Hướng đi cho trường ĐH địa phương

GD&TĐ - Mới đây, thông tin Trường ĐH An Giang chính thức trở thành thành viên của ĐHQG TPHCM khiến không chỉ đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên trường vui mừng mà những ai quan tâm đến giáo dục cũng vui theo. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bởi lẽ, trường ĐH địa phương này suốt một thời gian dài ngập tràn trong khó khăn, nguồn thu chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động, phần còn lại ngân sách tỉnh phải bù, mà bù mãi tỉnh cũng không chịu xuể, nên đã đề xuất chuyển giao về Bộ GD&ĐT, rồi ĐHQG TPHCM. Sau bao nhiêu năm long đong tìm giải pháp cho sự tồn tại, trường ĐH tỉnh được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất xem như hoành tráng nhất nhì cả nước này đã có kết thúc có hậu.

Tuy nhiên không nhiều trường ĐH địa phương được may mắn sáp nhập về một thương hiệu đại học lớn và có cơ hội phát triển tiếp như Trường ĐH An Giang. Cả nước hiện có khoảng 30 trường ĐH địa phương. Thực tế hiện nay, số trường ĐH địa phương gặp khó khăn không phải ít. Dù luôn có những chính sách mở để thu hút thí sinh như: Lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT, có nơi còn được hưởng chính sách đặc thù 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), lấy “điểm sàn” thấp, sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển nhưng câu chuyện tuyển sinh của các trường vẫn không mấy khả quan.

Trong mùa tuyển sinh 2019 vừa qua, lại một lần nữa các trường ĐH địa phương bộc lộ những khó khăn khi có nhiều ngành tuyển không ra thí sinh, dù “điểm sàn” công bố ban đầu rất thấp. Ở phía Bắc, Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, kết thúc quá trình xem xét lọc ảo trong tuyển sinh đợt 1, chỉ có 96 thí sinh lọt vào danh sách trúng tuyển của trường với mức điểm chuẩn là 13 điểm. Năm ngoái, trường chỉ tuyển được khoảng hơn 20% so với chỉ tiêu.

Ở phía Nam, Trường ĐH Bạc Liêu cũng nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu. Cá biệt có năm, những ngành như Bảo vệ thực vật và Chăn nuôi không có thí sinh nào trúng tuyển. Mới đây nhất, trong mùa tuyển sinh 2019, ngành Sư phạm Vật lý Trường ĐH Đồng Nai chỉ có 3 thí sinh trúng tuyển. Trường này buộc phải lấy điểm 24,7 để các em này trúng tuyển nguyện vọng khác. Bởi vì để mở lớp, đào tạo chỉ cho mỗi 3 sinh viên thì vướng bài toán chi phí!

Phát triển ĐH trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay cần rất nhiều nguồn đầu tư, từ cơ sở vật chất, nhân sự đến giáo trình đào tạo. Việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu dẫn đến nguồn thu không có, ngân sách các địa phương cũng khó “ôm” nổi, các trường ĐH địa phương không thể tránh khỏi câu chuyện “sống mòn”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có khá nhiều: Như việc trước đây nâng cấp, thành lập trường ĐH địa phương khá dễ dàng; Xu hướng toàn cầu hóa phá vỡ các ngành truyền thống; Bản thân trường ĐH địa phương chưa “định vị” được vị trí của mình, đa phần “bươn” theo các trường ĐH khác; ai có gì mình ráng có nấy, chưa tạo sự khác biệt; học sinh tốt nghiệp phổ thông ở địa phương có nhiều sự lựa chọn hướng nghiệp…

Vậy làm thế nào để trường ĐH địa phương thoát khỏi tình trạng èo uột này? Mong chờ được sáp nhập như Trường ĐH An Giang vào ĐHQG TPHCM không phải dễ, vì ở đời ôm “nợ” ít ai ham. Lối mở cho trường ĐH địa phương, có lẽ vẫn là trên tinh thần tự chủ.

Trong bức tranh xám màu của các trường ĐH địa phương, vẫn còn sáng những mô hình như Trường ĐH Trà Vinh - trường ĐH địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng cho thực hiện thí điểm mô hình tự chủ! Trên tinh thần tự chủ, tiếp cận thị trường nằm ngay trong lòng chính cộng đồng, gắn với nhu cầu, bản sắc của cộng đồng có thể là hướng đi khả quan cho các trường ĐH địa phương hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ