Hưng Yên: Một "chúa chổm" rơi vào vòng lao lý

Hưng Yên: Một "chúa chổm" rơi vào vòng lao lý
ảnh minh họa
ảnh minh họa

“Chúa chổm” là Nguyễn Thị Huế, thường trú tại thị tứ Bô Thời, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Do có nhu cầu vay vốn làm ăn, giữa năm 2006 và đầu năm 2007, Huế làm đơn xin vay vốn gửi Công ty CPTM du lịch Khoái Châu vay 380 triệu đồng. Tài sản thế chấp là hai gian kiốt của chính Công ty CPTM du lịch Khoái Châu trước đó đã nhượng lại cho gia đình Huế. Giữa năm 2007 Huế đã trả cho công ty 80 triệu đồng, còn nợ 300 triệu đồng. Tuy nhiên đến kỳ hạn trả nốt số nợ, Huế không còn khả năng thanh toán.

Số tiền vay được, Huế bàn với chồng mở phòng khám đa khoa Hoàng Minh tại thị tứ Bô Thời. Do không đủ trình độ kinh doanh, quản lý kinh tế nên phòng khám đa khoa Hoàng Minh hoạt động thu không đủ bù chi. Không cam chịu thất bại, Huế táo bạo lập cả hồ sơ dự án nâng cấp phòng khám đa khoa của mình thành… bệnh viện!

Dù không có đầy đủ các điều kiện về trình độ, nhân sự, tiềm lực tài chính nhưng Huế vẫn mơ tưởng một mai sẽ làm giám đốc bệnh viện tư, sẽ làm ăn lớn và giàu có. Song Huế không biết được rằng, để xây dựng một bệnh viện đòi hỏi phải có vốn đầu tư rất lớn. Thế là từ chỗ thiếu vốn, Huế tiếp tục tìm mọi cách để có được vốn và không từ một thủ đoạn nào như lạm dụng tín nhiệm hay thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhiều người bằng cách hỏi vay vốn với lãi suất cao.

Nạn nhân cho Huế vay nhiều tiền nhất là bà Lê Thị Hạt, trú tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu. Biết bà Hạt là người giàu có, Huế đã đem bộ hồ sơ dự án xây dựng bệnh viện đến khoe rồi hỏi vay tiền. Vì tham lãi suất cao, tổng cộng gia đình bà Hạt cho Huế vay hơn 1.550 triệu đồng với lãi suất 2000đ/1 triệu/ngày chỉ bằng giấy viết tay. Huế tiếp tục đem giấy tờ hai gian kiốt đã thế chấp trước đó cho Công ty CPTM du lịch Khoái Châu để thế chấp lại cho gia đình bà Hạt.

Tuy nhiên, đến hạn thành toán, gia đình bà Hạt đòi tiền nhưng Huế không có tiền để thành toán. Ngày 27/9/2008, Huế đã viết giấy cam kết với nội dung đến ngày 29/12/2008 sẽ thanh toán hết số nợ cho gia đình bà Hạt. Nếu không thực hiện đúng cam kết, bà Hạt có quyền thanh lý gian ki ốt để trả nợ. Song, một lần nữa đến hạn Huế vẫn không có tiền trả nợ, đành phải ký hợp đồng chuyển nhượng hết cả hai gian kiốt 02 và 03 tại thị tứ Bô Thời cho gia đình bà Lê Thị Hạt với giá 1.200 triệu đồng.

Vụ việc diễn ra đến đây cho thấy tính chất phức tạp và sự kém hiểu biết pháp luật của bên cho vay vốn nên mới phát sinh nhiều vấn đề pháp lý. Kiốt số 02 và 03 Huế đã thế chấp vay vốn ở Công ty CPTM du lịch Khoái Châu chưa thanh toán hết và chưa giải chấp nay lại đem thế chấp vay tiền của gia đình bà Hạt. Đây là hành vi thể hiện rõ sự chủ ý gian dối của Nguyễn Thị Huế để chiếm đoạt tài sản của người khác. Mặt khác nó cũng thể hiện chính những chủ nợ trong quá trình làm thủ tục cho vay đã không tuân thủ trình tự cần thiết để tự bảo vệ tài sản của mình.

Công ty CPTM du lịch Khoái Châu khi cho Huế vay tiền và nhận thế chấp hai gian ki ốt nhưng tất cả chỉ là giấy tờ viết tay không có công chứng. Hồ sơ giấy tờ liên quan đến hai gian kiốt, Công ty CPTM du lịch Khoái Châu cũng không giữ làm tin ngay từ đầu nên mới tạo sơ hở để Huế lợi dụng tiếp tục dùng giấy tờ hai gian kiốt đã thế chấp đó đi vay tiền của gia đình bà Hạt.

Cho nên, khi gia đình bà Hạt mang hợp đồng chuyển nhượng hai gian kiốt đến Công ty CPTM du lịch Khoái Châu xin xác nhận mới té ngửa người biết cả hai gian ki ốt 02 và 03 đã được Nguyễn Thị Huế thế chấp vay 300 triệu đồng từ trước cho công ty này đến nay vẫn chưa giải chấp. Bà Hạt hoảng hồn đi tìm Huế để hỏi nhưng Huế đều tránh mặt, không gặp. Thế là, tranh chấp đã xảy ra. Công ty CPTM du lịch Khoái Châu nhiều lần tiến hành cuộc họp giữa ba bên để giải quyết vấn đề tranh chấp và công nợ nhưng Nguyễn Thị Huế đều không tham dự, khiến cho việc giải quyết gặp không ít khó khăn.

Nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Ngoài hành vi gian dối dùng giấy tờ của hai ki ốt 02 và 03 tại Bô Thời để thế chấp vay vốn của Công ty CPTM du lịch Khoái Châu và gia đình bà Lê Thị Hạt, Nguyễn Thị Huế còn vay tiền của nhiều người khác, không có khả năng thanh toán. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên nhận được 10 đơn tố cáo của 12 công dân thuộc xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu tố cáo Nguyễn Thị Huế còn vay hơn 5 tỷ đồng, 1000 USD và 20 chỉ vàng 999,9 của họ chưa trả. Khi biết tin “chúa chổm” vỡ nợ, các chủ nợ thi nhau đến nhà Huế đòi tịch thu tài sản để trừ nợ, gây mất ANTT.

Lâu nay, “tín dụng đen” là một phần của cuộc sống, vẫn diễn ra hàng ngày và ở khía cạnh tích cực nó cũng đã giải quyết được phần nào khó khăn của những người cần vay “nóng”, trong thời gian ngắn mà hệ thống ngân hàng không đáp ứng được. Nhưng “tín dụng đen” cũng là mảnh đất mầu mỡ để bọn tội phạm gây ra biết bao nhiêu vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khiến không ít gia đình lâm vào cảnh tan vỡ, ly tán, gây mất ANTT. Đây cũng là bài học để người dân cảnh giác, đừng vì tham lãi suất cao để rồi rơi vào cảnh “thả gà ra đuổi” và có khi còn không “đuổi được”!.

Việt Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ