Huy động nguồn lực cho giáo dục đại học

GD&TĐ - Giáo dục ĐH ngày nay là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao. Do vậy, để đảm bảo phát triển giáo dục ĐH, cần đẩy mạnh đổi mới cơ chế trong đó tập trung vào chính sách tài chính, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội.

Huy động nguồn lực cho giáo dục đại học

Từ quan điểm này, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ một số giải pháp cơ bản nhằm thu hút một số nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH theo hướng xã hội hóa, phát huy tối đa mọi nguồn lực quốc gia.

Nguồn đầu tư từ ngân sách nên tập trung cho lĩnh vực giáo dục phổ thông đồng thời xã hội hóa mạnh hơn trong lĩnh vực giáo dục đại học.
PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt

Nhóm giải pháp chung

Giải pháp đầu tiên PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt đề cập là đẩy mạnh tự chủ các trường đại học một cách thực chất trong mối quan hệ tự chủ - tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học.

Cùng với đó, ngân sách nhà nước cần đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, thu hút các chuyên gia giỏi cho các trường đại học.

Đồng thời, thể chế hóa việc huy động nguồn lực doanh nghiệp cho giáo dục đại học. Nhà nước ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ giáo dục đại học thông qua miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đổi mới chính sách học phí theo nguyên tắc chia sẻ chi phí với xã hội, với tư cách là người cung ứng dịch vụ. Mức học phí phụ thuộc vào chất lượng đào tạo của các trường và nhu cầu học tập của xã hội. Từ đó, khuyến khích các cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến quốc tế với mức học phí tính đúng và tính đủ chi phí. «

« Cũng cần tạo hành lang pháp lý cho các trường đại học phát triển mạnh sản phẩm từ nghiên cứu khoa học, bằng phát minh sáng chế và có cơ chế thương mại hóa sản phẩm này. Đây là một nguồn thu quan trọng ngoài học phí và điều đó cũng khẳng định khả năng nghiên cứu khoa học, quy trình sản xuất…của trường đại học » - PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt nêu quan điểm.

Thu hút nguồn vốn trong nước

Với giải pháp này, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt cho rằng: cần tiếp tục thu hút đầu tư của khu vực tư nhân cho giáo dục đại học, để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học có chất lượng cao.

Thu hút một số nguồn lực đầu tư cho giáo dục theo hướng xã hội hóa phát huy tối đa mọi nguồn lực quốc gia là một xu thế tất yếu nhằm đạt mục tiêu mà xã hội đang mong đợi về đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ cho mục tiêu phát triển.

Đầu tư mạnh của ngân sách nhà nước phải có trọng tâm và đầu tư cho giáo dục phổ thông nhằm tập trung nguồn lực đủ mạnh cho phát triển kết hợp với giao quyền tự chủ cho các trường đại học thông qua cơ chế giám sát và minh bạch hướng tới tối ưu hóa nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục.
PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt

Thời gian qua các cơ sở giáo dục tư nhân ra đời ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong học tập nghiên cứu của sinh viên Việt Nam. Đó cũng là động lực thúc đẩy các cơ sở đại học công lập chuyển đổi cách thức hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu thực tế trong quá trình phát triểnvà hội nhập giáo dục đại học.

Tất nhiên, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân cho giáo dục đại học cần gắn liền với quản lý tốt về chất lượng của các cơ sở tư nhân này, giám sát việc thực hiện đúng các cam kết khi mở trường đại học của các chủ đầu tư.

PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt cũng đề cập đến việc cần gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, địa phương trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo, và khả năng nghiên cứu khoa học, công nghệ, tư vấn, phản biện chính sách phát triển cho doanh nghiệp và địa phương.

Bên cạnh đó, mỗi cơ sở giáo dục đại học nỗ lực tối đa để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học theo xu hướng tiệp cận với thế giới để có thể liên kết nghiên cứu với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trong nghiên cứu khoa học hoặc nhận các dự án nghiên cứu của các tổ chức quốc tế. Các trường cần có chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, và cả nước; đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thị trường…

Ngoài ra, theo PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, các trường đại học còn có thể thu hút sự đóng góp từ xã hội như:

Đóng góp của các tổ chức, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân, của cựu sinh viên cho xây dựng cơ sở vật chất, thư viện và các hoạt động hỗ trợ sinh viên. Đây là phần tự nguyên của tổ chức, cá nhân. Các trường có chương trình vận động tài trợ cho trường đại học gắn với quyền lợi của nhà tài trợ trong phạm vi cho phép. Vai trò của cựu sinh viên rất quan trọng để khai thác nguồn thu này.

Huy động vốn vay từ các chương trích kích cầu của địa phương, vay của các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển cơ sở vật chất và hoàn trả lại bằng nguồn thu hợp pháp từ của trường.

Thu hút nguồn vốn nước ngoài

Nguồn vốn nước ngoài đầu tiên PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt nhắc tới là thu hút vốn ODA và các quỹ quốc tế tài trợ nghiên cứu.

Theo đó, Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý để các trường tự chủ có thể tiếp cận các nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ từ các cá nhân và các tổ chức quốc tế cho các đề án, dự án phát triển nghiên cứu và đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng vốn vay ưu đãi hỗ trợ cho vay đầu tư cơ sở vật chất cho một số trường đại học có uy tín, chất lượng đào tạo tốt để có thể tiến tới tự chủ hoạt động và trở thành các trường đại học chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý để các trường đại học ngoài công lập đủ tiêu chuẩn tiếp cận vốn vay ưu đãi thông qua các quỹ phát triển địa phương hoặc các ngân hàng thương mại.

Đối với các trường đại học, cần tranh thủ các quỹ quốc tế tài trợ nghiên cứu phát triển, như nghiên cứu về môi trường, biến đổi khí hậu…

“Nên huy động của tổ chức, cá nhân ngoài nước đầu tư trực tiếp (FDI) để thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo 100% vốn nước ngoài; vốn liên doanh, liên kết giữa các cơ sở trong nước và ngoài nước; vốn không hoàn lại, vốn quyên góp, cho tặng dưới các hình thức khác nhau của của các tổ chức quốc tế, của chính phủ, phi chính phủ....

Đồng thời, giảm những rào cản về cơ chế, thủ tục mà gây cản trở nhà đầu tư nước ngoài vào các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Để tiếp tục thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục đại học, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực này” - PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt nhấn mạnh.

Để tạo sự chuyển biến và có một sự đột phá trong giáo dụcChính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP tạo ra một cơ chế quản lý theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực cho các đơn vị giáo dục đại học công lập là hoàn toàn phù hợp với chủ trương mở cửa hội nhập Việt Nam và có bước đầu để các trường phát huy năng lực trên cơ sở huy động mọi nguồn lực cho phát triển một cách năng động và thực sự hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.