Hướng dẫn trẻ kiến thức an toàn ở môi trường nước

GD&TĐ - Dù đã được cảnh báo rất nhiều, song, chỉ trong khoảng 1 tháng hè trở lại đây, liên tiếp các vụ đuối nước đã xảy ra mà phần lớn nạn nhân là trẻ nhỏ.

Một bệnh nhi đuối nước được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: BVCC)
Một bệnh nhi đuối nước được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: BVCC)

Ngày 3/7, thông tin từ UBND thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vừa có 1 học sinh lớp 3 đuối nước tử vong thương tâm.

Nạn nhân là em T. (9 tuổi, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học số 3 Phong Nha).

Khoảng 15 giờ 30 ngày 2/7, nhóm gồm 3 học sinh rủ nhau ra đoạn sông Hà Vàng (sông Son, thuộc địa bàn TDP Xuân Sơn, thị trấn Phong Nha) để tắm. Trong lúc tắm, em T. không may bị nước cuốn trôi mất tích.

Phát hiện sự việc, 2 học sinh còn lại đã nhờ sự giúp đỡ của người lớn đến hiện trường tìm kiếm.

Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể em T.

Trước đó, ngày 2/7, một lãnh đạo UBND xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu nhỏ tử vong.

Cũng trong ngày 2/7, tại Nghệ An ghi nhận trường hợp em Nguyễn Văn H. (17 tuổi, trú tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) bị đuối nước khi cùng gia đình đi tắm ở khu vực bãi sông Giăng.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị.

Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.

Theo TS.BS Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, muốn tránh, giảm được tình trạng chết do đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với việc học bơi, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ.

Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước. Đồng thời, nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, bơi. Hoặc, giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.

Khi trẻ có kỹ năng sống và ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo của cha mẹ cũng vơi bớt đi phần nào.

Hơn thế nữa, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: Cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.

Để phòng chống đuối nước với trẻ em, chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần rà soát những khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ. Từ đó, chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ