Vết thương trong lòng khói lửa

GD&TĐ - Giữa làn mưa tên lửa không ngớt, người dân Iran và Israel đang sống trong tâm trạng hoảng loạn tột độ.

Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel vào Iran ngày 18/6.
Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel vào Iran ngày 18/6.

Không còn nơi nào thực sự an toàn, họ chỉ biết bấu víu vào từng khoảnh khắc sống sót, bất lực chứng kiến quê hương chìm trong khói lửa.

Nỗi sợ lan rộng

Ngày 13/6, Israel tuyên bố phát động chiến dịch “Sư tử trỗi dậy”, không kích phủ đầu nhắm vào các cơ sở quân sự và hạt nhân tại Iran. Trong đó có nhiều cuộc không kích khiến các chỉ huy an ninh, tình báo và khoa học hàng đầu của Iran thiệt mạng. Giới chức Tehran cho biết, các đòn tấn công gây thiệt hại nặng nề về người, trong đó phần lớn là dân thường.

Chưa đầy một tuần sau các cuộc không kích dồn dập của Israel, thủ đô Tehran rơi vào cảnh hoang tàn và hỗn loạn. Đường phố vắng tanh, doanh nghiệp đóng cửa, liên lạc gián đoạn. Không có hầm trú bom công cộng, hàng trăm người hoảng loạn qua đêm trên sàn ga tàu điện ngầm, phía trên là tiếng nổ của tên lửa.

Israel tuyên bố đã phá hủy phần lớn hệ thống phòng không của Iran, cho phép máy bay của họ bay tự do trên bầu trời Tehran. Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi 10 triệu dân thủ đô sơ tán “ngay lập tức”.

Hàng nghìn người tìm đường tháo chạy đến vùng ngoại ô, biển Caspi, hoặc thậm chí vượt biên sang Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng người già, người bệnh kẹt lại trong các tòa nhà cao tầng, không thể rời đi.

Sau nhiều ngày giao tranh giữa Israel và Iran, cuộc sống của người dân tại Tehran và nhiều thành phố ở Iran trở nên bất ổn. “Đây là chiến tranh. Nhưng không ai thực sự hiểu nó có nghĩa là gì”, một người dân cho hay.

Mạng Internet và sóng điện thoại bị gián đoạn khiến việc liên lạc với thế giới gần như bất khả thi. Một số ít người may mắn tiếp cận Internet qua thiết bị Starlink, nhưng hầu hết sống trong cô lập. Nhiều người được các tờ báo quốc tế phỏng vấn giấu danh tính vì lo ngại bị chính quyền trả đũa.

Tại Tehran, các cửa hàng vẫn mở, một số nơi chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng do hệ thống ngân hàng tê liệt. “Chúng tôi có điện, nhưng không có nơi nào để đi”, người đàn ông nói, khi chứng kiến dòng xe rời khỏi thủ đô.

Một giáo viên tiếng Anh 55 tuổi ở Shiraz mô tả cảnh người dân chen chúc rút tiền mặt. “Tôi không gọi đó là hỗn loạn, nhưng rõ ràng đang có sự hoảng loạn âm ỉ”, anh nói.

Tại Karaj và Tehran, một công dân Iran 27 tuổi cho biết, anh cảm giác như “tên lửa đang theo dõi mình”. Ở vùng trú ẩn, anh không thể sử dụng điện thoại hay cập nhật tin tức.

Một thợ cắt tóc ở phố Shiraz (Tehran), bày tỏ: “Tôi không còn lời nào để diễn tả. Đất nước đang bị cướp bóc và sụp đổ. Họ phá hủy chúng tôi”.

Giữa khói lửa, cảm xúc người dân rất hỗn loạn. Họ vừa sợ hãi, vừa giận dữ và cả hy vọng cho một sự thay đổi, dù phải đánh đổi bằng đau thương. “Gửi một tin nhắn cũng cảm giác như lần cuối cùng”, Shirin, 49 tuổi, sống ở phía Nam Tehran, chia sẻ.

Một số gia đình đã phải chia lìa. Một người tị nạn Afghanistan 23 tuổi vẫn ở lại Tehran, trong khi đưa vợ và con sơ sinh sơ tán sau khi hiệu thuốc gần nhà bị đánh bom. “Chúng tôi thực sự bị sốc. Chúng tôi không biết phải làm thế nào mà chỉ đi theo đám đông. Tôi chỉ mong mọi chuyện sớm chấm dứt”, anh nói.

vet-thuong-trong-long-khoi-lua-5.jpg
Những tòa nhà tại Israel hư hại nghiêm trọng.

Không thể rời đi, không thể ở lại

Giữa hàng ngàn người rời bỏ quê hương để lánh chiến tranh, có những người không muốn ở lại nhưng cũng không thể rời đi. Gia đình chị Shirin, 25 tuổi, là một ví dụ. Cha chị mắc bệnh Alzheimer, mẹ bị viêm khớp nặng. Ngay cả chuyến đi ngắn cũng là cực hình. Gia đình Shirin cố gắng gom góp thuốc men và duy trì cuộc sống mong manh giữa vòng bom đạn Tehran.

Dù vậy, thiếu nhiên liệu là trở ngại lớn. Anh trai Shirin xếp hàng đến 3 giờ sáng tại trạm xăng, nhưng vẫn ra về tay trắng. Sau đòn tấn công vào mỏ khí đốt, Iran giới hạn phân phối xăng xuống còn 20 lít cho mỗi lái xe. Gia đình họ không biết phải làm gì ngoài cầu nguyện.

Nhiều người trẻ như Arshia, 22 tuổi, đã từ bỏ ý định chạy trốn. Kể từ khi thủ đô bị đánh bom, Arshia chỉ ở trong nhà với bố mẹ vì họ “không muốn ngồi xe 40 tiếng chỉ để đến nơi cũng có thể bị đánh bom”. Bên ngoài nhà họ, khu phố Saadat Abad vốn sôi động đã biến thành “thị trấn ma”. Trường học đóng cửa. Cửa hàng cạn nước, hết dầu ăn, nhiều nơi đã ngừng hoạt động.

Tối thứ Sáu, gần một tuần sau cuộc không kích đầu tiên, hàng trăm người chen chúc trong ga tàu điện ngầm Tehran. Nhiều gia đình trải chiếu ngủ dưới sàn. “Chúng tôi không có nơi nào để trốn, kể cả trên quê hương mình”, một người dân mà ngôi nhà của anh đã bị phá hủy bật khóc.

Đáp trả các cuộc không kích của Israel, trong nhiều ngày sau đó, Iran phóng hàng trăm tên lửa vào Tel Aviv và nhiều thành phố lớn khác. Dù hệ thống phòng thủ của Israel đã đánh chặn phần lớn, nhiều tên lửa vẫn xuyên qua và gây thiệt hại nghiêm trọng. Mức độ tấn công được đánh giá là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của Israel.

Nhiều khu vực quan trọng bị tấn công trực tiếp. Trung tâm Tel Aviv, Haifa, Rehovot cùng nhiều khu dân cư bị trúng tên lửa. Ít nhất 24 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.

Tại Rehovot, Viện Khoa học Weizmann, niềm tự hào của Israel và là cơ sở nghiên cứu quân sự trọng yếu, bị phá hủy nặng nề. Các phòng thí nghiệm tan hoang, kính vỡ, dây cáp và thép lộ ra bên ngoài.

Các nơi trú ẩn trên toàn quốc đều chật kín. Ở nhiều khu dân cư cũ không có hầm trú bom, người dân phải dồn vào các phòng an toàn công cộng. Tại Tel Aviv và Tây Jerusalem, cầu thang các tòa nhà trở thành nơi ngủ tạm. Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa Israel đã sơ tán hàng trăm người tới khách sạn, sau khi nhà ở của họ bị đánh sập hoặc hư hỏng nặng.

Xung đột chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi thiệt hại ngày càng lớn cả về nhân mạng, hạ tầng lẫn tinh thần người dân.

vet-thuong-trong-long-khoi-lua-1.jpg
Một người đàn ông bị thương tại Iran.

Lòng tin lung lay

Ông Yacov Shemesh, 74 tuổi, sống tại Tây Jerusalem, cho biết: “Không có nơi trú ẩn nào trong tòa nhà của chúng tôi. Từ cuộc tấn công đầu tiên, vợ tôi phải ngủ ở cầu thang chung cư còn tôi lên mái nhà tối để quan sát. Nhiều tia chớp lóe lên, rồi nhiều tiếng nổ nhưng không có tin tức gì. Có lẽ họ không muốn chúng tôi biết chuyện gì vừa xảy ra”.

Tâm trạng hoảng loạn lan khắp đất nước. Trong một xã hội từng quen sống bên lằn ranh xung đột, thường là ở Gaza, Jenin hay biên giới Lebanon, giờ đây, chiến tranh đã tràn vào các thành phố trung tâm. Người dân Israel lần đầu đối mặt trực tiếp với khói lửa chiến tranh trên chính quê hương mình.

Tại Tel Aviv, hàng dài người xếp hàng trong siêu thị. Dù đông đúc, không khí vẫn nặng nề. Gil Simchon, 38 tuổi, nông dân sống gần căn cứ Ramat David, đang tích trữ nước uống. “Nghe về mối đe dọa từ Iran suốt nhiều năm là một chuyện. Nhưng tận mắt thấy Tel Aviv bị tấn công là chuyện hoàn toàn khác”, anh nói.

Đêm ngày 16/6, lần đầu tiên, anh phải sử dụng hầm trú bom.

Ngay cả Kirya, trụ sở quân sự trung tâm của Israel ở Tel Aviv, cũng không tránh khỏi tấn công. Dù thiệt hại nhẹ, việc một địa điểm kiên cố như vậy bị trúng tên lửa khiến dư luận Israel bàng hoàng. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ khả năng phòng thủ vốn được ca ngợi là bất khả xâm phạm của chính phủ.

Dù được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tiên tiến như Iron Dome, David’s Sling và Arrow, các quan chức thừa nhận: Những lá chắn này không đủ sức chống lại một cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn nặng. “Đây không còn là rocket tự chế từ Gaza. Đây là vũ khí chiến trường”, một nhà phân tích cho hay.

Ban đầu, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh về các vụ nổ từ camera hành trình, ban công nhà dân. Nhưng đến đêm thứ ba, các vụ bắt giữ vì quay phim tên lửa được ghi nhận. Giới chức cảnh báo truyền thông nước ngoài không phát tán hình ảnh, coi đây là vi phạm an ninh.

Cùng lúc, nỗi lo mất điện và thiếu nhiên liệu gia tăng. Tại Tel Aviv, nhiều người đổ xô đến trạm xăng. Một người đàn ông siết dây an toàn cho con trai rồi lên xe. Ánh mắt ông lướt qua bầu trời, rồi dừng ở gương chiếu hậu.

vet-thuong-trong-long-khoi-lua-4.jpg
Bên trong một nhà trú ẩn tại Israel.

Nỗi bất lực vẫn hiện hữu

Tại New York, Eran, 37 tuổi, vẫn liên lạc với cha mẹ già ở gần Beit Shemesh, Israel. “Họ từng vào nơi trú ẩn trước đây, nhưng lần này cảm giác rất khác. Nơi trú đã chật kín. Khi họ về nhà, mảnh vỡ tên lửa phòng không nằm giữa sân”, anh lo lắng chia sẻ.

Đối với một số người, câu hỏi trở nên nhức nhối hơn, đâu là ranh giới giữa tự vệ và leo thang bạo lực?

“Tôi không biết liệu chúng ta đang bảo vệ chính mình hay đang làm mọi thứ tồi tệ thêm. Tôi lớn lên tin rằng chúng ta đang bảo vệ điều gì đó. Nhưng giờ đây, tên lửa, nơi trú ẩn, nỗi sợ; tất cả lặp lại như một vòng luẩn quẩn”, một thường dân bày tỏ.

Chính phủ Israel tiếp tục giọng điệu cứng rắn, hứa sẽ khiến Iran “phải trả giá đắt”. Nhưng dưới hầm trú, cảm giác mệt mỏi và bối rối dâng cao. Nhiều người tin rằng điều gì đó đã thay đổi căn bản.

Giống như một người yêu thịt bước vào lò mổ. Bạn lớn lên trong niềm tin nhưng khi tận mắt chứng kiến cách mọi thứ vận hành, bạn không thể nào cảm thấy như cũ được nữa”, một người dân Israel giấu tên bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

V (BTS) sánh cùng Ronaldo, Messi

V (BTS) sánh cùng Ronaldo, Messi

GD&TĐ - V (BTS) xếp thứ ba trong danh sách những người có sức ảnh hưởng nhất toàn cầu, sau Ronaldo và Messi.