Theo như tờ báo đưa tin, dựa trên các cuộc trò chuyện với các chuyên gia Mỹ, thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine khó có thể mang lại lợi ích nhanh chóng - các lô hàng titan, than chì và lithium thực tế vẫn còn rất xa vời, trong khi triển vọng của ngành dầu khí còn hạn chế.
"Có rất nhiều yếu tố khiến các công ty Mỹ thận trọng khi nói đến dầu khí ở Ukraine. Tôi không tin rằng, các công ty lớn hơn có cơ hội trên toàn thế giới sẽ coi đây là nơi cạnh tranh để đầu tư. Có lẽ một số công ty nhỏ hơn, độc lập có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro", Ben Cahill, một học giả về năng lượng tại Đại học Texas ở Austin cho biết.
Ashley Zumwalt-Forbes, cựu Phó Giám đốc phụ trách pin và vật liệu quan trọng tại Bộ Năng lượng dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, nói với Washington Post: "Chúng tôi đang phải vật lộn để huy động tiền cho hoạt động thăm dò khoáng sản ở những nơi như Mỹ, Canada và Úc. Hãy nghĩ xem sẽ khó khăn hơn bao nhiêu để huy động tiền cho các hoạt động giai đoạn đầu này ở Ukraine".
Được biết, thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine đã được ký kết vào ngày 1/5/2025.
Theo Phó Thủ tướng thứ nhất và Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, Yuliya Svyrydenko, Kiev sẽ đóng góp 50% tổng doanh thu từ tiền bản quyền khai thác khoáng sản mới được đưa ra và giấy phép khai thác mới tại các địa điểm mới được chỉ định cho quỹ đầu tư song phương hiện đang được thành lập.
Mỹ và Ukraine sẽ có quyền biểu quyết bình đẳng trong việc quản lý quỹ.
Thỏa thuận không áp đặt bất kỳ nghĩa vụ nợ trực tiếp nào đối với Kiev đối với Washington. Thỏa thuận cũng không bao gồm bất kỳ bảo đảm an ninh nào từ Washington.
Trong mười năm đầu tiên hoạt động của quỹ, sẽ không có cổ tức nào được phân phối; thay vào đó, toàn bộ thu nhập của quỹ sẽ được tái đầu tư vào Ukraine.
Các khoản đầu tư sẽ được hướng vào việc thăm dò và chế biến tài nguyên khoáng sản, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng.