Tuy nhiên, nhìn chung, công tác này hiện còn chưa sâu rộng và đồng bộ. Thậm chí, không ít học sinh THPT còn chưa tiếp cận thông tin về ngành nghề, trong khi đó, một bộ phận khác lại không chú trọng đến hướng nghiệp chọn nghề mà chỉ cốt thi đỗ đại học.
Tự đánh giá và tìm hiểu
Tình trạng nêu trên sẽ rất dễ dẫn đến sự lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp, kéo theo là hệ lụy khó khăn trong tìm kiếm việc làm và phát triển năng lực học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường. Các chuyên gia hướng nghiệp cho rằng, để chọn được ngành nghề phù hợp trước hết các em phải nhận diện và hiểu được bản thân mình có được tài năng, năng lực và khả năng gì.
Để có thể tự đánh giá và tìm hiểu về bản thân nhằm phân tích và lựa chọn nghề nghiệp cho cuộc sống, mỗi cá nhân có thể sử dụng mô hình với 3 yếu tố: Tính khí – Tính cách – Năng lực. Một số mô hình trắc nghiệm như John Holand, MTBI... là những bộ công cụ đánh giá năng lực cá nhân đang được sử dụng phổ biến.
Hiện nay, các bài trắc nghiệm này được đăng tải khá nhiều trên các trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, để có thể nhìn nhận bản thân đầy đủ, các em học sinh cũng rất cần những tham chiếu từ cha mẹ, anh chị, thầy cô, bạn bè, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực ngành nghề mà mình muốn chọn.
Với các em học sinh THPT, cần hiểu rõ sở thích, năng lực bản thân và nhu cầu tuyển dụng của ngành nghề mà mình sẽ theo đuổi. Việc cha mẹ tham gia định hướng nghề nghiệp cho con là việc làm cần thiết, song để tư vấn đúng cách ngoài hiểu biết cần phải khéo léo, cẩn trọng và giao quyền quyết định cho con.
Thay vì bắt ép, phụ huynh chỉ nên phân tích thông tin để con đưa ra lựa chọn. Ngoài việc nhận dạng tính cách, kỹ năng và giá trị của con, cha mẹ cũng cần chủ động trong việc tìm hiểu các thông tin về ngành nghề đào tạo; yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với ứng cử viên giúp con có được việc làm tốt sau khi học xong.
Học sinh cần nhận thức rõ bản thân
Theo các chuyên gia hướng nghiệp, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề.
Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó.
Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân.
Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, là sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động và xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp ngay từ khi còn học đại học.
Tư vấn hướng nghiệp năm 2017, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP HCM đã chia sẻ với các em học sinh: Để tránh sai lầm trong việc chọn nghề, học sinh cần tìm hiểu thông tin dự báo nhân lực trong tương lai gần, nhất là 4 - 5 năm sau khi tốt nghiệp.
Trong xu hướng toàn cầu hóa, thị trường lao động ngày càng mở rộng hơn, nhưng thách thức, cạnh tranh về nguồn lao động có chất lượng, kỹ năng cao cũng khốc liệt hơn. Những học sinh có sự chuẩn bị tốt, tay nghề kỹ thuật đạt chuẩn, thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh, tin học sẽ có nhiều cơ hội việc làm nhanh hơn, tốt hơn.
Các em học sinh không nên chạy theo những ngành nghề hot, thời thượng hoặc chỉ nhắm đích đến duy nhất là tấm bằng đại học. Tỷ lệ có việc làm không phân biệt nhóm ngành nghề, mà phụ thuộc vào năng lực sở trường từng người, khả năng thích ứng với các vị trí việc làm đòi hỏi kỹ năng cao.