Hướng nghiệp hiệu quả - cần phụ huynh thấu hiểu và chia sẻ

GD&TĐ - Theo thông lệ hằng năm, từ tháng 1 tới tháng 4 là thời gian hướng nghiệp cho các em học sinh lớp 12. Các hoạt động hướng nghiệp đang diễn ra trong bối cảnh khái niệm an toàn về công việc đã bị thay thế bởi khái niệm an toàn về nghề nghiệp. Điều này đòi hỏi sự thấu hiểu và chia sẻ của phụ huynh với học sinh để hướng tới việc quản trị nghề nghiệp hiệu quả.

Phụ huynh cùng học sinh tham gia tư vấn hướng nghiệp
Phụ huynh cùng học sinh tham gia tư vấn hướng nghiệp

Tạo dựng nền tảng nghề nghiệp

Theo ThS Đào Trung Thành, chuyên gia về hướng nghiệp, xuyên suốt giai đoạn từ cấp 3 lên đến ĐH, công tác hướng nghiệp và phát triển nghề nghiệp sẽ có những điểm nhấn khác nhau. Càng lên cao thì khả năng chuyển đổi giữa các nghề càng ít đi, do vậy hướng nghiệp lớp 12 là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, nếu chọn chưa phù hợp tại thời điểm lớp 12, vẫn có thể điều chỉnh. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp ĐH Bách khoa nhưng sau này có thể làm quản lý nhân sự. Nắm được quản trị nghề nghiệp sẽ giúp cho học sinh và phụ huynh yên tâm hơn để quyết định lựa chọn ngành, nghề và trường thi.

ThS Đào Trung Thành cho rằng, nhìn từ đầu ra của chuỗi giáo dục, mỗi cá nhân có 4 lựa chọn nghề nghiệp chung. Đầu tiên là thực thi (yêu cầu lao động thấp nhất), sau đó là chuyên gia/chuyên viên (nhóm này cũng làm công việc tương tự thực thi nhưng đòi hỏi chuyên môn sâu hơn, tính chuyên biệt phân hóa cao hơn), thứ ba là quản lý (công tác nghiêng về điều hành hệ thống, thực thi tác vụ chung), và cuối cùng là tổ hợp (nhiều vị trí tổng hợp của hai hoặc ba vị trí trên).

Xây dựng nguồn lực bên trong như tính cách, sở trường, tài chính, năng lực, cũng như đánh giá chính xác thách thức từ bên ngoài sẽ giúp các em học sinh chủ động và thích ứng tốt hơn. Đơn cử như việc học ngoại ngữ thật tốt đã giúp các em có 20% cơ hội tiếp cận thị trường nhân lực 
 ThS Ngô Phương Vũ chia sẻ

Còn theo ThS Ngô Phương Vũ, chuyên gia về quản lý giáo dục, chọn lựa nghề nghiệp là quá trình thực hiện trước khi vào ĐH, trong khi học ĐH và ngay cả khi ra làm việc. Chọn lựa đúng và phù hợp ngay tại lớp 12 sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho các em học sinh.

Tuy nhiên, nếu hiểu được hướng nghiệp cả đời do các nền tảng nghề nghiệp bản thân còn thay đổi, phát triển và hoàn thiện cùng với các thay đổi nghề nghiệp trong xã hội thì các em học sinh và phụ huynh không nên quá căng thẳng trong quá trình lựa chọn ngành nghề hay chọn trường.

Phụ huynh cũng là đối tượng của công tác hướng nghiệp

Phụ huynh cũng là đối tượng của công tác hướng nghiệp

Có đủ thông tin mới thống nhất chọn nghề

Trong quá trình tư vấn cho các em học sinh lớp 12 và ngay cả lên ĐH, câu hỏi làm thế nào để thuyết phục cha mẹ đồng ý theo nghề nghiệp của con em lựa chọn thường xảy ra. Đây cũng là vấn đề là nảy sinh nhiều tranh cãi.

Theo kinh nghiệm quản lý giáo dục của mình, ThS Ngô Phương Vũ khuyên phụ huynh nên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con em mình, cả hai bên cùng ngồi lại để xác định xem đấy có phải là đam mê thực sự hay không?

“Các bạn học sinh đang ở tuổi thay đổi tâm sinh lý. Do vậy, sở thích nghề nghiệp chưa chắc là đam mê thật sự. Một bạn học sinh có đam mê về nghề kỹ sư sẽ tìm hiểu thông tin, gặp các anh chị đang học ĐH, tìm mọi cách tiếp xúc với thiết bị hoặc quy trình kỹ thuật, hiểu rõ về cường độ làm việc trong nghề… Đó chính là khởi đầu của đam mê thật sự.

Trái lại, một em học sinh thích nghề tiếp viên hàng không chỉ vì thỏa mãn khả năng được đi đây đi đó, hưởng lương cao mà không đánh giá hết được các yếu tố như ngoại hình, trình độ Anh ngữ, môi trường làm việc thay đổi đột ngột về giờ giấc thì đó lại là ngộ nhận trước hào quang nghề nghiệp”- ThS Ngô Phương Vũ nhận định.

ThS Đào Trung Thành cũng cho rằng, khi mâu thuẫn về lựa chọn nghề nghiệp, cả hai bên cần nhìn tới mục đích chung. Các em học sinh cần thấu hiểu việc cha mẹ đồng ý/không đồng ý lựa chọn nghề nghiệp của mình bởi họ lo sợ rủi ro, mong muốn các em có sự nghiệp ổn định.

Tương tự, cha mẹ cũng cần chia sẻ lo lắng của các em vì những đánh đổi khi theo nghề mà mình không thích. Nhằm đảm bảo kết quả hướng nghiệp tốt, cha mẹ và các em học sinh phải thống nhất hướng tới một quy trình quản trị nghề nghiệp hiệu quả. 

Dung hòa những khác biệt từ hai phía

ThS Đào Trung Thành chia sẻ: “Không có lựa chọn nghề nghiệp nào là trọn vẹn. Các em học sinh cũng cần hiểu, nghề nghiệp do cha mẹ định hướng có thể không hoàn toàn phù hợp với sở thích, năng lực hoặc ý muốn của các em nhưng các em sẽ có thuận lợi từ nguồn lực gia đình, mối quan hệ, kinh nghiệm người đi trước.

Song song đó, cha mẹ cũng cần hiểu, nếu lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp, sau 2 hay 3 năm làm việc, có thể con em mình sẽ chán nản hoặc thất bại. Khi đó, nỗi buồn sẽ nhân đôi vì nghề nghiệp các em không đạt được cũng như ước muốn của cha mẹ không hoàn thành. Lựa chọn tốt nhất cho cả hai phía là làm sao dung hòa những khác biệt và giảm thiểu tối đa rủi ro”.

Trong trường hợp tồn tại quá nhiều khác biệt về tiêu chuẩn, yêu cầu, nguyện vọng nghề nghiệp giữa phụ huynh và học sinh thì chuyên gia đưa ra ba lựa chọn. Lựa chọn một do cha mẹ đề nghị, lựa chọn hai do các em đề nghị và lựa chọn ba do cả hai bên tán thành.

Căn cứ vào ba chọn lựa đó, cả gia đình lập ra danh sách ngành nghề tương ứng rồi áp dụng quy trình quản trị nghề nghiệp như xác định nền tảng, thu thập - chọn lọc - đánh giá thông tin, phương pháp quân bình, chọn lọc theo SWOT, để rút ra những giải pháp tốt nhất.

“Nên nhớ rằng lựa chọn nghề nghiệp hoàn toàn có thể điều chỉnh, vì vậy, phụ huynh và học sinh có quyền áp dụng phương pháp thử - sai. Những khác biệt ở giai đoạn hướng nghiệp lớp 12 vẫn khắc phục được trong quá trình học tập và cọ xát thực tế sau này. Nhưng cần lưu ý, mọi thay đổi phải được quyết định kỹ lưỡng ở thời điểm 3 - 5 năm đầu đi làm, vì giai đoạn này mang tính chất khám phá nghề nghiệp. Sau giai đoạn nói trên, cá nhân phải bước vào thời điểm ổn định và phát triển nghề nghiệp từ 10 - 20 năm, đồng nghĩa với việc không có thời gian và cơ hội để bay nhảy nữa”- ThS Ngô Phương Vũ khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.