Từ thực tiễn quản lý, thầy Vũ Xuân Hiển - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nam Khoái Châu (Hưng Yên) đã chia sẻ những giải pháp đã được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả tại trường, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác hướng nghiệp thời gian vừa qua.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý
Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý, thầy Vũ Xuân Hiển cho rằng cần thực hiện đồng thời các công việc sau:
Trước hết, cần làm cho cán bộ thấy được sự quan trọng của định hướng và tư vấn nghề đối với sự phát triển của xã hội nói chung, của cá nhân học sinh nói riêng. Từ đó thấy được trách nhiệm quản lý của mình như thế nào đối với hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Cần xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân của cán bộ quản lý. Mỗi cán bộ quản lý phải được giao chức trách, nhiệm vụ cụ thể với những quyền hạn nhất định. Trên cơ sở đó tiến hành kiểm tra việc hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ cá nhân đối với cán bộ quản lý. Ngoài việc chịu trách nhiệm về những sai phạm của bản thân còn phải chịu trách nhiệm về những hành động sai sót của cấp dưới.
Điều này làm cho người quản lý phải thường xuyên đi sâu, đi sát, kiểm tra công việc của cấp dưới để kịp thời phát hiện những sai phạm và điều chỉnh.
Cán bộ quản lý phải được tập huấn về quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trường THPT một cách khoa học, chuyên nghiệp.
Hoạt động tập huấn phải được thực hiện một cách thiết thực, giúp cán bộ quản lý có các kỹ năng quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp một cách hiệu quả. Phải có sự giám sát kiểm tra việc áp dụng các kiến thức được tập huấn vào thực tế nhà trường.
Nâng cao trách nhiệm, tính tự chủ của giáo viên
Để thực hiện điều này, theo thầy Hiển, cần tăng cường nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của giáo viên đối với hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các buổi họp hội đồng, sinh hoạt chuyên môn.
Cần giao cho giáo viên quyền lên kế hoạch, xây dựng nội dung và lựa chọn hình thức giáo dục hướng nghiệp cho học sinh một cách phù hợp dựa trên những chuẩn mực nhất định mà nhà trường đề ra.
Cần làm cho giáo viên nhận thức được rằng việc giáo dục hướng nghiệp là trách nhiệm của toàn thể hội đồng giáo viên chứ không chỉ riêng của cán bộ quản lý, của giáo viên chủ nhiệm và của gia đình học sinh.
Giao cho giáo viên nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm của giáo viên với nhiệm vụ đó và kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ đó.
Khuyến khích, động viên giáo viên chủ động tìm hiểu về đối tượng học sinh mình đang dạy, tìm hiểu về các ngành nghề xã hội đang cần mà phù hợp với đối tượng học sinh của mình, tìm tòi các cách lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào bài giảng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả.
Nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh
Học sinh cần một hướng đi phù hợp với năng lực, với sở thích, với nhu cầu của thị trường lao động vốn phong phú và phức tạp hiện nay.
Tuy nhiên, thầy Hiển cho biết, nhiều học sinh trường THPT Nam Khoái Châu dù đã lựa chọn được ngành nghề, nhưng nhiều em chưa biết gì nhiều về ngành nghề mà mình lựa chọn.
Mối quan tâm của các em và gia đình mới chỉ dừng ở mục đích thi đỗ vào một ngành của một trường đại học chứ chưa biết gì về công việc mình sẽ phải làm sau khi học xong ngành nghề đó.
Để khắc phục điều này, cần tăng cường việc lập kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của việc tìm hiểu kỹ về ngành nghề trước khi lựa chọn.
Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, hấp dẫn, bổ ích và mang lại nhiều thông tin cho phụ huynh, học sinh. Nội dung tuyên truyền phải giải đáp được các thắc mắc của phụ huynh, học sinh.
Đặc biệt, chú ý đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền thông qua các kênh thông tin khác nhau: qua các tài liệu cho học sinh, phụ huynh nghiên cứu, qua các buổi họp, sinh hoạt lớp, qua các buổi thảo luận, qua tổ chức các buổi toạ đàm với cha mẹ học sinh. Tập trung nâng cao chất lượng họp cha mẹ HS.
Đổi mới bộ máy tổ chức chỉ đạo và thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp
Nhà trường thành lập Ban hướng nghiệp gồm những người chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Ban hướng nghiệp cần có các thành phần gồm Ban giám hiệu, giáo viên và cán bộ đoàn trường.
Có sự phân cấp quản lý, có phân công cụ thể cho từng bộ phận và tạo ra sự chủ động trong các bộ phận: Bộ phận phụ trách giáo dục hướng nghiệp thông qua dạy các môn văn hoá; bộ phận phụ trách giáo dục hướng nghiệp thông qua dạy môn công nghệ; bộ phận phụ trách giáo dục hướng nghiệp thông qua sinh hoạt hướng nghiệp và tổ chức hoạt động ngoại khoá.
Từng bộ phận phải có kế hoạch hoạt động cụ thể và trình lên Ban giám hiệu từ đầu năm để Ban hướng nghiệp xem xét, thống nhất kế hoạch hoạt động chung.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác giáo dục hướng nghiệp
Việc đào tạo có thể thực hiện qua các khoá học ngắn, các chương trình tập huấn của bộ, của sở. Ban hướng nghiệp của nhà trường phải có trách nhiệm xây dựng chương trình đào tạo riêng cho đội ngũ hướng nghiệp nhà trường.
Việc xây dựng chương trình đào tạo này phải dựa trên cơ sở chương trình hướng nghiệp của Bộ giáo dục và đào tạo, kết hợp với các chương trình giáo dục hướng nghiệp của các quốc gia tiên tiến trên thế giới và phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia về giáo dục hướng nghiệp.
Sau khi xây dựng nội dung bồi dưỡng thích hợp cần có các hình thức bồi dưỡng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của giáo viên, học sinh vì họ còn phải làm nhiều công việc khác.
Phương thức bồi dưỡng phải được cải tiến theo hướng phân hoá nội dung, đa dạng và linh hoạt về hình thức để làm sao phù hợp được với điều kiện công tác của mỗi người.
Có thể sử dụng các hình thức sau: Bồi dưỡng theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên của Bộ; bồi dưỡng theo chương trình của Sở GD&ĐT; Bồi dưỡng theo nội dung hướng nghiệp của trường; tự bồi dưỡng của giáo viên thông qua đọc sách, khai thác mạng; tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh, học hỏi ở các trường khác…
Việc đào tạo đội ngũ hướng nghiệp phải được tiến hành sao cho sau khi đào tạo họ có đủ thông tin, đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp
Thầy Vũ Xuân Hiển cho rằng, nội dung giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cần phải được xây dựng phù hợp với đặc điểm học sinh nhà trường và nhu cầu các em cần tìm hiểu về ngành nghề.
Đồng thời, cần được cụ thể hoá theo các nhóm đối tượng và cho từng bộ phận triển khai: Nội dung giáo dục hướng nghiệp qua các môn học văn hoá được tiến hành đào tạo cho toàn bộ giáo viên nhà trường;
Nội dung giáo dục hướng nghiệp qua môn công nghệ được đào tạo cho giáo viên môn công nghệ, nội dung giáo dục hướng nghiệp qua sinh hoạt hướng nghiệp, hoạt động ngoại khoá được đào tạo cho giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn và các học sinh tham gia công tác giáo dục hướng nghiệp.
Đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp
Với nội dung này, theo Vũ Xuân Hiển, tổ chức các buổi sinh hoạt hướng nghiệp nên được tổ chức thường xuyên và có sự tham gia của học sinh tất cả các khối chứ không chỉ khối 12, bởi học sinh nhà trường ngay từ lớp 10 đã bắt đầu hình thành định hướng chọn nghề.
Các buổi sinh hoạt hướng nghiệp nên được tổ chức dưới hình thức tọa đàm theo các nội dung nhất định, tuy nhiên nên được chia thành các nhóm:
Nhóm các buổi tọa đàm hướng nghiệp cho học sinh khối tự nhiên, cho học sinh khối xã hội, cho học sinh khối ngữ, nhóm các buổi tọa đàm du học ở các nước khác nhau, nhóm các buổi tọa đàm về các ngành nghề nhất định…
Tổ chức các buổi sinh hoạt hướng nghiệp ở các lớp có thể theo hình thức mời chính phụ huynh học sinh lớp đó đến chia sẻ về công việc của mình và giải đáp thắc mắc của học sinh.
Tổ chức các buổi tham quan các cơ sở sản xuất, các công ty, xí nghiệp hay các làng nghề nhằm cho học sinh tiếp cận với các công việc cụ thể.
Có thể phối hợp với các cơ sở cho học sinh tham gia làm việc cùng ở một vị trí trong một ngày: Một ngày làm bác sỹ, một ngày làm giáo viên, một ngày làm nhân viên văn phòng….
Giáo dục hướng nghiệp thông qua phòng hướng nghiệp và câu lạc bộ hướng nghiệp: Ban giám hiệu, giáo viên sẽ phối hợp với Đoàn trường để thành lập phòng hướng nghiệp.
Phòng hướng nghiệp là nơi lưu trữ các thông tin về các trường học, các ngành nghề trong nước và nước ngoài, các thông tin cập nhật về tuyển sinh trong nước, về vấn đề du học ở nước ngoài (tương lai).
Tại đây, học sinh được đọc, tìm hiểu các thông tin vê các vấn đề các em quan tâm liên quan đến nghề nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp. Tại phòng luôn có các tình nguyện viên tư vấn hướng nghiệp cho các em.
Tình nguyện viên hỏi han, khảo sát về năng lực, sở thích của các em đưa ra cho các em lời tư vấn về chọn nghề. Các tình nguyện viên là những giáo viên, học sinh quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp, tình nguyện đóng góp công sức để nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, đã được đào tạo về hướng nghiệp một cách bài bản.
Các tình nguyện viên hoạt động trong câu lạc bộ hướng nghiệp mà người đứng đầu có thể là một giáo viên hoặc một thành viên trong ban chấp hành đoàn trường, câu lạc bộ hoạt động có nguyên tắc hoạt động rõ ràng, có kế hoạch và nội quy rõ ràng.
Hoạt động của câu lạc bộ phải nằm dưới sự quản lý của ban giám hiệu nhà trường. Câu lạc bộ hướng nghiệp cũng phối hợp với ban giám hiệu, đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm … trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp khác.