Gỡ “nút thắt” để phát triển kinh tế miền Trung

GD&TĐ - Sáng nay, (20/8), tại Bình Định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội nghị

Dự Hội nghị, có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận cùng hơn 700 đại biểu là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học… trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển vùng kinh tế miền Trung không chỉ là việc riêng của 14 địa phương trong vùng mà của các nước. “Vùng miền Trung có vị trí địa kinh tế chính trị chiến lược vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Tầm quan trọng của miền Trung với Việt Nam có thể ví như vai trò của cột sống đối với cơ thể người. Người dân cũng hay nói dễ nhớ là miền Trung như “chiếc đòn gánh”, nếu hai đầu quá nặng, đòn gánh yếu thì sẽ gãy. Vị thế của miền Trung không chỉ là kinh tế mà là cả quốc phòng, an ninh đối với đất nước” – Thủ tướng phân tích.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành cần thẳng thắn chỉ ra “nút thắt” từ bộ ngành mình, các địa phương và chuyên gia cần chỉ ra những nút thắt và đề xuất những giải pháp phát triển. “Hội nghị lần này phải đưa ra được những phương thức, giải pháp, ý tưởng, những đề xuất cụ thể để Thủ tướng có thể ban hành một chỉ thị về phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội miền Trung” – Thủ tướng kỳ vọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý một số vấn đề thảo luận thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trên cả 3 khía cạnh: Thể chế chính sách động lực; ngành động lực; nhân tố động lực. Theo Thủ tướng, về du lịch, miền Trung có thế mạnh so với các vùng như bãi biển, di sản nhưng doanh thu chưa được 2% cả nước. Về dân số, 14 tỉnh thành miền Trung không chỉ có trên 20 triệu người đang sinh sống trong khu vực mà còn là những người con của quê hương miền Trung đang sinh sống, làm việc ở khắp trong và ngoài nước, trong đó có rất nhiều nhân tài trong các lĩnh vực. Vấn đề là làm sao để những người con miền Trung giàu và giỏi đóng góp cho quê hương, thu hút được người giỏi, người tài, người giàu đến miền Trung sinh sống, làm việc?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt vấn đề: Kinh tế biển chắc chắn phải là một ngành có thế mạnh vượt trội của các tỉnh miền Trung. Cùng với biển bạc, các tỉnh miền Trung còn có kho vàng lớn là rừng. Vấn đề là “rừng vàng biển bạc” của chúng ta sẽ được phát triển như thế nào trong giai đoạn tới?...  

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, phần lớn các dự án đầu tư vào miền Trung thì phần về nhu cầu nhân lực còn chưa được rõ nét, các địa phương cũng chưa chú trọng đến quy hoạch nhu cầu nguồn nhân lực trong 5 – 10 năm để các cơ sở đào tạo chủ động trong tuyển sinh và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Về phía Bộ GD&ĐT, đã chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục đại học chú chủ động hợp tác với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong hợp tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, khu vực miền Trung hiện có khoảng 42 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có nhiều trường đại học tư thục, tuy nhiên, vẫn có sự mâu thuẫn trong việc đào tạo và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, trong quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các trường ĐH, Bộ GD&ĐT chủ trương sẽ đầu tư mạnh cho 2 đại học vùng là ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng, rà soát lại một số trường ĐH địa phương và các phân hiệu của các trường ĐH lớn theo hướng cơ cấu lại các ngành nghề đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu nhân lực của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ