Hướng nghiệp sớm xây dựng tương lai cho học sinh

GD&TĐ -  Trường TH&THCS Tràng Các (Lạng Sơn) xác định phân luồng hướng nghiệp sớm giúp HS nắm bắt được xu thế nghề nghiệp trong tương lai.

Học sinh Trường TH&THCS Tràng Các (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).
Học sinh Trường TH&THCS Tràng Các (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).

Cần định hướng sớm

Cô Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng, Trường TH&THCS Tràng Các (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Hướng nghiệp sớm, đóng vai trò chủ đạo nhằm hướng dẫn, chuẩn bị cho học sinh tâm thế, kỹ năng và giúp các em nắm bắt được xu thế của các ngành nghề, nhu cầu mà xã hội cần trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0.

Theo đó, ngay khi còn trong trường học, chúng tôi luôn cố gắng tạo các hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm phù hợp với hứng thú, đặc biệt là năng lực học tập của mỗi cá nhân và hoàn cảnh gia đình học sinh”.

Cô Thanh cũng cho biết thêm, đối với học sinh THCS, ngay từ cuối lớp 8 giáo viên chủ nhiệm đã hướng dẫn học sinh em tự đánh giá năng lực, sở thích của bản thân để dựa vào đó đưa ra những nhóm nghề cùng học sinh tìm hiểu để chú trọng phân luồng học sinh sau bậc học THCS

Mỗi năm học, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh cấp THCS. Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, khảo sát tình hình địa phương, thuận lợi và khó khăn từ đó đưa ra chỉ tiêu và giải pháp thực hiện.

“Đầu năm họp phụ huynh, chúng tôi sẽ thông báo và lấy ý kiến góp ý của phụ huynh về kế hoạch rồi hoàn thiện và trình Ban lãnh đạo Đảng ủy, ủy ban xã”, cô Thanh nói.

Bên cạnh đó, cô Thanh chỉ ra những thuận lợi và khó khăn mà nhà trường gặp phải trong quá trình triển khai. Cụ thể, thuận lợi: Đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 9: đủ về số lượng, cơ cấu bộ môn, nhiệt tình, có năng lực đảm bảo chất lượng giảng dạy và ôn tập cho học sinh thi vào các trường THPT.

Đồng thời tích cực trong việc sử dụng công nghệ thông tin để tra cứu thông tin để hướng dẫn học sinh tìm hiểu các nghề phù hợp.

Nhà trường đặc biệt chú trọng đến giáo viên chủ nhiệm lớp 9 có kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh và luôn làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh và học sinh.

“Bên cạnh đó, địa phương cũng có các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như nghề trồng rừng (cây hồi, trám đen), nghề làm gạch bê tông, mô hình trồng rau trái vụ làm kinh tế chúng tôi cho học sinh nghiên cứu và tìm hiểu”, cô Thanh cho biết.

Theo cô Thanh, khó khăn gặp phải trong quá trình phân luồng hướng nghiệp như: Phụ huynh học sinh vẫn giữ quan niệm phải cho con em mình vào học tại trường THPT Công lập. Nếu không đỗ THPT tại các trường trong địa bàn tuyển sinh thì ở nhà giúp gia đình lao động hoặc đi làm công nhân.

Một số gia đình do đi làm ăn xa phó thác cho ông bà, sự quan tâm không được sát con em dẫn đến học sinh thường hay bỏ học.

Trường TH&THCS Tràng Các (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) tham gia hoạt động ngoại khoá.
Trường TH&THCS Tràng Các (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) tham gia hoạt động ngoại khoá.

Nâng cao tầm quan trọng của việc hướng nghiệp sớm

Xác định hướng nghiệp sớm có ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn nghề nói chung và quyết định hướng đi sau tốt nghiệp nói riêng dựa trên cơ sở năng lực, điều kiện .... cho học sinh, Trường TH&THCS Tràng Các đặc biệt chú trọng vào các buổi trải nghiệm thực tế nghề nghiệp có ở địa phương.

“Từ những hoạt động này, bước đầu chúng tôi cho học sinh có một cách nhìn và đánh giá vấn đề khái quát về vấn đề hướng nghiệp, các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS.

Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức tìm hiểu, giới thiệu cụ thể một số nghề đang có nhu cầu lớn và dự đoán nguyên nhân.

Hướng dẫn học sinh thảo luận trong các tiết học hướng nghiệp, hình dung bước đầu các hướng đi, sự thay đổi hình thức học tập hoặc làm việc sau khi tốt nghiệp THCS", cô Thanh thông tin.

Nhà trường tổ chức cho học sinh khối 9 đi thăm quan, trải nghiệm thực tế tại các trường dạy nghề, các cơ sở kinh doanh, các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương. Kết hợp với các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh đến trường tư vấn và tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về hướng nghiệp.

Mặt khác, nhà trường trao đổi phụ huynh bằng nhiều hình thức như qua zalo, facebook, họp phụ huynh. Kêu gọi phụ huynh cùng tham gia các hoạt động ngoại khóa tìm kiếm tài năng, các hoạt động khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học kĩ thuật dành cho học sinh THCS, thực hiện tích hợp lồng ghép thông qua các môn học.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác phân luồng sớm cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương lớp 6 và lớp 7.

“Đó là một thuận lợi để các trường triển khai chương trình hướng nghiệp và hướng nghiệp có tính xuyên suốt, giúp học sinh hình thành các kỹ năng có hướng đi cũng như mục tiêu rõ ràng cho bản thân để thực hiện các kế hoạch. Đồng thời, nhà trường phụ huynh cũng phối hợp với nhau để đồng hành cùng học sinh định hướng tương lai", cô Thanh nhấn mạnh.

Trường Trường TH&THCS Tràng Các, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn 100% học sinh là dân tộc thiểu số Tày, Nùng nhà trường cũng đặc biệt chú trọng đến giáo dục các kỹ năng mềm để phát triển toàn diện cho học sinh. Kết nối chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục, hướng dẫn học sinh các kỹ năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ