Huyện vùng cao Quế Phong vào năm học mới

Huyện vùng cao Quế Phong vào năm học mới

(GD&TĐ) - Có động lực mới từ sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy, các trường phổ thông đã sẵn sàng cho buổi học đầu tiên của năm học 2013 - 2014, song vẫn còn không ít khó khăn, nhất là các xã vùng sâu.

Trường THPT Quế Phong đã sẵn sàng cho buổi học đầu tiên vào ngày 19/8
Trường THPT Quế Phong đã sẵn sàng cho buổi học đầu tiên vào ngày 19/8

Động lực từ Thường trực Huyện ủy

Chúng tôi có mặt tại huyện vùng cao Quế Phong vào ngày giữa tháng Tám. Cả Bí thư và Phó Bí thư Thường trực đều đang dẫn đầu hai đoàn đi kiểm tra tình hình chuẩn bị cho năm học mới của tất cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quế Phong cũng đang tham gia đoàn kiểm tra của Bí thư Huyện ủy. Làm việc với chúng tôi, ông Hồ Mậu Sự - Phó Trưởng phòng - cho biết: Năm nay, trước khi bước vào năm học mới, ngoài việc làm việc với lãnh đạo Phòng, Thường trực Huyện ủy đã quyết định đi kiểm ta sự chuẩn bị của tất cả 14 xã, thị trấn trong huyện.

Cách đây một tuần, Bí thư Huyện uỷ đã đi kiểm tra tại Thông Thụ, Đồng Văn, Hạnh Dịch. Hôm nay và mai, Bí thư và Phó Bí thư đang dẫn đầu hai đoàn đi kiểm tra 11 xã, thị trấn còn lại. Mục đích của Thường trực Huyện ủy không chỉ kiểm tra nắm tình hình sự vào cuộc đối với giáo dục của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn mà quan trọng hơn là trực tiếp tìm cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở, nhất là những nơi còn nhiều khó khăn.

Ông Hồ Mậu Sự phấn chấn nói: “Đang đi kiểm tra nên kết quả cụ thể chưa biết thế nào. Nhưng trước động tác này của Thường trực Huyện ủy, không chỉ có cấp ủy, chính quyền cơ sở mà ngay các nhà trường và bản thân cơ quan Phòng GD&ĐT cũng đang được tiếp thêm một luồng sinh khí mới. Chúng tôi rất hy vọng năm học này sẽ tốt hơn nhiều với bước khởi đầu như thế này”.

Cha mẹ học sinh Trường TH Tiền Phong 2 bàn giải pháp để học sinh được bán trú
Cha mẹ học sinh Trường TH Tiền Phong 2 bàn giải pháp để học sinh được bán trú

Các trường phổ thông đã sẵn sàng cho buổi học đầu tiên 19/8

Đến Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, một trường cách xa trung tâm huyện khoảng 30 km, trong đó 10 km không thể đi được bằng ô tô mà chúng tôi phải đi bằng xe máy. Tại đây, thầy Nguyễn Thế Cầm - Hiệu trưởng - cho biết:

Ngoài điểm chính tại bản Cắm, trường còn có 2 điểm lẻ ở bản Phạt (cách điểm chính 4 km) và bản Huồi Máy (cách điểm chính 25 km). Năm nay ở điểm chính có 8 lớp với 163 học sinh; ở bản Phạt có 4 lớp với 58 học sinh và bản Huồi Máy 3 lớp với 19 học sinh.

Cả vùng tuyển sinh của trường có 45 em 6 tuổi, nhà trường đã huy động hết tất cả các em vào học lớp 1. Việc chuẩn bị về đội ngũ và cơ sở vật chất cho năm học mới đã cơ bản làm xong ở cả ba điểm trường. Hiện chỉ còn công việc cuối cùng là trong hôm nay và ngày mai, tập trung sửa sang lại nhà nội trú của giáo viên tại điểm chính này nữa.

Theo thầy Cầm, vấn đề duy trì sĩ số ở các trường vùng cao mấy năm nay không còn khó khăn như trước bởi sự tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ học sinh của Chính phủ, cái khó của việc thực hiện nhiệm vụ năm học là nâng cao chất lượng giáo dục.

Để làm được việc này, bắt đầu từ ngày 3/7, nhà trường đã phải tổ chức dạy, tập trung vào giúp các em ôn tập để nắm vững kiến thức cơ bản đã học của năm học đã qua. Riêng với các em mới vào lớp 1, các cô giáo hướng dẫn để các em được nâng cao hơn về khả năng sử dụng tiếng Việt. Tất nhiên không như ở miền xuôi và đô thị, tuy dạy suốt cả hơn một tháng hè, nhưng các cô đâu có thù lao gì. Tất cả đều tự nguyện làm vì chất lượng học trò.

Chúng tôi vào Trường Tiểu học Tiền Phong 2 - Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm học 2009 - 2010 đúng lúc đang cùng diễn ra ba hoạt động: giáo viên một số lớp hướng dẫn cha mẹ học sinh chuẩn bị cho con vào năm học mới và bàn biện pháp thực hiện phương thức “bán trú dân nuôi”; đội văn nghệ của trường đang chuẩn bị chương trình văn nghệ cho ngày khai giảng và học sinh các lớp đang tập nghi thức, tập các bài múa hát tập thể.

Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng - cho biết: Mọi công việc chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất. ngày 19/8, cả trường sẽ vào học buổi học đầu tiên đúng như quy định của Sở GD&ĐT Nghệ An.

Cha mẹ học sinh Trường TH Cắm Muộn 2 đang tu sửa nhà nội trú cho giáo viên
Cha mẹ học sinh Trường TH Cắm Muộn 2 đang tu sửa nhà nội trú cho giáo viên

Tôi hỏi: “Cái khó của Trường khi vào năm học mới là gì?”. Cô Nga trả lời: Có hai cái khó: nâng cao chất lượng của học sinh và giữ cho các em khỏi bỏ học. Để bảo đảm chất lượng, nhà trường đã tổ chức dạy thêm trong hè cho học sinh trung bình và yếu.

Ở đểm chính, các em vào học từ 15/7 và ở điểm lẻ bản Na Công, các em được học từ 15/6. Riêng ở điểm lẻ này, tất cả 12 em chuẩn bị vào lớp 1 đều được học tăng cường tiếng Việt. Các cô giáo dạy thêm đều tự nguyện, không hề có đồng thù lao nào.

Theo cô Nga, tuy là xã thuộc vùng trung tâm của huyện, nhưng có nhiều cái khó do đặc điểm riêng. Một số người dân tham gia buôn bán ma túy, bố mẹ bị tù; một số thì vợ chồng ly hôn, bỏ đi làm ăn xa, để lại hai ba đứa con đang trong độ tuổi học tiểu học phải tự nuôi nhau.

Năm nào nhà trường cũng phải cưu mang trên 10 em gặp hoàn cảnh này từ chính những đồng lương do từng giáo viên góp lại để các không phải bỏ học. Năm học này, có đến 14 em có nguy cơ bỏ học vì những nguyên như thế. Hiện nhà trường đã có kế hoạch giúp các em ăn trưa tại trường, mua sách vở, đồ dùng học tập và quần áo cho các em. Với những em này thì không phải “bán trú dân nuôi” mà là “bán trú cô nuôi”.

Còn thầy Lô Văn Ngọ - Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong - cho biết: Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới như các trường khác, nhà trường đã chuẩn bị được 208 chỗ cho học sinh vùng xa nội trú. Số chỗ này thì chưa thỏa mãn nhu cầu của học sinh, nên nhà trường phải vận động nhân dân ở gần trường cho các em ở trọ. Trường cũng đang triển khai xây dựng vườn sinh vật bằng tiền do UBND huyện Quế Phong tài trợ hoàn toàn để học sinh có thêm điều kiện thực hành.

Thầy Ngọ cho biết thêm: 4 năm nay, chất lượng giáo dục của Trường đang tăng dần: học sinh giỏi cấp tỉnh tăng từ 4 lên 8 em, lên 10 em, rồi 13 em; học sinh đạt điểm sàn trong kỳ thi vào đại học, cao đẳng tăng từ 110 em lên 150 em, rồi lên 187, riêng năm nay chưa thống kê được. Nhà trường đang tập trung vừa nâng cấp cơ sở vật chất, vừa nâng cao dần chất lượng giáo dục để có thể đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020.

Học sinh Trường TH Tiền Phong 2 chuẩn bị chương trình văn nghệ cho ngày khai giảng
Học sinh Trường TH Tiền Phong 2 chuẩn bị chương trình văn nghệ cho ngày khai giảng

Vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là các xã vùng sâu

Theo ông Hồ Mậu Sự, bước vào năm học mới, đội ngũ giáo viên của Quế Phong không những không thiếu mà đang thừa; khó nhất là vẫn thiếu về cơ sở vật chất: nhiều phòng học ở các trường vùng sâu còn tạm bợ; các trường học không có kinh phí để mua bổ sung thiết bị dạy học và sách. Đến nay, Quế Phong vẫn còn 100 phòng học làm bằng tre tre và 2 phòng học mượn.

Vào điểm chính của Trường Mầm non Cắm Muộn, chúng tôi thật sự bất ngờ trước cơ sở vật chất của Trường: một phòng học kiên cố, một phòng học bằng tranh tre, một nhà bếp khoảng 8 m2 bằng tranh tre, một nhà ở cho giáo viên khoảng 10 m2 cũng bằng tranh tre. Tất cả các phòng làm bằng tranh tre đều xập xệ và đang được một số người dân tu sửa lại.

Cô Hoàng Thị Đài - Hiệu trưởng - cho biết: Năm nay Trường có 11 lớp với 246 cháu, trong đó có 104 cháu 5 tuổi. Cở sở vật chất ở điểm chính này thì như nhà báo đã thấy, còn ở 4 điểm lẻ (mà thực chất là 9 điểm lẻ) có 9 lớp nhưng mới được 8 phòng học (3 phòng bán kiên cố, 5 phòng tranh tre, còn phải mượn một nhà sinh hoạt cộng đồng của bản làm phòng học); ngoài ra chưa có một công trình gì gọi là để phục vụ chăm sóc các cháu.

Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến ngày tựu trường, cha mẹ các cháu lại phải mang vật liệu đến rồi tự tay sửa sang các phòng làm bằng tranh tre, lúc đó các cháu mới có chỗ học.

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiết mục rap hề chèo mới lạ và thú vị tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: Bình Thanh

Khi hề chèo mời gọi...

GD&TĐ - Dù trời tối và mưa, nhưng rạp Kim Mã (Hà Nội) vẫn gần như kín chỗ khi mở cửa đón khách tới sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'.