PGS.TSKH Nguyễn Đình Luận – Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội - khẳng định như vậy tại Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 – 2017 diễn ra sáng nay (20/10), sau khi nhấn mạnh: Nghị quyết 77 là sự tháo gỡ, lối đi đúng đắn, hợp lý, mang tính vạch đường cho giáo dục đại học nước ta.
Tương tự PGS.TSKH Nguyễn Đình Luận, đại diện các trường ĐH đã thực hiện thí điểm tự chủ đều khẳng định tự chủ là xu hướng tất yếu và là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng.
Tác động tích cực từ tự chủ ĐH
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Bộ GD&ĐT đã thực hiện đánh giá kết quả hoạt động của 12 cơ sở giáo dục ĐH có thời gian thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77 từ 2 năm trở lên về đào tạo và NCKH; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính; từ đó đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp, lộ trình thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập công lập; các cơ sở giáo dục đại học.
Theo báo cáo này, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017, nhìn chung, các trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn nữa trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường, từng bước chủ động đổi mới cơ chế để hoạt động ngày càng hiệu quả.
Cụ thể, khi tự chủ, thủ tục hành chính được giảm bớt, thời gian mở ngành nhanh chóng hơn giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở ngành đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội.
Đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm, trong khi quy mô các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015.
Quy mô tuyển sinh giảm theo xu hướng chung, không phải do tự chủ, mà do thay đổi nhu cầu lao động xã hội và nhận thức của người dân; số lượng trường ĐH tăng lên; học phí của các trường tự chủ thường cao hơn so với mặt bằng chung; quy mô sinh viên chính quy bị của các trường ĐH giới hạn ở 15.000 sinh viên theo quy định tại Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT.
Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP |
Về nhiệm vụ NCKH, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, số đề tài khoa học công nghệ được phê duyệt từ 2013 – 2016 nhìn chung tăng lên. Số lượng các công trình được công bố của 12 trường tự chủ cũng tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013 – 2016, trong đó số lượng bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất.
Về tổ chức bộ máy, các trường chủ động hơn trong thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể, nâng cấp các đơn vị trong trường, nhà trường.
Sự sắp xếp lại tổ chức đem lại những hiệu quả tích cực. Cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý hơn do lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên, trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên, nhân viên) giảm xuống.
Tỷ lệ giảng viên chức danh GS và PGS tại các trường tự chủ trên 2 năm chiếm 9,2% tổng số giảng viên của các trường và lớn hơn khá nhiều so với tỷ lệ 6% trong toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường tự chủ đã tăng lên so với giai đoạn trước tự chủ.
Về tài chính, tổng thu (không tính đầu tư xây dựng cơ bản) giai đoạn sau tự chủ so với trước tự chủ tăng 16,6%. Cơ cấu các khoản thu của các trường ĐH công lập tự chủ chưa có sự thay đổi rõ rệt trước và sau tự chủ. Thu từ học phí tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ và vẫn là nguồn thu chính của các trường ĐH, chiếm trên 70% tổng thu của các trường.
Nguồn thu học phí tăng chủ yếu là do thu từ học phí của các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và tiến sĩ (tăng gấp đôi) và chính quy đại trà. Trong khi nguồn thu từ các hệ đào tạo không chính quy giảm gần 5%...
Báo cáo của nhóm nghiên cứu ghi rõ: Cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… Các trường có thể chủ động nhiều hơn trong đầu tư mua sắm; chi học bổng cho sinh viên tăng từ 98 tỷ lên 137 tỷ, tỷ lệ gần 40%...
Về hội đồng trường, có 8/12 trường đã tự chủ trên 2 năm đã thành lập Hội đồng trường, chiếm tỷ lệ 66,7% - so với các trường chưa tự chủ, và tổng thể tỷ lệ các trường ĐH tự chủ, có Hội đồng trường cao hơn rất nhiều (tỷ lệ cho các nhóm trường chưa tự chủ là 32,1% và tổng thể các trường ĐH tại Việt Nam chỉ là 36,2% cơ sở có Hội đồng trường.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP |
Những vướng mắc thực hiện tự chủ ĐH
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng và tác động tích cực, việc thực hiện thí điểm tự chủ chưa có tác động đến hệ thống giáo dục ĐH như mong muốn vì còn một số hạn chế, khó khăn.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, hoạt động tự chủ ĐH của các trường ĐH công lập đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chứcvà các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, Điều lệ trường đại học và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các trường đều nhận thấy rằng, dù đã có một số văn bản cởi trói cho các trường được “thí điểm tự chủ”, nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi Luật, đặc biệt là Luật Giáo dục Đại học, Luật Đầu tư Công, Luật Khoa học Công nghệ…
Nên thực tế, các trường ĐH tự chủ vẫn cho rằng, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ; một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai.
6 bất cập được nhóm nghiên cứu đưa ra, đó là: thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường; Nhiều qui định, văn bản pháp lý chưa thay đổi kịp để hỗ trợ các trường đại học tự chủ;
Khi được giao thí điểm tự chủ, các trường đại học không nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Các trường chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của mình;
Tính thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học dẫn đến sự lúng túng của các trường ĐH thí điểm tự chủ;
Việc giao quyền tự chủ đối với giáo dục ĐH mới chỉ thực hiện trong phạm vi thí điểm, chưa trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính; chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo;
Cuối cùng tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học trong cơ sở giáo dục ĐH…
Các đại biểu phát biểu hội nghị |
Cần nhanh chóng ban hành Nghị định mới về tự chủ
Nhóm nghiên cứu đã có những kiến nghị cụ thể với Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông; cũng như kiến nghị cụ thể với các trường.
Trong đó, với Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, nhóm nghiên cứu kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn về vai trò tổ chức Đảng trong việc chỉ đạo hoạt động của Hội đồng trường, tham khảo mô hình Bí thư là người đứng đầu Hội đồng trường.
Đồng thời, chỉ rõ việc triển khai Hội đồng trường vào từng bước trong quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Quốc hội sửa Luật Giáo dục ĐH và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sau khi được sửa đổi
Với Chính phủ, nhóm nghiên cứu kiến nghị nhanh chóng ban hành Nghị định về tự chủ đại học thay thế cho NQ77. Xây dựng, công bố lộ trình và điều kiện để xoá bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”. Về lâu dài, các trường cần trở thành pháp nhân độc lập, không có cơ quan chủ quản.
Từ nay đến năm 2020, thí điểm xóa bỏ cơ chế “Cơ quan chủ quản” đối với một số trường đang thí điểm tư chủ thành công dựa trên việc các trường đăng ký và xây dựng đề án cũng như các điều kiện về kiểm định chất lượng, về trách nhiệm giải trình; công khai minh bạch thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng đầu ra của đào tạo, NCKH, phục vụ cộng đồng.
Trong quá trình hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật: coi đề án thí điểm được Thủ tướng phê duyệt là căn cứ pháp lý để tiến hành “thí điểm”…
Với Bộ GD&ĐT, nhóm nghiên cứu kiến nghị, cần hoàn thiện các hướng dẫn theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở GD ĐH mới ban hành; rà soát, sửa đổi, bổ dung trình cấp có thẩm quyền ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ GD&ĐT;
Đồng thời, hướng dẫn cụ thể và tăng cường giám sát trách nhiệm giải trình của cơ sở GD ĐH tự chủ. Tập trung rà soát, sửa đổi, ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ trong khi chờ điều chỉnh về luật và các luật định…