Huồi Máy: Giữ con chữ ở xứ “vàng rơi”

GD&TĐ - Có một nơi cho đến tận bây giờ điện, đường, chợ, sóng điện thoại vẫn chưa thể vào được, nhưng con chữ thì đã băng suối, vượt rừng tìm vào từ mấy chục năm trước. Đó là điểm trường Huồi Máy, Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, Quế Phong, Nghệ An. Năm học này, niềm vui khôn xiết khi thầy trò đã được dạy – học trong những căn phòng kiên cố thay cho lớp học dựng bằng tranh tre tạm bợ.

Huồi Máy: Giữ con chữ ở xứ “vàng rơi”

Dù còn bao trăn trở, nhưng cứ có thầy, có những yêu thương tận tụy là sẽ có trò, có lớp học và nhiều thêm con chữ ở lại bản làng.

Niềm vui mới ở Huồi Máy

Nhận điện thoại thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thế Cầm thông báo: “Huồi Máy giờ khác lắm rồi, không còn phòng học tạm nữa”, lòng tôi cũng như reo lên. Sau nhiều năm thầy trò dạy và học trong phòng lán tạm, mưa dột, năm 2016, UBND huyện Quế Phong đã đầu tư 3 phòng ghép bằng tôn trị giá 400 triệu đồng. Trong đó có 2 phòng học cho học sinh và 1 phòng kí túc cho các thầy giáo. Công trình mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào cuối học kỳ II năm học 2016 - 2017 vừa qua.

Cách đây gần 3 năm, tôi đã có dịp vào Huồi Máy - cái địa danh mà nhắc đến tên, chính người dân bản địa tại xã Cắm Muộn, huyện biên giới Quế Phong cũng lắc đầu: Xa lắm!

Nơi đó, mà chỉ cụm dân cư kỳ lạ nằm lọt giữa xứ “vàng rơi”, tít thượng nguồn con suối Na Quẹ - thường ngày vẫn đỏ quạch và nham nhở bởi nạn đào đãi vàng, thuộc bản Cắm Cọc. Có khoảng hơn 40 hộ dân người Khơ Mú với gần 200 nhân khẩu. Để vào đây, chỉ có 5km đường dốc núi cheo leo, mà những tay lái “cứng” mới có thể đi nổi, còn lại hơn 15km đường rừng, men theo triền dốc, lội qua gần 20 quãng suối…

Nhưng dù xa đến mấy, khó đến mấy, không điện, không đường xe máy, không chợ, trạm y tế, không sóng điện thoại, thì bước chân thầy cô giáo vẫn tìm được đến đây, từ hàng chục năm trước.

Tôi đã thấy thật là kỳ diệu, giữa những mái nhà tranh xơ xác trong mưa rừng, tấm liếp, tấm gỗ ghép tạm bợ gió lùa rét mướt, vẫn có một điểm trường, vẫn có thầy giáo, vẫn có những đứa trẻ đến lớp, vẫn vang lên tiếng đánh vần, đếm số. Tôi đã thấy ngỡ ngàng, rồi không sao cầm lòng được khi đứng trong lớp học ghép, và ở một góc bảng có ghi dòng chữ: Sĩ số 1, vắng 0.

Để khi trở về, viết những dòng chữ về thầy giáo Lô Văn Lan, thầy giáo Lô Văn Thanh cắm bản hàng chục năm, vẫn đau đáu về cái tên điểm trường Huồi Máy xa xôi ấy. Về lời tâm sự học sinh không thể đi xa đến trường, thì thầy phải vào tận nơi, duy trì cái điểm lẻ chỉ hơn chục học sinh, để không đánh rơi cái chữ.

Cuối cùng, thì mơ ước về ngôi trường kiên cố, chắc chắn hơn đã thành hiện thực! Đầu năm học mới 2017 - 2018, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 đã cùng vượt rừng vào Huồi Máy để dọn dẹp, vệ sinh, xây dựng tường rào, cảnh quanh cho điểm trường xa xôi này.

Duy trì con chữ bản xa

Trở lại Huồi Máy, vẫn con đường dốc đá từ ngọn núi này đến ngọn núi khác, lội bộ gần nửa ngày qua bao nhiêu quãng suối. Xứ “vàng rơi” - thánh địa của vàng sa khoáng, con khe Quẹ nước đỏ ngầu mà dân bản vẫn quay quắt mùa giáp hạt chưa thể đổi đời… Chỉ có những cây ổi bên đường là xanh tốt và ra quả chín thơm. Tôi nhớ lời thầy giáo Lô Văn Lan - người có thâm niên cắm bản Huồi Máy lâu nhất: “Trong này thiếu gạo, nhưng lại rất nhiều ổi. Những cây ổi dại mọc trong rừng, nhiều đứa trẻ bụng đói đến lớp, ăn ổi thay cơm...”.

Năm học này, thầy Lan do tuổi cao nên được rút về điểm trường chính. Thầy giáo Lô Văn Tường vào thay, cùng thầy giáo Lô Văn Thanh tiếp tục sự nghiệp bám bản, bám lớp, bám trò. Điểm trường Huồi Máy có 13 học sinh được chia làm 2 lớp ghép, lớp 1 - 2 - 3 học một phòng, lớp 4 - 5 học chung 1 phòng.

Nhìn thấy được sự đổi thay, sáng sủa của điểm trường mới xây dựng, các em học sinh và bà con dân bản cũng vui mừng, háo hức hơn. Chỉ lo nhất vẫn là đời sống của bà con Huồi Máy nhiều năm qua vẫn chưa thay đổi là bao, chủ yếu tự túc, tự cấp, dựa vào vạt rẫy trên rừng. Những đứa trẻ vì thế mà ít được quan tâm đến sự học, vẫn chủ yếu phó mặc cho thầy.

Những câu chuyện trăn trở về Huồi Máy, các thầy giáo cắm bản vẫn chỉ nghĩ đến học trò trước nhất, mà không nghĩ gì cho mình. Trong khi đó, Huồi Máy là điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của huyện miền núi cao Quế Phong. Nhưng về hành chính, bản Cắm Cọc, xã Cắm Muộn không phải vùng biên giới, cũng thuộc khu vực được hưởng phụ cấp đặc biệt. Vì vậy, các thầy giáo cắm bản ở Huồi Máy ngoài lương và phụ cấp đứng lớp thì không được hưởng chế độ ưu đãi nào khác. “Các em học sinh khó khăn đã đành, nhưng chính các thầy cắm bản ở Huồi Máy cũng rất thiệt thòi, vất vả. Nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ thì chẳng ai có thể ai trụ lại Huồi Máy. Ban giám hiệu nhà trường cũng hết sức động viên, và giúp đỡ hết sức có thể để các thầy được tiếp thêm sức, giữ con chữ ở bản xa đó”, thầy Nguyễn Thế Cầm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong nói.

“Cũng có nhiều đoàn từ thiện đem quà tặng cho Huồi Máy, nhưng đường xa, vất vả quá, quà đành phải gửi lại điểm trường chính, nhờ thầy cô gùi vào dần. Những năm qua, vấn đề xây dựng trường lớp kiên cố cho điểm trường Huồi Máy cũng đã được đề cập đến, nhưng không thể nào chở nguyên vật liệu từ ngoài xã vào trong này vì không có đường. Thế nên, đối với thầy trò chúng tôi, có được những phòng học lắp ghép chắc chắn như thế này, đã là kỳ tích rồi”, thầy Lô Văn Thanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ