Giải nhanh chính là chìa khóa để học sinh có được điểm cao ở môn trắc nghiệm nói chung. Với các bài thi nặng về lí thuyết như Lịch sử thì sẽ yêu cầu ghi nhớ nhiều hơn, học sinh nên chú trọng thêm phần liên hệ vì đó là xu hướng học cũng như ra đề của Bộ GD&ĐT.
Đó là những lưu ý của thầy Nguyễn Thế Trung - giáo viên Trường THPT Trần Văn Bảy (Sóc Trăng) - với học sinh khi làm bài thi Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Những lưu ý không thể bỏ qua
Khi làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử, thầy Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh một số vấn đề học sinh cần lưu ý như sau:
Khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm, phải đọc kỹ mục “thí sinh lưu ý” và làm đúng theo hướng dẫn để tránh những nhầm lẫn hoặc thiếu sót đáng tiếc.
Đọc lướt qua một lần tất cả các câu hỏi. Câu dễ, dạng câu quen thuộc hoặc câu nắm vững kiến thức chọn làm trước.
Đọc lại lần thứ hai và trả lời những câu khó hơn.
Đừng dừng lại suy nghĩ quá lâu ở một câu nào đó, chỉ nên dành cho nó khoảng 60 giây (làm 40 câu trong 50 phút, mỗi câu có thời gian tối đa 75 giây). Nếu thấy khó, hãy lập tức chuyển sang câu tiếp theo, lần lượt làm đến hết, sau đó mới quay lại vì còn thời gian. Đừng để tình trạng vướng vào câu khó mình không biết mà bỏ qua cơ hội giành điểm ở những câu khác có thể trả lời được tốt ở phía sau (vì các câu trong trắc nghiệm điểm như nhau, không kể dễ hay khó).
Nắm vững thời gian làm bài. Nếu thời gian cho phép, hãy soát lại bài làm lần nữa, vì có thể có những câu bị bỏ sót.
Nếu câu nào còn đang phân vân đáp án đúng thì ta loại bỏ các phương án sai trước, sau đó cân nhắc các phương án còn lại, như vậy việc lựa chọn sẽ nhanh hơn và xác suất trả lời đúng sẽ cao hơn.
Tuyệt đối không bỏ một câu nào, kể cả câu không thể trả lời được cũng nên chọn một trong các phương án đã cho. Nếu may mắn học sinh có thể trả lời đúng, còn nếu sai cũng không sao vì không bị trừ điểm.
Các “từ khóa” cần ghi nhớ
Khi làm bài thi trắc nghiệm Lịch sử, thầy Nguyễn Thế Trung đưa ra các từ khóa sau đây:
Bao quát: Cả khi học sinh nghĩ rằng đã biết câu trả lời, cũng cần đọc hết tất cả các lựa chọn trước khi quyết định.
Tập trung: Đọc kỹ câu hỏi, gạch chân hay đánh dấu những từ quan trọng (từ khóa của câu hỏi) giúp học sinh tập trung vào câu trả lời.
Loại trừ: Loại bỏ tất cả những câu trả lời mà học sinh biết là không chính xác. Điều này sẽ giúp thu hẹp được phạm vi lựa chọn và chỉ tập trung vào những câu có nhiều khả năng hơn.
Đối lập: Thử tìm những lựa chọn trái ngược nhau. Thường thì 1 trong 2 lựa chọn này là câu trả lời chính xác.
Đầu tiên: Lựa chọn đầu tiên của học sinh thường là đáp án đúng. Đừng thay đổi quyết định nếu như không chắc chắn về một lựa chọn khác.
Quen thuộc: Tìm những câu trả lời có sử dụng ngôn ngữ mà học sinh đã học ở lớp hay nghiên cứu trong các tài liệu.