Ngày hội gồm triển lãm "Những ô cửa toán học" với các mô hình toán được in bằng máy in 3D, vừa trực quan toán học, vừa như tác phẩm nghệ thuật; các gian hàng của nhiều đơn vị về giáo dục toán (Toán IQ, toán cho trẻ em, toán tiếng Anh, toán cho học sinh, sinh viên) và STEM (Robotics, American Stem, mô hình câu lạc bộ STEM) cùng một số đơn vị xuất bản sách.
Trọng tâm của ngày hội là hoạt động chuyên môn có chủ đề "Toán học không xa cách" với bài giảng "Toán học trong trí tuệ nhân tạo" của GS Nguyễn Hùng Sơn (Đại học Warsaw) và tọa đàm "Học toán để làm gì?" với sự tham gia của bốn diễn giả: Hà Huy Khoái, Hồ Tú Bảo, Nguyễn Thành Nam và Phạm Hy Hưng.
Chia sẻ về việc tổ chức ngày hội, TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM, thành viên ban tổ chức cho biết: “Thông điệp mà chúng tôi muốn truyền tải qua ngày hội chính là làm gì cũng phải có động cơ rõ ràng. Học toán cũng vậy. Vì thế, trước khi bắt tay vào học, chúng ta phải trả lời rõ câu hỏi: Học toán để làm gì? Chú ý là câu trả lời của mỗi người sẽ mỗi khác, từ đó mà các bước tiếp theo của mỗi người mỗi khác. Việc dạy kiểu dàn hàng ngang, kiểu mậu dịch quốc doanh vì thế sẽ không đem lại hiệu quả tốt, dù vẫn đem lại thành tựu nhất định".
Ban tổ chức Ngày hội Toán học mở bao gồm: PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM); PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn; TS Huỳnh Quang Vũ, Trưởng khoa Toán-Tin học trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM); TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM), chủ nhiệm chương trình "Đem toán đến cho mọi người" (BM2E).