãng Yeti. Sân bay nội địa Kathmandu chật chội, ồn ào, mọi thủ tục đều được làm bằng tay, giống như một bãi xe đò ở miền quê Việt Nam vậy.
Chiếc máy bay cánh quạt cổ lỗ sĩ (sản xuất năm 1994), với nụ cười duyên dáng của cô tiếp viên, phát cho hành khách vài viên kẹo ngậm để thư giãn và hai miếng bông gòn chống ù tai, sau bốn mươi phút bồng bềnh trên mây, cuối cùng cũng đưa tôi đến sân bay Gautama thưa vắng.
Tôi thuê một chiếc taxi không có điều hòa của một anh tài xế nói tiếng Anh khá chuẩn để chạy vòng quanh phố xá. Ba ngàn rupees cho cả hành trình.
Phải trả giá thật kỹ chứ không thể lơ mơ. Người Nepal vốn chân chất, hiền lành, nhưng do sống gần biên giới, ít nhiều họ cũng bị lây cái tính ma lanh của các thương gia Ấn Độ.
Vườn Lâm Tỳ Ni được chia làm hai khu vực, tu viện phía đông (của Phật giáo nguyên thủy) và tu viện phía tây (của Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa).
Bao bọc chung quanh là tu viện của nhiều nước như Pháp, Đức, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và có cả chùa Việt Nam do thầy Huyền Diệu trụ trì. Nằm ở trung tâm là ngôi đền Mayadevi, tương truyền nơi đức Phật đản sinh.
Chúng tôi phải đậu xe từ xa, đi bộ vào di tích. Bức tượng đức Phật lúc mới ra đời, thong thả đi trên bảy tòa sen, tay chỉ lên trời ra dấu “duy ngã độc tôn” báo cho biết, tôi đã đến nơi linh thiêng nhất của đạo Phật. Vé vào cổng đền là 200 rupees. Riêng dân Nepal được miễn.
Nổi trên nền trời u ám sắp chuyển giông là ngôi đền trắng, được phục dựng trên nền cũ của một tu viện cổ, nằm giữa những trụ đá gãy đổ, tương truyền của đức vua A Dục dựng lên vào năm 249 trước Công nguyên, để ghi dấu nơi đản sinh của đức Phật.
Đoàn người chầm chậm, tôn nghiêm xếp hàng đi vào bên trong, trên những lối đi được dựng bằng kiếng hay gỗ, nằm bên trên các di tích khảo cổ dọc ngang, không hàng lối.
“Marker stone”, viên đá dánh dấu nơi đức Phật sinh ra, nằm trang trọng gần lối ra. Trong sự thành tâm tuyệt đối, những bàn tay cung kính chắp vái, lời nguyện cầu của đủ thứ ngôn ngữ rì rầm vang lên như đưa ta trở về nơi ngàn năm u tịch.
Bên ngoài đền, vẫn còn sót lại ao cổ, tương truyền nơi hoàng hậu Ma Da đã tắm cho thái tử Sĩ Đạt Đa, và cây bồ đề to, gốc mấy người ôm, lúc nào cũng dặt dìu nhang khói.
Chung quanh cội bồ đề, những vị chân tu ngồi lần hạt tràng, tụng niệm chân kinh bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau của Phật giáo trên toàn thế giới.
3 Từ Lumbini, chạy thêm nửa tiếng trên đoạn đường đất nhão nhoẹt sình lầy, sẽ đưa bạn tới cố đô Kapilavastu của hoàng tộc Thích Ca. Thời gian phủ trùm lên phế thành nghiệt ngã.
Tất cả những gì còn sót lại là dấu vết của mấy vòng thành được xây bằng gạch nung và nhiều con đường dọc ngang, phủ bóng cây cổ thụ.
Tương truyền vào mùa hè, trước khi rời thành đi tìm chân lý cứu đời, thái tử Sĩ Đạt Đa thường về đây nghỉ ngơi, trầm mình vào dòng nước trong ngần quê ngoại.
Người quản đền chỉ cho tôi nấm mồ xanh cỏ của con chiến mã đã cõng thái tử đi khắp bốn cửa thành chứng kiến cuộc đời lẩn quẩn ở cái vòng sinh, lão, bệnh, tử. Cách phế thành gần 2 km, là mộ của cha mẹ đức Phật bằng gạch nung, nằm lọt thỏm giữa đồng cỏ mênh mông, sau cơn mưa rả rích.
Tôi ghé lại trung tâm thị trấn Bhairahawa ăn bữa cơm chiều với món dak-bhat-tarkari truyền thống. Mâm thức ăn gồm cơm nóng nằm chính giữa, chung quanh là những chén nhỏ thịt gà hoặc cá, súp đậu, rau dưa chua trộn cà ri. Tôi gọi thêm đĩa momo, một loại há cảo của người Nepal chấm với nước xốt cà trộn cà ri. Ngon kinh khủng.
Hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua chốn này, vào một buổi chiều sau cơn mưa giông, giữa tiếng kinh lâm râm nguyện cầu, tôi thấy lòng nhẹ như áng mây trên bầu trời xanh thẳm.