Chìa khóa của thành công

GD&TĐ - Nhìn lại số thủ khoa trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 và nhiều năm trước cho thấy một phần không nhỏ là những học sinh xuất thân từ con nhà nông dân, nhà nghèo, gia đình có hoàn cảnh. 

Chìa khóa của thành công

Gia đình các em không đủ điều kiện để hỗ trợ những khóa ôn luyện thầy cô thương hiệu hay lò luyện nổi tiếng trước khi bước vào các kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên, không vì thế việc học bị giảm sút hoặc kém hiệu quả bởi tự bản thân những học sinh này đã tìm ra cho mình con đường tới đích riêng đó là tự học.

Tự học – con đường tới đích hiệu quả

Có thể kể tới rất nhiều trường hợp học sinh đã thành công từ con đường tự học. Ví như học sinh Đậu Phan Đức- Trường THPT Hương Khê vừa đậu thủ khoa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 khối B với tổng điểm 3 môn là 29,3 điểm (trong đó môn Hóa đạt điểm tuyệt đối 10 điểm, môn Toán đạt 9,8 và môn sinh là 9,5 điểm).

Chia sẻ về phương pháp học tập của mình Đức cho biết em dành rất nhiều thời gian để tự học, tự nghiên cứu. Với Đức kiến thức được học trên lớp thì học sinh nào cũng được thầy cô truyền tải như nhau, nhưng để thành công thì quan trọng vẫn nằm ở thời gian tự học.

Chính vì vậy, ngoài hướng dẫn của giáo viên em đã dành phần lớn thời gian để tự học và chỉ học những khi thực sự có hứng thú. Hay em Lưu Văn Hiện - trường THPT Hải Hậu A (Nam Định) cũng đã trở thành thủ khoa khối A của tỉnh Nam Định trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 khi đạt 29.3 điểm (chưa cộng điểm khu vực) với điểm số 10 Hóa; 9.8 Toán và 9.5 Lý.

Được biết Hiện có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc diện cận nghèo, bố em ốm đau không còn khả năng lao động, em được miễn học phí trong quá trình học tại trường. Chính vì vậy với em không biết tới đi học thêm. Em chủ yếu tự học và các thầy cô thường cho mượn tài liệu để học…

Chia sẻ từ nhiều thủ khoa trong nhiều mùa thi gần đây hầu hết các em đều cho rằng tự ôn thi ở nhà và khẳng định tự học là phương pháp hiệu quả. Các thủ khoa này không phủ nhận tích cực nhất định của lò luyện nhưng xét cho cùng đó chỉ là giải pháp tâm lý. Bởi lẽ, tất cả kiến thức cơ bản đều có trong sách giáo khoa, chỉ cần ôn tập có hệ thống, học theo phương pháp hợp lý thì sẽ đạt kết quả tốt.

Trên thực tế, không ít phụ huynh ở các thành phố lớn có con chuẩn bị tham gia vào kỳ thi lớn thường gửi gắm niềm tin và tìm tới các lò luyện với mong muốn con được bổ sung những kiến thức sát đề, trúng đề hơn, được ôn luyện tâm lý làm bài vững vàng… từ đó tăng khả năng đỗ cao.

Song nhiều thầy cô đã từng tham gia giảng dạy tại trung tâm luyện thi khi đề cập tới vấn đề này đều chia sẻ: không có chuyện đến trung tâm ôn tập thì sẽ trúng đề hay thi đỗ. Trước khi đến bất kỳ trung tâm nào, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Kiến thức chính vẫn là do các em tự học.

Như vậy, việc đi lò luyện ôn tập chỉ là giải pháp tâm lý cho các thí sinh chưa nắm vững kiến thức. Đa số những học sinh có kết quả cao trong các kỳ thi thì nguyên nhân chính vẫn do tự học ở nhà, phương pháp học khoa học, chăm chú ghi chép, nghe lời thầy cô giảng trên lớp.

Như vậy, rõ ràng tuỳ vào đặc điểm của từng môn học mà việc rèn luyện kỹ năng tự học của học sinh cũng có những nét đặc thù riêng. Ví như, Toán học cũng là một môn khoa học nghiên cứu về các quan hệ số lượng, hình dạng và logic trong thế giới khách quan. Vì vậy, toán học so với các môn học khác có các đặc điểm cơ bản đó là tính trừu tượng cao, tính thực tiễn phổ dụng và tính logich.

Chính những đặc điểm này đã tác đông không nhỏ đến việc rèn luyện kỹ năng tự học của học sinh. Nó đòi hỏi học sinh ngoài giờ lên lớp cần phải dành thời gian ở nhà để suy nghĩ, đào sâu, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ sách giáo khoa cũng như ở trong các nguồn tài liệu khác mới có thể hiểu rõ và nắm vững các nội dung kiến thức...

Lời khuyên từ những thầy cô giáo có kinh nghiệm giảng dạy đều chỉ ra cho học sinh nếu muốn có kết quả học và thi tốt đó là: Trước khi đến lớp, cần đọc trước nội dung chương mục, ghi câu hỏi, cố gắng đề xuất câu trả lời, sau đó đối chiếu với câu trả lời của thầy cô, bạn bè. Tham gia giờ học đầy đủ và ghi chép các ý chính, các ý phát triển... một cách có hệ thống.

Sau buổi học cần làm bài tập, tự học qua sách, tài liệu từ internet một cách nghiêm túc. Để có hiệu quả, học sinh cần có thái độ tự học nghiêm túc, có kỷ luật, nỗ lực hoàn thành mọi bài học theo kế hoạch đặt ra, luôn cầu thị, không tự bằng lòng với kiến thức đã có.

Cần có kỹ năng tự học

Trong giáo dục hiện đại đổi mới thì vai trò của người học giữ vị trí trung tâm, là chủ thể tích cực chủ động sáng tạo của quá trình học tập. Bên cạnh việc học ở lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên thì người học còn phải tự nghiên cứu, tự tìm hiểu khám phá để lĩnh hội tri thức. Không những thế, về mặt tâm lý học cũng cho thấy việc tự học sẽ làm cho người học phát huy hết nội lực đem lại hiệu quả trong quá trình học tập.

Với hơn 20 năm giảng dạy, cô Nguyễn Thị Nhã nguyên giáo viên trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) có nhận xét: năng lực tự học của học sinh còn nhiều hạn chế. Phần lớn học sinh vẫn học thụ động và những kiến thức mà học sinh có được chủ yếu ở trường học do giáo viên cung cấp, học sinh chưa có nhu cầu và thói quen tự học.

Một số khác tuy đã có ý thức tự học nhưng chưa có kỹ năng nên chưa đem lại kết quả cao trong học tập. Vì vậy theo cô Nhã, giáo viên cần phải quan tâm đến vấn đề tự học của học sinh và cần giúp cho các em có được một kỹ năng tự học thật tốt, nhất là đối với học sinh THPT. Điều này sẽ giúp các em có thể thích ứng ngay và học tốt khi chuyển lên bậc học cao hơn.

Từ thực tế cũng cho thấy, vì học sinh quá thụ động vào các bài giảng của thầy cô trên lớp nên rất thụ động, lười suy nghĩ và thiếu sáng tạo trong học tập hay đào xới thêm kiến thức. Và cũng chính vì chỉ học gói gọn trong các bài giảng trên lớp nên dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm tràn lan. Từ đó các em không có sự độc lập trong suy nghĩ, phụ thuộc vào thầy cô và bị tác động, áp lực từ điểm số, kết quả không thực chất; các em không chủ động được thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe…

Trên các diễn đàn làm cho mẹ, nhiều bố mẹ cũng chia sẻ: Dù trong thời gian ôn tập kỳ thi THPT quốc gia nhưng các con dành ít thời gian cho việc tự học tại nhà. Với nhiều em, thời gian học chủ yếu là trên lớp và các buổi học thêm. Thế nhưng, dù đi học tối ngày song học lực của những học sinh này chỉ ở dạng trung bình.

Như vậy, tự học không những giúp học sinh không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà còn trang bị cho các em năng lực, hứng thú, thói quen, có phương pháp tự học thường xuyên và suốt đời. Qua đó giúp các em rèn luyện đức tính tự lập, ít phụ thuộc vào người khác đặc biệt là giáo viên khi học tập tại trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ