Hương vị quê hương từ bàn tay mẹ

GD&TĐ - Cái lạnh mùa đông cùng cơn mưa phùn lất phất không làm ướt áo mỗi buổi chiều khiến tôi nhớ về mẹ, nhớ về món ẩm thực của người mẹ quê ngày nào vẫn còn ngọt lành trong tôi. Đó là vại dưa của mẹ lại giòn tan trong mỗi bữa ăn ngày nào.

Hương vị quê hương từ bàn tay mẹ

Nhà tôi ở quê, nghèo đói liên miên nên ẩm thực của mẹ theo cái đói mà đơn sơ giản dị nhường nào. Mỗi khi thu về, cái nắng hanh hao gọi mùa cải quê tôi. Mẹ trồng rau cải trên nương, bên bờ ao và cả trong vườn nhà. Đợi cải lên ngồng, mẹ cắt về để muối dưa, món ăn quen thuộc chẳng biết có tự bao giờ trong bữa cơm ở quê tôi. Mẹ bảo, mẹ được bà dạy muối dưa cải từ khi còn nhỏ, lớn lên đi lấy chồng mẹ muối nhiều hơn và mẹ không nhớ nổi đã muối bao vại dưa vào những ngày chớm lạnh hàng năm. Mẹ bảo chị, là con gái lớn phải biết việc nội trợ trong gia đình, nhất là phải khéo léo muối dưa sao cho ngon.

Cải ngồng được mẹ cắt về, bỏ đi phần già, mẹ tung ra sân gạch phơi một nắng cho rau héo đi. Mẹ bảo phải phơi như vậy khi muối dưa cải mới vừa dẻo vừa giòn và còn hăng hăng vị nắng. Chiếc vại sành nâu cao ngang ngực người từ bao lâu mẹ vẫn dùng để muối dưa. Cho rau đến đâu, mẹ dùng hòn đá cuội to, đen bóng mà chúng tôi tìm nhặt ở ven suối về để nén dưa. Mẹ bảo phải dùng đá nén thì dưa mới chặt vại và ngấm đều muối.

Chẳng bao lâu, cả chậu rau cải to đã được mẹ nén chặt vào vại. Mẹ dùng nước sôi để nguội dội đều vào vại dưa để cọng rau nào cũng ngấm được muối và chua đều. Có bận, mẹ còn đập dập gừng, hành và thái thêm mấy lát khế để cho vại dưa thêm thơm và dậy mùi. Vại dưa được muối xong, mẹ bảo chúng tôi khiêng đặt vào cạnh bếp cho ấm. Mẹ bảo làm như thế để vại dưa ấm nóng và nhanh chua hơn. Chỉ hai ngày sau, rau cải trong vại dưa của mẹ đã ngả vàng, vậy là món dưa cải ngồng của mẹ đã ăn được rồi…

Năm nào cũng vậy, mẹ lại trổ tài gia chánh vào những vại dưa cho cả nhà thưởng thức. Mùa nào thức ấy, mùa cải mẹ muối món cải ngồng, mùa su hào lăn lóc ngoài vườn, mẹ bóc vỏ rồi để cả củ muối chua cho cả nhà ăn tới tận tháng Giêng mới hết. Còn vào giáp Tết, không thể thiếu vại dưa hành của mẹ trong gian bếp ấm cúng.

Giờ mẹ đã già yếu, tóc bạc nhiều nhưng mỗi mùa, mẹ lại cặm cụi muối vại dưa nhỏ hơn vại dưa ngày nào. Tình mẹ đã được gửi gắm qua vị chua cay mặn ngọt vào vại dưa nơi thôn quê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ