Hướng tới yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

GD&TĐ - Từng có thời gian dài đứng lớp, thầy Nguyễn Văn Sỹ, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn quản lý Chương trình Moet (Bộ GD&ĐT) tại Hệ song ngữ - Hệ thống Trường Quốc tế Canada (quận 7, TPHCM), cho biết rất đồng tình với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục mà Bộ GD&ĐT đang soạn thảo. 

Hướng tới yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Yêu cầu cấp thiết

Theo thầy Nguyễn Văn Sỹ, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, của mọi mặt đời sống xã hội cũng như chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục định hướng mở, hội nhập quốc tế, sửa đổi Luật để phù hợp hơn với thực tiễn là điều rất nên làm và cần làm ngay. Bởi trên thực tế, qua thời gian, có những điều luật không còn phù hợp, có nhiều vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện, trong thực tiễn xảy ra đòi hỏi phải có sự điều chỉnh bổ sung luật mới có thể tháo gỡ và giải quyết mang lại hiệu quả cao.

Đặc biệt, qua tham gia Dự thảo Luật GD được Bộ GD&ĐT đăng tải lấy ý kiến rộng rãi cả nước, thầy Nguyễn Văn Sỹ rất tâm đắc với việc sửa đổi Điều 29: Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa.

Theo thầy Sỹ, Luật GD sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1/7/2010: Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

Nay với việc sửa đổi bổ sung Điều 29, cho thấy Bộ đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, không còn khái quát một cách chung chung mà đã nêu rõ: Quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của HS cần đạt được sau mỗi cấp học, những nội dung giáo dục bắt buộc với tất cả HS trên phạm vi toàn quốc… Chương trình thống nhất trong cả nước và tổ chức thực hiện đảm bảo tính linh hoạt.

Để chuẩn bị triển khai, cụ thể hóa điều này, thời gian qua việc chuẩn bị các nội dung của dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể một cách chi tiết, đầy đủ và đồng thời lấy ý kiến rộng rãi.

Chương trình phổ thông mới rất đáp ứng sự kỳ vọng của giáo viên, người học, tăng tính thực hành, thực tiễn, giảm tính hàn lâm.

Việc bổ sung đưa vào Luật Giáo dục nội dung liên quan đến SGK cụ thể: Có một số SGK cho mỗi môn học. Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một SGK. Khuyến khích các cá nhân tổ chức biên soạn SGK dựa trên chương trình GD phổ thông.

Điều này thể hiện sự đột phá trong GD, tạo ra hướng mở linh hoạt cho người học, có một số SGK để lựa chọn, chứ không phải là một bộ sách duy nhất dùng chung cho cả hệ thống, khiến người ta dễ nghĩ đến việc độc quyền SGK, không mang tính mở.

Đây là điều mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện, thậm chí ở một số quốc gia có diện tích lớn, các tỉnh, TP, các vùng trải dài, họ thậm chí còn dùng bộ sách riêng của từng vùng, miền. Trên nền tảng chung theo quy định, bộ sách của vùng miền soạn thảo đều có những bài học liên quan đến địa phương, về kinh tế, lịch sử, về công nghiệp…

Thầy Sỹ lấy ví dụ như ở Canada, mỗi vùng sử dụng SGK riêng, nhưng nội dung chương trình vẫn dựa trên khung chuẩn quy định. Mỗi vùng sẽ có thêm một phần để dạy cho HS (tương tự như phần lịch sử hay địa lý địa phương ở Việt Nam) nhưng nó mở rộng ra nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, xã hội, văn hóa…

Việc bổ sung vào nội dung: Khuyến khích các cá nhân tổ chức biên soạn SGK dựa trên chương trình GD phổ thông (xã hội hóa SGK) cho thấy được tầm nhìn của Bộ tạo ra hướng mở nhằm huy động, phát huy trí tuệ của tất cả mọi người để góp phần cho sự phát triển GD, qua đó góp phần kiện toàn, phong phú nội dung chương trình SGK.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, SGK được biên soạn bởi cá nhân, tổ chức khác cần được thẩm định kĩ từ Bộ GD&ĐT.

Chuẩn hóa đội ngũ góp phần nâng cao chất lượng dạy học

Liên quan đến Luật GD sửa đổi, thầy Nguyễn Văn Sỹ cũng rất đồng tình với vấn đề nâng chuẩn trình độ đào tạo GV tiểu học. Theo đó, Luật đề xuất nâng chuẩn hóa trình độ đào tạo GV tiểu học từ trung cấp lên CĐ.

Theo thầy Sỹ, điều này là hoàn toàn phù hợp nhằm cụ thể hóa quan điểm mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề cập: Tiến tới tất cả giáo viên tiểu học, THCS… phải có trình độ từ ĐH trở lên.

Thầy Sỹ lập luận, ngày nay, với sự phát triển nhanh của CNTT, mọi thứ trở nên rất gần gũi, chỉ cần một cú click chuột, bài giảng điện tử, tài liệu ôn tập, tài liệu chuyên sâu về một vấn đề hay hình ảnh, video liên quan đến bài học rất nhiều trên Internet.

Vậy vai trò của giáo viên trong lớp học là gì? Chắc chắn không còn là hình ảnh thầy đọc, trò chép nữa mà người giáo viên chính là người truyền cảm hứng cho các em say mê với học tập, là người định hướng cho các em, dẫn dắt kích thích các em tìm hiểu kiến thức cũng như phát hiện, phát huy sở trường, năng lực của từng em, người GV dần lùi lại phía sau hỗ trợ việc tự học, tự nghiên cứu của các em, qua đó GV sẽ có thời gian tiếp cận đến từng đối tượng học sinh, giúp các em hoàn thành bài học và hiểu sâu sắc hơn về bài học.

Bên cạnh đó, ngoài việc học tập ở trường sư phạm, để đáp ứng việc dạy học thì bản thân nhà giáo phải luôn nỗ lực đổi mới, học hỏi nâng cao trình độ.

Hiện có số ít GV tiểu học trình độ trung cấp đang theo dạy tiểu học, chủ yếu ở một số vùng sâu, vùng xa, việc nâng chuẩn trình độ là điều cấp thiết, để tiến tới chuẩn hóa đội ngũ của tiểu học. Vì vậy, điều chỉnh này là rất hợp lý, phù hợp.

Thầy Nguyễn Văn Sỹ cũng góp ý, nếu vấn đề này được thông qua, Bộ GD&ĐT cần có những hướng dẫn cụ thể, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đồng thời tuyên truyền sâu rộng cho GV đang giảng dạy hiểu hết ý nghĩa của việc nâng chuẩn trình độ đào tạo GV tiểu học. Bởi hiện nay, vẫn có giáo viên do nắm bắt chưa kĩ, hoặc dư luận vẫn đặt ra những câu hỏi, vậy rớt chuẩn thì sẽ ra sao?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ