Phú Lương – Thái Nguyên: Nhiều điểm sáng trong bức tranh xây dựng nông thôn mới

GD&TĐ - Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc thi đua phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng đồng. Đến nay, bộ mặt NTM huyện Phú Lương đã có nhiều khởi sắc tạo sức bật cho phát triển kinh tế xã hội.

Bộ mặt nông thôn mới huyện Phú Lương có nhiều khởi sắc tạo sức bật cho phát triển kinh tế xã hội
Bộ mặt nông thôn mới huyện Phú Lương có nhiều khởi sắc tạo sức bật cho phát triển kinh tế xã hội

“Thay da đổi thịt” nhờ xây dựng NTM

Ngay từ khi bắt đầu triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, dài hạn, có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc; giai đoạn sau nâng cao, tiến bộ hơn giai đoạn trước để nông thôn không ngừng phát triển, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.

Về xã Tức Tranh, đi trên con đường liên xã vừa được trải nhựa, những tuyến đường liên xóm được bê tông hóa, cảm nhận rõ được sự “thay da đổi thịt” nhờ chương trình xây dựng NTM. Ông Vũ Văn Sinh, Bí thư chi bộ xóm Gốc gạo, xã Tức Tranh cho biết: Hiện nay, xóm Gốc Gạo có 95 hộ dân, trong đó 100% người dân sinh sống bằng nghề trồng và chế biến chè, đã có 15 ha chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Có thể nói, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đem lại nhiều kết quả nổi bật đối với địa phương, trong đó kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển nhanh, nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa, xã hội tạo ra diện mạo mới.

Nhà văn hóa xóm Thác Dài, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương
Nhà văn hóa xóm Thác Dài, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương

Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực, chú trọng đầu tư cho nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh; Vệ sinh môi trường cải thiện, phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được toàn thể nhân dân hưởng ứng, tạo sức lan tỏa. Với những đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, xóm Gốc gạo đã cán đích và được công nhận là “Xóm nông thôn mới kiểu mẫu” năm 2018.

Điểm sáng trong bức tranh nông thôn

Bức tranh xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Lương đang trên đà khởi sắc khi hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn cơ bản kết nối toàn huyện, đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và duy trì ổn định. Đến nay, huyện Phú Lương hiện có 11/13 xã được công nhận nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân đạt: 18,3% tiêu chí/xã. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 1,9%.

Đặc biệt, qua triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, UBND huyện Phú Lương chỉ đạo các ngành chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, vận động  hộ sản xuất, doanh nghiệp và Hợp tác xã (HTX) tích cực tham gia sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của địa phương.

Hàng năm đều tổ chức triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia OCOP đúng quy định. Đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP được công nhân 3 sao (trong đó có 07 sản phẩm đạt OCOP 3, 04 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao) như: sản phẩm trà tôm nõn, trà túi lọc, trà xanh, mật ong rừng Phú Lương, gạo nếp vải Ôn Lương, Bánh chưng truyền thống Bờ Đậu…

Chế biến chè tại HTX sản xuất trà An Thái
Chế biến chè tại HTX sản xuất trà An Thái

Bà Đồng Thị Thương, Giám đốc HTX sản xuất trà An Thái, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương chia sẻ: Từ khi UBND huyện triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tới người dân, chúng tôi đã được tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy chất lượng và quảng bá các sản phẩm đặc thù của địa phương đến người tiêu dùng, sản phẩm trà của HTX đã được đánh giá và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao.

Qua đó, giúp cho nhân dân từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của mình, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết, hợp tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu lớn, sạch, đáp ứng nhu cầu chế biến và cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong trồng và chế biến sản phẩm chè
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong trồng và chế biến sản phẩm chè

Đồng thời, huyện Phú Lương còn thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu hàng hóa nông sản của địa phương, củng cố và không ngừng phát triển nâng cao chất lượng, các sản phẩm về chè, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX thường xuyên thực hiện cải tiến bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp và người sản xuất.

Linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện Phú Lương đã linh hoạt thích ứng vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, xã hội. Một trong những hiệu quả rõ nét có thể thấy là linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Cụ thể, huyện Phú lương đã tập trung lãnh chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử và đạt được một số kết quả nổi bật. Mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của huyện ở mức khá so với các huyện/thành phố, thị xã trong tỉnh; tỷ lệ UBND cấp xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%.

Đặc biệt việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong xây dựng NTM đã và đang góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 99,53%. Người dân chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.

Huyện Phú Lương đã cấp trên 100 sản phẩm có mã QR để truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhiều doanh nghiệp, trang trại, HTX cài đặt phần mềm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm cho người lao động và đưa sản phẩm nông sản ngày càng vươn xa; điển hình như Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Khe Cốc, HTX chè an toàn Hoan Xuyến, HTX nếp vải Ôn Lương, HTX Bánh chưng truyền thống Bờ Đậu đã giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò,  Postmart, Lazada, Shope góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã tạo ra nhận thức mới trong quảng bá giới thiệu sản phẩm của người nông dân trên địa bàn huyện Phú Lương từ việc trông chờ đầu ra, nay người dân đã từng bước chủ động giới thiệu sản phẩm, tạo đầu ra,  chịu trách nhiệm và gây dựng uy tín cho chính sản phẩm của mình.

Huyện Phú Lương hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững
Huyện Phú Lương hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững

Trong thời gian tới, một trong những mục tiêu trọng tâm được huyện Phú Lương hướng đến là tiếp tục triển khai thi đua “Phát triển sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững” gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển dịch vụ, hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ gắn sản xuất với thị trường; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của nông dân khu vực nông thôn 2025 đạt 60 triệu đồng/người/năm; Thi đua ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP chất lượng của huyện trên các sàn thương mại điện tử….

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương khẳng định: Những điểm sáng trong bức tranh NTM của huyện Phú Lương là minh chứng cho sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, là hình ảnh những người nông dân với vai trò chủ thể tích cực đóng góp những mô hình kinh tế với cách làm hay, sáng tạo để thúc đẩy quá trình triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, những thành quả xây dựng NTM huyện Phú Lương đã và đang đạt được chính là động lực, bước đệm quan trọng để địa phương tiếp tục vươn lên đạt những thành quả cao hơn trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ