Hứng thú với câu lạc bộ môn học

GD&TĐ - Nhằm giúp HS cấp tiểu học rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, Trường TH Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đã xây dựng câu lạc bộ môn học. Mô hình học tập sáng tạo này đã tạo được nhiều chuyển biến, hiệu quả trong quá trình dạy và học.

CLB môn học của Trường TH Phan Ngọc Hiển đã thổi luồng gió mới trong giảng dạy và học tập của thầy, trò
CLB môn học của Trường TH Phan Ngọc Hiển đã thổi luồng gió mới trong giảng dạy và học tập của thầy, trò

Hướng đi mới của bộ môn

Từ năm học 2016 - 2017, Trường TH Phan Ngọc Hiển đã thành lập câu lạc bộ (CLB) đầu tiên ở môn Tiếng Anh. CLB hình thành hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng sử dụng ngoại ngữ cho HS. Sân chơi này tác động đến thói quen học tập của HS, góp phần hiệu quả vào quá trình dạy học của giáo viên. Cũng trong năm học này, HS của trường đã đạt khoảng 42 giải thưởng liên quan về tiếng Anh cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Với nền tảng ban đầu thuận lợi và hướng phát triển tốt, đến năm học 2017 - 2018 nhà trường tiếp tục thành lập CLB ở các môn như: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Bơi lội, Bóng đá… Mỗi môn học đều có CLB riêng biệt, định hướng cho HS tham gia, các em được phát huy sở trường cũng như tạo điều kiện học tập năng động, sôi nổi.

Cô Hồ Huỳnh Phương Mai - Phó Hiệu trưởng Trường TH Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), nhận định: “Các bộ môn đều có CLB sinh hoạt chuyên môn nhằm giúp HS của trường nắm vững kiến thức, vận dụng vào thực tế. Qua đó còn góp phần bồi dưỡng các kỹ năng tương tác, giáo viên chủ động thay đổi trải nghiệm sáng tạo cho HS của mình. Qua thời gian hoạt động, các CLB đã hoàn thành tốt vai trò, gây được nhiều hứng thú, tạo sự lôi cuốn và thu hút đông đảo HS, giáo viên tham gia”.

Với cách làm sáng tạo, Trường TH Phan Ngọc Hiển đã tiên phong khi thành lập CLB từng bộ môn, tạo được hiệu ứng tốt, tác động rất lớn vào nhận thức từng giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, lan tỏa đến các trường cùng cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Những buổi học tập kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn bàn về các giải pháp nâng cao tổ chức buổi sinh hoạt CLB của trường, được nhiều trường khác chia sẻ tích cực.

Đa dạng các hình thức tổ chức

CLB môn học của Trường TH Phan Ngọc Hiển đã thổi luồng gió mới trong giảng dạy và học tập của thầy và trò. Theo chia sẻ của giáo viên, tùy theo đặc thù từng bộ môn sẽ có cách hoạt động khác nhau; tuy nhiên vẫn trên cơ sở củng cố kiến thức cho HS là chính. Đảm bảo tính độc lập, trong từng cách làm không trùng lặp còn là sáng tạo của giáo viên, cùng với đó là ghi nhận phản hồi của HS để hoàn thiện.

Cô Hồ Huỳnh Phương Mai - Phó Hiệu trưởng Trường TH Phan Ngọc Hiển - đánh giá: “Các buổi sinh hoạt CLB giúp HS có thêm cơ hội thực hành các kỹ năng học tập; nhà trường mong muốn giúp các em phát huy được điểm mạnh. Qua đó thầy trò có những định hướng tốt hơn trong quá trình dạy và học. Mỗi nội dung tổ chức luôn đòi hỏi giáo viên nắm vững tình hình học tập của các em, đề xuất các dạng câu hỏi đa dạng mức độ, rèn luyện tư duy tốt hơn”.

Đứng đầu mỗi CLB đều có giáo viên chủ nhiệm là các Trưởng khối phụ trách, ngoài ra các môn năng khiếu sẽ do giáo viên bộ môn trực tiếp hướng dẫn. Với tinh thần “học mà chơi, chơi mà học” mang đến tính hấp dẫn của mỗi CLB. Thống nhất về hình thức, mỗi CLB đều cơ cấu 3 vòng thi kiến thức, theo đặc điểm mỗi môn học sẽ thiết kế nội dung phù hợp nhất. Thời điểm sinh hoạt CLB vào các ngày thứ Bảy, với tất cả các môn sẽ được tổ chức xoay vòng. Mỗi tháng các CLB đều phải có ít nhất 1 buổi sinh hoạt, chủ yếu dành cho HS khối 3, khối 4 và khối 5; đảm bảo tính công bằng các HS cùng khối sẽ thi cùng nhau. Tại đó, CLB sẽ được chia từ 3 đến 4 đội của các lớp khác nhau cùng thuộc một khối, mỗi đội bao gồm 5 HS; số lượng mỗi đội sẽ phụ thuộc vào quy mô số lớp.

Cô Nguyễn Thị Nguyện - giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, Trưởng khối 4 phụ trách CLB Tiếng Việt của Trường TH Phan Ngọc Hiển, bày tỏ: “CLB tạo sân chơi để các em giao lưu, trao đổi, thảo luận tìm những ý tưởng mới mẻ. Đặc biệt là giúp ích trong việc HS nâng cao năng lực học tập, sử dụng ngôn ngữ hiệu quả”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.