Hướng đi mới trong công tác giảm nghèo ở xã biên giới Trọng Hóa

GD&TĐ - Từ năm 2022 đến nay, đã có 15 lao động xuất cảnh, 10 lao động đang học tiếng để xuất khẩu lao động, đây là con số ấn tượng ở xã biên giới Trọng Hóa.

Mẹ của em Hồ Thị Luận chia sẻ về điều kiện làm việc và thu nhập của con khi đi xuất xuất khẩu lao động.
Mẹ của em Hồ Thị Luận chia sẻ về điều kiện làm việc và thu nhập của con khi đi xuất xuất khẩu lao động.

Cùng với những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho bà con các dân tộc trên địa bàn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã biên giới Trọng Hóa huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình xem xuất khẩu lao động là hướng đi mới trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, đã có 15 lao động xuất cảnh, 10 lao động đang học tiếng để đi xuất khẩu lao động, đây là con số khá ấn tượng, cho thấy những nỗ lực của xã biên giới Trọng Hóa trong công tác thúc đẩy xuất khẩu lao động.

Nguồn thu từ xuất khẩu lao động

Tháng 7/2022, em Hồ Thị Luận ở bản La Trọng là một trong những lao động đầu tiên của xã Trọng Hóa sang Đài Loan làm việc theo hợp đồng. Trải qua thời gian ngắn bỡ ngỡ nơi xứ người, em đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với điều kiện làm việc, sinh hoạt mới. Em làm công việc lắp ráp linh kiện tại một nhà máy với mức thu nhập bình quân trong những tháng đầu là 28 - 30 triệu đồng/tháng.

Em thường xuyên liên lạc về với gia đình, kể tình hình công việc và sức khỏe để bố mẹ yên tâm, em Luận chia sẻ: “Công việc tại Đài Loan đòi hỏi tính kỷ luật cao, phải tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian nhưng lại có nguồn thu nhập tốt và cũng tạo cho em nhiều cơ hội để mở mang kiến thức, kỹ năng. Với thời hạn 3 năm làm việc, em sẽ cố gắng tiết kiệm một khoản vốn để bắt tay vào thực hiện những dự định mà bản thân ấp ủ khi về nước”.

Bố của em Luận là anh Hồ Xuân, hiện đang là Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Trọng Hóa cho biết: anh là người Bru Vân Kiều đầu tiên của xã Trọng Hóa cho con tham gia xuất khẩu lao động. Dù kinh tế khó khăn, nhưng anh vẫn mạnh dạn vay Ngân hàng chính sách xã hội 150 triệu đồng để động viên con đi.

Hiện con gái anh có công việc ổn định, mỗi tháng gửi về cho gia đình từ 18 – 20 triệu, số tiền này anh dùng trả dần cho ngân hàng và tiết kiệm cho con. Hiện đứa con trai thứ hai của anh cũng có nguyện vọng đi Đài Loan để qua làm cùng chị gái, gia đình sẽ quyết tâm dành dụm tiền để năm 2023 này cho con đi xuất khẩu lao động.

Cách nhà anh Hồ Xuân không xa, cũng tại bản La Trọng gia đình chị Hồ Thị Tha có con trai là Hồ Kha đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Chị Tha cho biết: con trai chị sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về và lập gia đình, ở nhà chỉ quanh quẩn trên nương, trên rẫy, thu nhập không đủ lo cho vợ con, nên gia đình đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng để con đi xuất khẩu lao động. Con trai chị bay sang Nhật Bản vào tháng 11/2022, hiện làm công việc xây dựng với thu nhập 25 triệu đồng/tháng.

Sau hơn 3 tháng làm việc, Hồ Kha không chỉ chăm lo tốt cho bản thân mà còn tiết kiệm gửi về cho gia đình từ 10 đến 15 triệu đồng để hoàn trả một phần vốn vay. Gia đình cũng đang có con trai thứ 2 đang học tiếng được 2 tháng để đi làm việc tại Nhật Bản.

Cách làm của Trọng Hóa

Chị Hồ Thị Thanh, phó chủ tịch Hội LHPN xã Trọng Hóa chia sẻ: Năm 2017 xã Trọng Hóa bắt đầu tiếp cận với các công ty tư vấn xuất khẩu lao động để tuyên truyền cho bà con về vấn đề này. Đã có nhiều buổi hội nghị, phát hàng trăm tờ rơi, chị cùng với nhân viên công ty đến từng nhà để vận động, nhưng đều nhận được cái lắc đầu và nhiều câu hỏi chất vấn. Khó khăn nhất là nguồn kinh phí, thứ nữa là bà con chưa bao giờ nghĩ đến sẽ cho con cái đi làm ăn ở nước ngoài, sợ mất con.

Chị Thanh nói, có gia đình còn bảo sao cán bộ xã không cho con đi mà lại đến vận động gia đình họ. Bẵng đi một thời gian dài, công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động ở xã Trọng Hóa bị chùng xuống, mãi đến năm 2019 khi dịch Covid -19 bùng phát, nhiều con em của xã đi làm ăn ở Sài Gòn, Bình Dương, Bắc Ninh bị thất nghiệp trở về, công tác xuất khẩu lao động được xã khởi động mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Xã chọn những công ty cung ứng nhân lực uy tín về tuyển lao động tại địa bàn. Cam kết những chính sách phù hợp để hỗ trợ tối đa cho lao động khi tham gia xuất cảnh. Ngoài ra, cán bộ xã là những người tiên phong vận động con cháu trong gia đình đi xuất khẩu lao động.

Sau con gái của Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã thành công sang Đài Loan, năm 2022 chị Hồ Thị Thanh đã tiễn chân con gái mình sang Nhật Bản làm việc. Tiếp đó là con gái của anh Hồ Phin, Chủ tịch xã Trọng Hóa cũng thành công sang Nhật Bản với mức thu nhập ổn định mỗi tháng từ 25 -30 triệu đồng. Hiện con gái của chị Hồ Thị Thoi, Bí thư đảng ủy xã Trọng Hóa cũng vừa thi đậu đơn hàng đi lao động tại Nhật Bản.

Sau khi thấy được nhiều lao động sang làm việc tại nước ngoài, các gia đình ở xã Trọng Hóa bắt đầu tìm đến cán bộ xã để được tư vấn, hỗ trợ cho con em mình tham gia xuất khẩu lao động. Đến nay toàn xã có 09 lao động đang làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản, có 06 lao động đang đi học tiếng. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên vào những năm tới.

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa chia sẻ: tất cả lao động đủ điều kiện đều được hỗ trợ tối đa về mặt hồ sơ, thủ tục. UBND xã tích cực theo dõi nắm bắt thông tin, tâm tư của con em địa phương đang làm việc ở nước ngoài. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều lao động có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, nhưng với chi phí từ 100 – 200 triệu đồng thì gia đình không thể lo được, hơn nữa ngân hàng chỉ hỗ trợ cho vay đi xuất khẩu lao động được 1 người trong một gia đình nên nhiều lao động đành đánh mất cơ hội của mình. Do đó rất mong các cấp các ngành nghiên cứu, hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc thiểu số về chương trình xuất khẩu lao động.

Với một xã đồng bào dân tộc thiểu số, đất sản xuất rất ít, lao động thiếu trình độ, tay nghề nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã Trọng Hóa xác định xuất khẩu lao động là một hướng đi phù hợp. Với những nỗ lực không ngừng, xã Trọng Hóa đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác xuất khẩu lao động. Kết quả đó không chỉ góp phần tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, mà còn góp phần thay đổi tư duy, nếp nghĩ của nhiều lao động trẻ tuổi tại địa phương.

“Năm 2023, toàn huyện có hơn 250 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (kế hoạch 150 - 200 lao động), đây là con số lớn nhất trong 3 năm trở lại đây. Có được kết quả này, ngay từ đầu năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho từng xã, thị trấn.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng người dân, người lao động hiểu rõ xuất khẩu lao động là một trong những hướng đi phù hợp giúp họ có thu nhập cao.. Hiện nay phong trào đi lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… tại huyện Minh Hóa đang rất phát triển. Huyện cũng phối hợp với các đơn vị cung ứng nhân lực và Ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em đi xuất khẩu lao động, do đó rất kỳ vọng số lượng người đi lao động ở nước ngoài trong năm nay sẽ vượt chỉ tiêu”, ông Hoàng Thanh Bình – Phó trưởng phòng LĐTB&XH huyện Minh Hóa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ