Huổi Hạ ngày mới

GD&TĐ - Không còn cảnh thầy và trò phải “chui túi nilon” đến trường, Huổi Hạ hôm nay đã từng bước đổi thay. Một dãy nhà lớp ghép 3 gian bằng tôn nằm giữa hoang hoải núi đồi là nơi 30 đứa trẻ ăn, ngủ, học tập mỗi ngày.

Thầy giáo Lò Văn Công và học sinh của mình tại điểm trường Huổi Hạ.
Thầy giáo Lò Văn Công và học sinh của mình tại điểm trường Huổi Hạ.

Để nơi đây vang tiếng đánh vần ê a của bọn trẻ là cả một hành trình của những tấm lòng và sự nhiệt huyết… 

“Ám ảnh” đường đến trường

Huổi Hạ là cái tên từng tạo nên làn sóng dư luận hơn 3 năm về trước, bởi hình ảnh học sinh, giáo viên phải chui túi nilon đến trường. Giờ đây, một cây cầu bê tông kiên cố được dựng lên, đã nối gần hơn con đường chinh phục tri thức của bọn trẻ nơi đây.

Là bản khó khăn nhất của xã Na Sang, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên), Huổi Hạ có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Không phải điểm quá xa so với nhiều bản đặc biệt khó khăn khác trong tỉnh, song ở đây lại hội tụ đủ sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, giao thông, đời sống người dân…

Chỉ hơn 3 năm trước, bà con ở đây phải căng dây thừng, dùng bè tre vượt qua suối Nậm Chim để ra trung tâm. Mùa mưa, học sinh và cả giáo viên phải chui túi nilon vượt qua suối dữ đến trường.

Trong kí ức của mình, thầy giáo Lò Văn Công vẫn còn nhớ như in hình ảnh và những xúc cảm của ngày đầu về nhận công tác tại điểm bản Huổi Hạ. Xuất phát từ trung tâm xã lúc 16 giờ chiều, hơn 21 giờ đêm thầy Công mới đặt chân tới đầu bản.

Cơ sở lớp học cho học sinh ở Huổi Hạ đã khang trang hơn.
Cơ sở lớp học cho học sinh ở Huổi Hạ đã khang trang hơn.

Một cơn mưa nhỏ cũng khiến con đường vào điểm trường thêm bội phần gian khó. Bánh xe quấn xích, sau vài giờ di chuyển lại đặc quánh bùn đất. Chặng đường 20km, mà phải đến hơn chục lần dừng nghỉ. Đôi bàn tay cầm phấn, giờ cào từng lớp bùn, “giải cứu” xe.

Vượt qua thử thách này, thì cửa ải lớn hơn lại đến. Con suối Nậm Chim mùa lũ, nước dâng cao, đục ngàu, cuộn lên thành từng đợt, khiến những vất vả trải qua trước đó chẳng là gì.

“Khi ấy tôi thực sự hoang mang, vì lần đầu gặp cảnh này. May mắn hôm đó tôi đi cùng một thầy giáo bản địa có nhiều kinh nghiệm. Vừa động viên tôi về tinh thần, vừa hỗ trợ kéo bè tre, song phải mất vài chục phút vật lộn chúng tôi mới đưa được cả người và xe qua suối” – thầy Công nhớ lại.

Không chỉ với thầy Công, con suối Nậm Chim, gắn liền với chiếc túi nilon và bè tre đã trở thành nỗi ám ảnh trong đời của nhiều giáo viên ở Huổi Hạ. “Tại điểm bản Huổi Hạ chúng tôi có lớp 1 và 2 ở đó. Năm nào nhà trường cũng phải bố trí 2 giáo viên cắm bản. Hầu như các thầy cô trong trường đều trải qua cảnh đi bè, chui túi nilon hết rồi. Nó là nỗi ám ảnh theo các thầy cô trong cả hành trình dạy chữ ở đây” – cô giáo Ngô Thanh Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Na Sang (huyện Mường Chà) cho hay.

Hình ảnh học sinh phải chui túi nilon đến trường mùa lũ ở Huổi Hạ giờ đã trở thành ký vãng.
Hình ảnh học sinh phải chui túi nilon đến trường mùa lũ ở Huổi Hạ giờ đã trở thành ký vãng.

Gác quá khứ, vượt khó “giữ trò”

Giờ đây, chiếc túi nilon và bè tre chỉ còn là ký vãng. Song, những gian khó đặc thù thì vẫn hiện hữu. Bản Huổi Hạ được chia thành 3 cụm dân cư ở cách xa nhau từ 1 – 4 km, điểm trường nằm giữa trung tâm.

Năm 2018, một nhà lắp ghép gồm 3 phòng học đã được dựng lên với sự chung tay của các tổ chức xã hội từ thiện. Nhà trường bố trí giữ lại 1 gian nhà gỗ từ căn bếp cũ, để làm nơi ở cho giáo viên.

Thầy Công cho biết: “Năm học vừa qua tôi cùng với thầy giáo Nguyễn Văn Kha (quê Thái Bình) được phân công dạy tại điểm bản này. Đầu năm học, chúng tôi phải mất hơn 1 tuần đi bộ hết các nhà trong bản để chiêu sinh. Vất vả đã đành, nhưng khó nhất là ý thức về việc học của người dân ở đây vẫn còn hạn chế”.

Để minh chứng cho điều này, thầy Công kể: Có những gia đình, phải đi đến 3 – 4 lần mới vận động được họ cho con em ra lớp. Nhưng rồi trong năm học, hễ nhà có việc từ nhỏ đến lớn, như: Bận làm nương, trông em, dựng nhà, đám cưới, đám ma… phụ huynh đều cho con nghỉ học. Nhiều em đi học mang theo cả em, hoặc bố mẹ không chuẩn bị cơm cho con mà “giao khoán” hết cho thầy…

Sau giờ học, học sinh Huổi Hạ được bố trí ăn, nghỉ tại điểm trường
Sau giờ học, học sinh Huổi Hạ được bố trí ăn, nghỉ tại điểm trường

Đồng nghĩa với đó thì ngoài nhiệm vụ giảng dạy, thầy giáo thêm trách nhiệm làm bố, làm mẹ, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt cho các em. Lớp học chật hẹp sau mỗi giờ học lại được sắp xếp bàn ghế gọn gàng, nhường chỗ trải chiếu làm nơi nghỉ trưa cho học sinh.

Vì chưa phải là trường bán trú, không có chế độ cho học sinh, nên để “giữ trò”, thầy cô lại phải “xoay” đủ đường. “Mấy năm trước thì thầy cô thay nhau san sẻ, rồi kêu gọi từ thiện khắp nơi để có thực phẩm nấu ăn bữa trưa cho các cháu. May mắn từ năm học vừa rồi có nguồn hỗ trợ từ Chương trình Nuôi em, nên đỡ gánh phần nào” – thầy Công chia sẻ.

Trước đây, giao thông khó khăn nên cứ một tuần một lần, giáo viên điểm trường lại phân công nhau ra trung tâm để mua thực phẩm. Song vì điểm trường chưa có điện để bảo quản, nên thực phẩm được mua hầu hết là đồ khô, như: Trứng, thịt hộp, cá hộp, lạc, các loại củ. Kể từ khi có cầu thì giữa tuần các em được cải thiện bữa ăn tươi.

Điểm trường Huổi Hạ hôm nay là dãy nhà lớp ghép do các tổ chức xã hội từ thiện chung tay hỗ trợ.
Điểm trường Huổi Hạ hôm nay là dãy nhà lớp ghép do các tổ chức xã hội từ thiện chung tay hỗ trợ.

Nhịn bữa ăn, đổ xăng xe cho đồng nghiệp

Để phục vụ công tác giảng dạy, cũng như cải thiện bữa ăn cho học sinh, mỗi tuần chỉ cần hai, thậm chí là ba lần ra – vào điểm bản cũng ngốn của mỗi thầy cô ngót nghét cả trăm nghìn tiền xăng, chưa kể các chi phí khác. Để phần nào san sẻ với đồng nghiệp, giáo viên nhà trường đã tự nguyện quyên góp 20.000 đồng/tháng hỗ trợ giáo viên điểm bản Huổi Hạ.

Cô Hằng cho biết: “Đây là hoạt động được chúng tôi triển khai và duy trì từ năm 2016, do Công đoàn nhà trường phát động. Vì ai cũng đều trải qua những khó khăn đó, đều thấu hiểu nên các thầy cô rất ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng. Số tiền mà mỗi thầy cô trích ra mỗi tháng không đáng là bao nhiêu, chỉ đủ 1 bữa ăn sáng, nhưng lại hỗ trợ thêm hàng chục lít xăng xe cho đồng nghiệp”.

Với số tiền này, mỗi tháng trường hỗ trợ 400.000 đồng/1 giáo viên điểm bản Huổi Hạ. Theo cô Hằng, không chỉ sử dụng để mua xăng, nhiều thầy cô đã sử dụng số tiền trên để mua quần áo, dép, vở, bút… cho học sinh khó khăn.

Được biết nhà trường hiện có 40 giáo viên. Để đảm bảo sự công bằng, hàng năm trường thực hiện việc luân chuyển giáo viên giữa các vùng khó và trung tâm. Ngoài thầy cô “cắm bản” để giảng dạy môn chính, thì hàng ngày vẫn có giáo viên dạy môn phụ được bố trí vào điểm bản, vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa để động viên, sẻ chia lẫn nhau.

“Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn nhà trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới điểm bản, nhằm san sẻ gánh nặng với giáo viên vùng khó. Thông qua việc kêu gọi, vận động sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội từ thiện. Mỗi đôi dép, chiếc áo thiện nguyện gửi vào đây đều có giá trị trực tiếp đối với học sinh, song nhìn rộng hơn thì cũng là giúp các thầy cô nhẹ gánh hơn” – cô Hằng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.