Lợi thế nữ khi chọn ngành Khoa học kỹ thuật

GD&TĐ - Nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ vẫn được nhiều người nghĩ là phù hợp hơn với nam giới, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều “bóng hồng” đam mê theo học khối ngành này và họ đã thành công khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng cũng không loại trừ, còn khá nhiều nữ sinh có tâm lý dè dặt trước khối ngành kỹ thuật, công nghệ với lý do “chân yếu tay mềm”.

Nữ sinh viên Đại học Y Dược
Nữ sinh viên Đại học Y Dược

Lợi thế và khó khăn khi nữ học các ngành kỹ thuật, công nghệ

Theo học khối ngành kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ, ngăn nắp, có lối sống thực tế, thích hành động, thực hành, khéo léo, yêu thích sửa chữa và làm việc với các máy móc, thiết bị,…

Chính vì vậy mà người theo ngành này hay bị cho là khô khan, cứng nhắc. Các ngành nghề của khối ngành này gồm có cơ khí, xây dựng, điện, điện tử, điều khiển và tự động hóa, cơ khí, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm và các ngành nghề liên quan khác như kỹ thuật hóa học, kỹ thuật nông nghiệp,…

Đối với các bạn nữ thuộc týp người thích tự do, phiêu lưu, mạo hiểm và cẩn thận, đam mê lĩnh vực kỹ thuật thì luôn thích chọn các công việc giám sát. Còn một số bạn ngại nắng gió, không thích “nay đây mai đó” mà thích làm việc với bàn giấy thì công việc thiên về tư vấn thiết kế, thẩm tra và nghiên cứu,... luôn là lựa chọn đúng đắn đối với những ai yêu thích khối ngành này.

Với một số ngành, đa số sinh viên trong lớp là nam do đó nữ sinh khi học khối ngành kỹ thuật công nghệ bước vào lớp sẽ như “hoa lạc giữa rừng gươm”. Kèm theo sự năng động, ham học hỏi, tìm tòi, vui chơi hoạt động đầy bản lĩnh, chắc chắn rằng các bạn nữ luôn đón nhận được sự ưu ái, giúp đỡ từ các bạn trong lớp lại vừa được sự chú ý, quan tâm đặc biệt từ thầy cô.

Ngoài ra sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư không chỉ làm các công việc chuyên môn về kỹ thuật, công nghệ, mà cũng phải phát triển kỹ năng lãnh đạo. Trong môi trường làm việc hiện đại, các nhà lãnh đạo cả nam và nữ đều hướng tới phong cách lãnh đạo chuyên nghiệp, đặc biệt là phong cách lãnh đạo nữ tính. Phong cách này đề cao vai trò, ý kiến của từng cá nhân trong tập thể để đạt được sự đồng thuận, hướng tới mục tiêu chung và nâng cao hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, các trường còn có một số chính sách khuyến khích các bạn nữ theo học các ngành kỹ thuật, công nghệ để tạo cân bằng cho xã hội, đồng thời phát huy các tố chất sẵn có của các sinh viên nữ mà những sinh viên nam không có.

Theo PGS-TS Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ngành nào cũng có những khó khăn thử thách riêng, nếu còn e ngại thì có thể chọn các ngành nhẹ nhàng phù hợp cho nữ như kinh tế gia đình, công nghệ may,...

Khối ngành kỹ thuật, công nghệ đang ngày càng phát triển, lượng thí sinh nữ theo học cũng ngày càng tăng hơn, cơ hội đầu ra cũng rất rộng lớn, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay ở các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, các nhà máy điện tử, cơ khí với mức lương khá hấp dẫn.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM hiện có nhiều nữ sinh đang theo học và chúng tôi cũng luôn khuyến khích các bạn nữ theo học. Ở một số ngành kỹ thuật của trường, sinh viên nữ theo học sẽ được giảm 50% học phí”.

Bởi vì ngoài các gói kiến thức chuyên sâu về Kỹ thuật xử lý, Thiết kế và vận hành hệ thống, lắp ráp, thì nghiệp vụ và nguyên tắc Quản lý hành chính, Quản lý nhân sự, Kiểm tra khâu sản xuất,... cũng sẽ được trang bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu lao động đang thiếu như hiện nay.

Bí quyết để nữ sinh đạt được kết quả tốt nhất khi học khối ngành kĩ thuật công nghệ

Luôn luôn chăm chỉ, và bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên. Ngoài ra cũng nên tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh,... của khoa, của trường dành cho sinh viên năm nhất, điều này giúp sinh viên quản lý thời gian thật tốt.

Bên cạnh đó, việc rèn luyện những kỹ năng như làm việc theo nhóm, lãnh đạo, viết báo cáo, thuyết trình, tư duy và lập luận được rèn luyện qua các bài thực hành này đều rất quý giá, phát huy khả năng tư duy cũng như tích lũy kinh nghiệm cho công việc sau này.

Bạn Nguyễn Thị Hà, một sinh viên xuất sắc của ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ: “Với niềm đam mê máy móc và ô tô từ nhỏ, Hà đã sáng suốt khi lựa chọn ngành này. Với kết quả học tập hiện tại, Hà tự tin vào khả năng của mình. Công ty Toyota mà Hà thực tập đã có thông báo tuyển dụng chính thức”.

Hãy mạnh dạn chọn ngành phù hợp với đam mê

Hãy tự đặt ra và trả lời cho mình những câu hỏi: Bạn có thực sự đam mê, yêu thích ngành Kỹ thuật, công nghệ không? Thích nghiên cứu khoa học, lắp ráp, chế tạo hay không? Thích tham gia vào các quy trình công nghệ, hệ thống sản xuất, vận hành, điều khiển máy móc, kỹ thuật không?...

Nếu những câu trả lời của bạn lần lượt là có thì đây hoàn toàn là một ngành học phù hợp với bạn. Đừng e ngại vì bạn là nữ. Nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật, công nghệ trong giai đoạn hiện tại và tương lai đang rất cao, đặc biệt là đối với các bạn có năng lực, kỹ năng tốt, vị trí làm việc cũng có nhiều vị trí nhẹ nhàng dành cho nữ.

Vì thế chỉ cần có đam mê thì dù là ngành kỹ thuật công nghệ hay bất kì ngành nghề nào khác, nam hay nữ vẫn có thể theo học và làm việc tốt. Cơ hội việc làm cũng như cơ hội thăng tiến sẽ luôn luôn rộng mở cho những ai dám sống vì đam mê.

Theo Cẩm nang Tư vấn thi & Tuyển sinh 2017

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ