Chấn chỉnh sai phạm trong liên kết đào tạo: Bảo đảm quyền lợi cho người học

GD&TĐ - Thực hiện kỷ cương, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý, bảo đảm quyền lợi chính đáng hợp pháp của các đối tượng liên quan… Đó là quan điểm của Bộ GD&ĐT khi tiến hành xử lý các đơn vị sai phạm trong việc thực hiện liên kết đào tạo. Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh các vấn đề xử lý sai phạm trong liên kết đào tạo.

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT
Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT

Sai phạm tương đối nghiêm trọng

- Được biết năm 2018, Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra về tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐSP, TCSP, các Viện nghiên cứu có đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có việc kiểm tra các hoạt động liên kết và đào tạo. Ông có thông tin về kết quả, tình trạng liên kết đào tạo và mức độ vi phạm?

- Việc liên kết đào tạo nhằm phát huy năng lực về đào tạo của các trường và đáp ứng nguồn nhân lực của các địa phương. Bộ GD&ĐT có quy định rất rõ: Đơn vị đào tạo phải có năng lực đào tạo thật sự, có đội ngũ giảng viên với khung chương trình giảng dạy, cùng đó là các tiêu chí về chỉ tiêu và năng lực. Bởi đây là đơn vị cấp bằng, quản lý toàn bộ về công tác chuyên môn. Còn đơn vị phối hợp sẽ cung cấp địa điểm đào tạo, công tác phục vụ, quản lý…

Để tiến hành liên kết trong đào tạo đại học, một số trường nếu chuyển tự chủ hoặc một số trường ĐH vùng thì được tự chủ trong liên kết đào tạo, được tự ký hợp đồng liên kết đào tạo theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Còn lại trường chưa tự chủ muốn liên kết đào tạo phải có quy trình được các cơ quan chức năng cấp phép như: Văn bản đề nghị UBND tỉnh - nơi tổ chức đào tạo được sự đồng ý; văn bản Bộ GD&ĐT đồng ý thì mới được tổ chức đào tạo liên kết. Những trường liên kết đào tạo không thực hiện đủ những điều kiện trên sẽ dẫn đến những sai phạm.

Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các ĐH, học viện, trường ĐH báo cáo việc liên kết đào tạo, đào tạo ngoài trụ sở chính. Đến ngày 30/11/2018 đã có 2 ĐH quốc gia, 3 ĐH vùng và 196 trường có báo cáo về hoạt động này. Qua rà soát, nhiều đơn vị thực hiện liên kết đào tạo khi chưa được cấp phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; Số trường có hoạt động liên kết đào tạo/đào tạo ngoài trụ sở chính không có/không có đủ văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền là 2 ĐH vùng, 50 trường ĐH, học viện. Qua rà soát, nhiều đơn vị thực hiện liên kết đào tạo khi chưa được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Con số sai phạm này Bộ GD&ĐT đánh giá tương đối nghiêm trọng (ở thời điểm Luật Giáo dục chưa sửa đổi).

Một số trường liên kết đào tạo với đơn vị không đúng đối tượng liên kết như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (liên kết với Trung tâm dạy nghề Hiệp Hòa - Bắc Giang), Học viện Tài chính (liên kết với Cục Tài chính), Trường ĐH Quảng Bình (liên kết với các trung tâm GDTX cấp huyện), Học viện Báo chí Tuyên truyền (liên kết với Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội, Đảng ủy khối doanh nghiệp Bắc Ninh)…

Việc liên kết đào tạo không đúng đối tượng là sai phạm bởi các đơn vị liên kết phải là cơ sở giáo dục mới có khả năng tham gia quản lý, cung ứng về mặt cơ sở vật chất mới thực hiện được công tác đào tạo…

Xử lý nghiêm minh, nhưng vẫn bảo đảm cho đơn vị phát triển

- Bộ GD&ĐT sẽ xử lý như thế nào đối với những đơn vị sai phạm sau kiểm tra, rà soát?

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH mở ra hướng tự chủ cho các đơn vị đào tạo, việc liên kết đào tạo tại những đơn vị kiểm định chất lượng rồi thì không phải xin phép nữa. Bộ GD&ĐT tăng cường quản lý về chất lượng. Đồng thời, sau kết quả thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ có những cân nhắc, đơn vị nào vi phạm dẫn tới chất lượng kém sẽ xử lý nghiêm, đơn vị đào tạo sai hoặc thiếu sót về thủ tục pháp lý nhưng phát huy chất lượng đào tạo tốt thì theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, Bộ GD&ĐT sẽ phân loại xử lý từng trường hợp. Tuy nhiên, chỗ nào liên quan đến chất lượng giáo dục sẽ xử lý thật nghiêm…

Liên quan đến việc xử lý đơn vị sai ở đâu phải chịu trách nhiệm hậu quả ở đó. Xử lý vi phạm nhằm giúp cho đơn vị nhận thức thấy vấn đề để làm tốt hơn, đặc biệt về mặt chất lượng. Xử lý đơn vị A để cho đơn vị B nhìn thấy, nâng cao tính giáo dục nếu vi phạm sẽ bị xử lý ngay. Tuyệt đối không xử lý vi phạm xong khiến đơn vị bị xử lý vi phạm điêu đứng. Như vậy, việc xử lý vi phạm sẽ cân nhắc từng trường hợp cụ thể để mang tính nghiêm minh pháp luật nhưng vẫn bảo đảm cho đơn vị phát triển.

- Các chứng nhận, văn bằng chứng chỉ từ các hoạt động đào tạo liên kết này có còn giá trị hay không? Và nên thu hồi hay không đối với những sai phạm trong đào tạo?

- Chắc chắn không thu hồi văn bằng chứng chỉ. Khi đơn vị sai phạm, xét về mặt nguyên lý pháp luật thì mọi quyết định của đơn vị không có hiệu lực ngay khi ban hành. Tuy nhiên, trong công tác xử lý thanh tra bên cạnh việc bảo đảm kỷ cương, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý… thì đồng thời phải bảo đảm quyền lợi chính đáng hợp pháp của các đối tượng liên quan. Người học không có lỗi trong việc đào tạo sai phạm của đơn vị.

Khi thanh tra chất lượng giáo dục, sẽ thanh tra sâu về chương trình đào tạo để nắm bắt: Đào tạo liên kết có phép không? Dạy những môn nào? Chương trình có trong phạm vi quản lý? Chất lượng có bảo đảm? Quán lý giáo viên giảng dạy có đúng quy định? Có dạy đủ số tiết? Bài kiểm tra có 2 người chấm độc lập không?...

Đơn vị chưa được cấp phép đào tạo nhưng vẫn dạy đúng, đủ chương trình, quy trình, quản lý được chất lượng… thì hoàn toàn được phép cấp bằng. Việc cấp bằng cho người học nếu bảo đảm chuyên môn thì đơn vị thanh tra khi kiến nghị xử phạt phải cân nhắc.

Trên thực tế, phát hiện nhiều đơn vị liên kết đào tạo sai thẩm quyền, chưa có phép nhưng quy trình và chất lượng đào tạo bảo đảm nghiêm túc và hiệu quả tốt, Bộ GD&ĐT sẽ có những phương hướng xử lý không nặng nề. Tuy nhiên quá trình thanh tra, kiểm tra khi phát hiện đơn vị đào tạo liên kết quản lý lỏng lẻo Bộ GD&ĐT sẽ chấn chỉnh ngay.

Sắp tới, Bộ sẽ có văn bản chấn chỉnh chung tất cả các trường trong việc đào tạo liên kết. Đồng thời, chấn chỉnh cụ thể đối với từng sai phạm. Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, thậm chí đề nghị các địa phương phải tăng cường quản lý bởi đến nay, 63/63 tỉnh đều có lớp liên đào tạo nhưng công tác quản lý đào tạo tại địa phương còn lỏng lẻo, thậm chí có nơi buông lỏng.

- Theo ông, những sai phạm trong liên kết đào tạo hiện nay có bắt nguồn từ mức xử phạt quá nhẹ, chưa đủ tính ngăn ngừa, có trường hợp biểu hiện “nhờn” luật? Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh nào đối với việc xử phạt?

- Có những quy định xử lý tái phạm trong Nghị định 138 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục), từ xử phạt hành chính đến cao hơn dừng tuyển sinh, dừng đào tạo… Mặt khác, mức xử phạt tiền được Bộ thực hiện theo quy định, phạt tiền không chỉ trong sai phạm liên kết đào tạo mà nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hiện nay mức độ phạt tiền vẫn thấp. Bộ đang sửa Nghị định 138 theo hướng tăng mức phạt tiền lên. Riêng đối với công tác liên kết đào tạo thì ngoài xử phạt hành chính sẽ có giá trị rất cao theo quy định hiện nay nếu đơn vị nào bị xử phạt hành chính trong 3 năm tiếp sẽ không được mở ngành và sẽ không được liên kết đào tạo. Đó là chế tài rất nặng đối với các đơn vị vi phạm buộc các đơn vị phải tự điều chỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ