Những năm gần đây, tại các trường ĐH có chất lượng đào tạo tốt, hội nhập mạnh mẽ, việc xuất hiện các sinh viên gốc châu Á, Âu, Mỹ, Phi đến học tập không phải là chuyện hiếm.
Với chương trình học tập, thực tập, giao lưu và trao đổi văn hóa, tính đến nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã thu hút 1.073 sinh viên nước ngoài từ 18 quốc gia (Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Mông Cổ, Hàn Quốc, Myanmar, Singapore, Nhật, Đài Loan, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Đức, Séc, Thụy Điển, Hungary, Hà Lan, Nga, Hoa Kỳ) đến học tập, giao lưu từ 1 tuần đến nhiều tháng. Không chỉ học theo hình thức giao lưu, trong đợt tuyển sinh sau đại học tháng 12/2018, trường này còn có 143 thí sinh nước ngoài ở hơn 50 quốc gia trúng tuyển vào 18 ngành cao học, 4 ngành tiến sĩ và 3 ngành nghiên cứu sau tiến sĩ.
Từ năm 2013, Trường Đại học FPT chính thức có lứa sinh viên quốc tế đầu tiên, gồm 41 em đến từ Hàn Quốc, Nigeria, Cameroon và Lào, theo học chương trình đại học chính quy do Trường ĐH FPT cấp bằng. Cũng khoảng thời gian này, Trường ĐH FPT đã kết nối, liên hệ với khoảng 40 đại lý tuyển sinh du học tại nhiều quốc gia để triển khai công tác tuyển sinh sinh viên quốc tế đến học tại trường. Lãnh đạo Trường Đại học FPT đặt mục tiêu đưa tỷ lệ sinh viên quốc tế chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên của trường.
Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG - TPHCM) được xem là ngôi trường có số lượng sinh viên nước ngoài theo học đông đảo nhất tại Việt Nam. Tính từ năm 1998 đến cuối năm 2013 có 34.813 lượt học viên đến từ 73 quốc gia, vùng lãnh thổ theo học tại Khoa Việt Nam học. Số học viên ngày càng tăng, 5 năm trở lại đây bình quân là 3.500 học viên/năm.
Việc tăng cường tuyển sinh sinh viên nước ngoài trở thành một động lực để các trường đại học không ngừng nâng cao chất lượng, hướng tới các chuẩn mực của một trường đại học quốc tế thực sự. Không chỉ khẳng định thương hiệu và chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín của ĐH Việt Nam trong cộng đồng ĐH quốc tế, việc thu hút sinh viên nước ngoài còn tạo nguồn lực để phát triển nhà trường.
Đặc biệt, thông qua lực lượng sinh viên nước ngoài, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam được giới thiệu với bạn bè các nước một cách hữu hiệu; góp phần phát triển các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động khác, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
So với dòng chảy du học nước ngoài, con số “xuất khẩu giáo dục” của Việt Nam hiện vẫn còn là một dòng chảy khá khiêm tốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, dòng chảy có vẻ “ngược” này đang có nhiều điều kiện để trở thành một dòng chảy mạnh mẽ trong thời gian tới. Bởi lẽ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực đã mở rộng tự chủ ĐH, tạo điều kiện cho các trường ĐH có uy tín nước ngoài thành lập phân hiệu tại Việt Nam.