Vì vậy, không chỉ người học mà cả phụ huynh có con tham dự kỳ thi cũng áp lực và căng thẳng trong suốt năm cuối cấp của con.
Hiểu năng lực để định hướng cho con
Chị Phan Thị Oanh (Phúc Đồng, Long Biên, TP Hà Nội) cho hay, năm học 2023 - 2024 đứa con đầu của chị học lớp 9. Thay vì chạy đua cùng những phụ huynh khác tìm thầy tốt cho con ôn luyện nhằm “săn” suất vào lớp 10 công lập, chị lại căn cứ vào năng lực, nhu cầu mong muốn của con để định hướng sớm tương lai từ năm học cuối cấp THCS.
Chị Oanh chia sẻ: “Nhà tôi có một xưởng cơ khí, từ nhỏ con đã tiếp xúc với nghề của bố. Cháu thường tỏ ra rất chăm chú khi xem bố làm việc hay nghiên cứu các thiết kế mới. Những lúc rảnh, con thường xem các video chia sẻ về nghề cơ khí, công nghệ mới được áp dụng.
Theo đó, khi tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, tôi cũng căn cứ vào năng lực, sở thích của con để định hướng thay vì bắt con phải thi đậu bằng được vào một trường THPT công lập.
Bởi tạo ra nhiều áp lực không đáng có cho con trong quá trình học thì bản thân phụ huynh cũng phải cuống cuồng chạy theo đến các “lò” ôn luyện. Tôi cũng đang nghiên cứu các trường nghề hoặc trung tâm GDNN-GDTX có nghề cơ khí để cho con tham khảo”.
Tương tự, chị Đặng Thị Tâm (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: “Với sức học của con ở mức vừa phải, gia đình tôi định hướng cho con sau khi tốt nghiệp THCS ngoài thi vào các trường THPT công lập con có thể xem xét lựa chọn một trong những phương án như trường ngoài công lập, học nghề hay đăng ký vào các trung tâm GDNN-GDTX thay vì nhất nhất phải đỗ vào công lập khiến con áp lực, ám ảnh với các kỳ thi và gia đình cũng căng thẳng theo trong suốt quá trình con học cuối cấp”.
Tại Trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội), nhiều năm nay để giảm áp lực cuối cấp cho học sinh, nhà trường đã đẩy mạnh công tác hướng nghiệp. Nhà giáo Ưu tú Ngô Hồng Giang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội nhiều năm nay khiến phụ huynh, học sinh rất áp lực nên vai trò của hướng nghiệp càng quan trọng.
Với trường chúng tôi, khi hướng nghiệp cho học trò, trước tiên, chúng tôi sẽ lắng nghe chia sẻ của các em về mơ ước, những mong muốn cộng thêm căn cứ vào năng lực học tập ở lớp để định hướng đưa ra những gợi ý phù hợp để các em cảm thấy thoải mái và có động lực chuyên tâm học tập, phấn đấu.
Mặt khác, vai trò của hoạt động hướng nghiệp là hướng cho các em hiểu về đặc thù của các ngành nghề có trong xã hội, không được định hướng theo cơ học, chạy theo thành tích mà ép các em.
Ví dụ: Đối với nghề giáo viên, chúng tôi sẽ phân tích, giới thiệu cho các em những đặc thù công việc cần phải làm những gì; quá trình học tập ra sao để có thể đến gần với nghề mình mơ ước. Các khối, tổ hợp nào sẽ có thể xét tuyển vào ngành sư phạm, các trường đại học đào tạo chuyên ngành này…”.
Ảnh minh họa ITN. |
Hướng nghiệp sát với nhu cầu, năng lực
Để giảm bớt áp lực cho học sinh lớp 9 vào cuối cấp, nhiều trường THCS trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ đầu cấp, sau khi các em nhập trường và ổn định việc học tập. Nhờ thế học trò dần định hình được nghề nghiệp tương lai cho mình, hiểu phần nào đó đặc thù mỗi nghề và từ đó xây dựng cho bản thân kế hoạch học tập sao cho phù hợp nhằm theo đuổi nghề nghiệp mình mong muốn.
Theo chia sẻ của cô Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội), để hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh, tháng nào cũng vậy, chúng tôi đều sắp xếp thời khoá biểu dạy 1 đến 2 tiết hướng nghiệp cho học sinh với nhiều chủ đề khác nhau. Cuối học kỳ II, nhà trường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề, trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX để giới thiệu về nghề nghiệp cho học trò.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho học sinh đến tận các cơ sở thực tế để trải nghiệm, tìm hiểu thực tế nhằm giúp các em hình dung được tính chất công việc mà những nghề nghiệp các học sinh đang được hướng đến”.
Cô Thục Hạnh cũng cho biết thêm, đối với công tác hướng nghiệp, nhà trường luôn ưu tiên dựa trên sở thích, năng lực của học sinh và phối hợp với phụ huynh để định hướng cho các em. Các chủ đề hướng nghiệp chúng tôi cũng hướng đến sao cho sát với học sinh và dễ tiếp thu, gần gũi.
Có chung quan điểm, Nhà giáo Ưu tú Ngô Hồng Giang cũng chia sẻ thêm, để công tác hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả, ngoài việc mời các đơn vị chuyên môn, chuyên gia đến trường chia sẻ, chúng tôi còn cho học sinh tham gia Ngày hội hướng nghiệp – Nghề nghiệp (do thành phố Hà Nội tổ chức), chúng tôi đã cho học sinh được trực tiếp đến gặp đại diện các doanh nghiệp, trường đào tạo nghề các em yêu thích để hỏi thêm những vấn đề, kiến thức liên quan, từ đó hình dung và có định hướng cho bản thân.
“Khi học trò đã có kiến thức cơ bản về nghề nghiệp yêu thích từ những năm THCS, lên THPT các em sẽ giảm được áp lực trong việc gấp rút tìm hiểu nghề nghiệp cho bản thân”, Nhà giáo Ưu tú Ngô Hồng Giang nhấn mạnh.
“Bên cạnh những thuận lợi, Trường THCS Phương Mai cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh. Đó là tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn muốn con vào được lớp 10 công lập. Họ lo lắng nếu con em mình đi học nghề sẽ bị dở dang, lãng phí thời gian và không thể đi học đại học…
Như vậy, dẫn đến nhiều em vô hình trung bị chịu áp lực tâm lý trong quá trình học tập cuối cấp bởi cái đích nhắm tới là phải đậu vào trường THPT công lập”, cô Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.