Điều này đặt ra thách thức cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực chuyển mình, tạo niềm tin để thu hút học sinh sinh viên lựa chọn học nghề, coi học nghề thực sự là một hướng lập nghiệp đúng đắn.
Rộng mở các nhóm ngành đào tạo
Nhận định về nhu cầu nhân lực trong thời gian tới, ý kiến chuyên gia cho rằng, các nhóm ngành chi phối thị trường lao động trong tương lai sẽ bao gồm: Nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật; Kinh tế tài chính, hành chính - pháp luật; Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, “hút” nhân lực trong xây dựng, cấp thoát nước.
Nhóm ngành Khoa học và xã hội, thiếu nhất là nhân lực trong ngành Quản trị du lịch và khách sạn... nhóm ngành Sư phạm. Đặc biệt trong cuộc CMCN 4.0, các nhóm ngành sẽ chiếm ưu thế và cần nhiều nhân lực hơn là công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, kỹ thuật xây dựng, công nghệ sinh học, quản trị dịch vụ và nghệ thuật.
Tư vấn tuyển sinh trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ) năm 2018, ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Năm nay tuyển sinh bậc TC, CĐ không có thay đổi gì lớn, thí sinh tốt nghiệp THCS, THPT có thể lựa chọn một trong ba hình thức thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi và xét tuyển để đăng ký tuyển sinh vào các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo nhiều đợt quanh năm.
Cũng theo ông Đỗ Văn Giang, cơ hội vào học TC, CĐ rất rộng mở, với trên 800 ngành nghề CĐ, 500 ngành nghề TC, học nghề sẽ giúp các bạn trẻ sớm lập thân, lập nghiệp.
Do đó, các em học sinh cần chủ động tìm hiểu, tham khảo tư vấn để lựa chọn được đúng ngành nghề phù hợp khả năng và sở thích. Khi có lựa chọn đúng đắn, các em sẽ có động lực để học tốt, rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, trau dồi kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Tự chủ và gắn với doanh nghiệp
TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Bộ LĐ-TB&XH đã xác định năm 2018 là năm trọng điểm, đột phá của giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng.
Đột phá về giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2018, các trường TC, CĐ dạy nghề sẽ phải thực sự năng động, đổi mới công tác đào tạo để thu hút người học, đồng thời chủ động trong tự chủ, tự hoàn thiện, đảm bảo hiệu quả đào tạo.
Điểm nổi bật và khác biệt của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo gắn với thực hành, gắn với doanh nghiệp tại các vị trí việc làm, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Thực tế, nhiều trường, nhiều ngành nghề đã cam kết với người học ngay khi tuyển sinh là có việc làm sau tốt nghiệp, nếu không sẽ hoàn trả học phí.
Thế mạnh của giáo dục nghề nghiệp chính là thời gian đào tạo ngắn, chi phí không cao mà lại có nhiều cơ hội việc làm tốt, thu nhập đảm bảo. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề đã khởi nghiệp thành công, không chỉ tạo việc làm cho mình mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều người khác với mức thu nhập cao trong xã hội.
Đồng hành với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cử các chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp, am hiểu về thị trường lao động và xu hướng lựa chọn ngành nghề để tư vấn tại các chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp...
Tuyên truyền và đổi mới công tác đào tạo, quản lý theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả là mục tiêu hàng đầu. Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tập trung tìm giải pháp giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.