Hỏi: Việc giáo viên đánh giá bằng nhận xét có những ưu điểm như thế nào so với đánh giá bằng điểm số?
Đáp: Việc đánh giá bằng điểm số trong thời gian vừa qua thường được sử dụng để đo lường kết quả học tập của HS, phân loại HS. Đánh giá bằng điểm số tạo ra nhiều áp lực với HS phụ huynh, đặc biệt đối với HS học chậm.
Thực tế cho thấy, điểm số chưa chắc đã đánh giá đúng năng lực của HS vì kết quả làm bài của HS phụ thuộc vào đề kiểm tra có ra theo đúng yêu cầu của chương trình không; khi làm bài tâm trạng của HS thế nào…
Điểm số sẽ tạo ra sự so sánh giữa các HS với nhau, là một trong những nguyên nhân nảy sinh tâm lý đố kỵ, tình trạng học trước chương trình, học thêm. Do đó, việc nhận xét những tiến bộ, dìu dắt để HS thành công, động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập mới góp phần bồi dưỡng động cơ học tập đúng đắn.
Chính sự thành công trong học tập mới mang lại niềm vui hứng thú cho các em HS, để các em học được, thích học và học tốt hơn.
Hỏi: Với cách đánh giá thường xuyên không dùng điểm số, làm thế nào để phụ huynh biết được chất lượng học tập của con mình?
Đáp: Thực tế, ngoài giáo dục của nhà trường, HS thường xuyên được gia đình giáo dục về tất cả các mặt mà không hề chấm điểm.
Có nhiều cách để phụ huynh có thể nắm được chất lượng học tập của con mình. Chẳng hạn như có thể hàng ngày trao đổi, hỏi con hôm nay con học được những gì ở lớp; hoặc xem vở, phiếu học tập, các bài làm, lời nhận xét của GV…; hoặc hỏi trực tiếp GV về khả năng học tập của con mình…
Hỏi: Tại sao vẫn cần có bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học được đánh giá bằng điểm số kèm theo lời nhận xét?
Giáo viên, cha mẹ học sinh và nhiều người khác đã giúp đỡ, nhận xét học sinh trong suốt học kỳ, trong năm học. Ai cũng hy vọng rằng mình đã làm đúng cách, có tác dụng tốt, giúp cho HS tiến bộ và đạt được kết quả học tập như mong muốn.
Điểm số bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm là để giúp chúng ta khẳng định được những điều hy vọng ấy. Điểm số đó để xác nhận kết quả học tập của HS, không nhằm xếp thứ hạng các em trong lớp.
Nếu điểm số đó rất khác thường với những nhận xét, đánh giá thường xuyên HS thì nguyên nhân có thể là:
- Hoặc chúng ta đã đánh giá, nhận xét thường xuyên chưa đúng, cần phải điều chỉnh cách dạy, cách học, cách đánh giá cụ thể;
- Hoặc là có nguyên nhân đột xuất đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả làm bài của học sinh, ví dụ gia đình HS có việc đột xuất, hôm đó em bị mệt…,
GV cần tìm hiểu để biết rõ nguyên nhân; trong trường hợp này, GV có thể cho HS làm them bài kiểm tra khác để khẳng định lại nhận xét, đánh giá về HS.
Còn tiếp...
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo”, “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kì, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và xã hội”, ngày 28/8/2014 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Hiện theo báo cáo của Sở GD&ĐT các tỉnh thành phố, các thầy cô giáo tại các trường tiểu học được tập huấn về nội dung Thông tư 30 và đã triển khai nghiêm túc.
Để tiếp tục giúp thầy cô giáo, cán bộ quản lý thực hiện tốt Thông tư 30, Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) phối hợp với báo Giáo dục và Thời đại mở chuyên mục “Hỏi – Đáp về đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30” trên báo Giáo dục và Thời đại (giaoducthoidai.vn).
“Hỏi – Đáp về đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30” nhằm giúp giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục tiểu học chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Thông tư 30 tại các trường, vùng miền khác nhau. Đồng thời cũng giúp cho Phụ huynh và cộng đồng hiểu rõ Thông tư 30 từ đó giúp con em mình học tập tốt hơn.
Những câu hỏi liên quan đến nội dung này xin gửi về địa chỉ:gdtddientu@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn!