Hành lang pháp lý từ Luật Giáo dục Đại học
Thông tin Quốc hội đã cho phép rà soát, sửa đổi Luật Giáo dục Đại học, Bộ trưởng đề nghị các Hiệu trưởng, những nhà khoa học có trách nhiệm, nghiên cứu thật kỹ, cho ý kiến sát thực. Luật Giáo dục Đại học phải xuất phát từ thực tiễn, phải tạo được hành lang pháp lý đủ mạnh để thực hiện tự chủ chứ không phải chắp vá.
Với cách tiếp cận ấy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh phải nhìn nhận hết sức khách quan, tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động, không chỉ sửa một vài điểm mà sửa toàn bộ theo hướng diện, điểm. Tuy nhiên, tập trung vào những chính sách lớn, theo những định hướng, quy trình của luật pháp, để khi được Quốc hội thông qua, chúng ta có được hành lang pháp lý vững chắc, không chỉ cho 5 năm mà dài hơn.
Khi sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, Bộ trưởng lưu ý, phải đặt vấn đề liên thông với các luật khác để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ; không chỉ cần đảm bảo tiến độ mà cần đặc biệt quan tâm tới chất lượng.
“Những gì thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ làm một cách tối đa, không phải vì các trường mà vì lợi ích quốc gia. Nhưng vấn đề còn liên quan đến bộ, ngành khác, không phải chỉ Bộ GD&ĐT tiên phong là xong” - Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD&DT Phùng Xuân Nhạ cùng chủ trì tại Hội nghị |
Khuyến khích các trường tự chủ cao
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu nhóm nghiên cứu, các đơn vị thuộc Bộ, sau hội nghị này rà soát, đánh giá để có báo cáo ngắn gọn, khả thi, cụ thể để báo cáo Chính phủ xin tiếp tục thực hiện tự chủ, không chỉ cho các trường đang thực hiện mà cả những trường chưa thực hiện. “Tôi đánh giá cao 23 trường tiên phong, có vai trò dẫn dắt. Tôi rất mong các trường tiếp tục thấy được trách nhiệm này vì nếu không thực hiện tự chủ sẽ có nguy cơ đào thải và tụt hậu rất xa” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề nghị Chính phủ có ý kiến để các bộ, ngành vào cuộc hơn nữa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Về phía Bộ GD&ĐT, gần như tất cả những kiến nghị liên quan đến vấn đề thực hiện tự chủ đề xuất trong hội nghị hôm nay, ngành đã có chỉ đạo, thậm chí còn chỉ đạo rộng hơn. Tới đây, tôi đề nghị, tính tự chịu trách nhiệm, giải trình, minh bạch phải cao hơn nữa, nên thay tiền kiểm bằng hậu kiểm để rõ những trường ĐH nào thực sự xứng đáng, mạnh, yếu rõ ràng.
“Phương án tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng, ba công khai, các trường đã làm rồi, nhưng vẫn ở mức độ. Nhân dân, đặc biệt là các phụ huynh, giáo viên, những người trong cuộc vẫn chưa thực sự thông tỏ. Thông tin trong nhà trường chưa thực sự minh bạch, dẫn tới khó khăn trong việc giám sát” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rõ.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị, từng trường tới đây phải xây dựng quy tắc, quy chế công khai, từ đào tạo mở ngành, tài chính, nhân sự phải rõ để Hội đồng trường tham gia, qua đó giám sát.
“Mấu chốt của hội đồng trường là quyết định những vấn đề lớn và kiểm soát. Muốn kiểm soát được phải có quy định, quy chế, như thế hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường mới cao. Trong nhiệm vụ này có vai trò của Bộ GD&ĐT” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, tới đây đề án tự chủ do Chính phủ phê duyệt là những nguyên tắc. Còn các trường cần rà soát để xây dựng một đề án, kế hoạch rất cụ thể. Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông, trước hết là truyền thông nội bộ, nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo.
“Tôi quan sát thấy, phần lớn các trường tự chủ vẫn nặng về quản lý, chưa chuyển mạnh sang quản trị. Tôi đề nghị chuyển sang phương thức quản trị và tăng cường năng lực cho đội ngũ này. Bộ sẽ cùng hỗ trợ các trường có một chương trình chung bồi dưỡng cho các vị trí, chức danh” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.