Chính vì thế mà từ lâu tại các khu vực chùa luôn có rất nhiều Phật tử mua chim mang tới để làm lễ rồi thả phóng sinh, nhất là thời gian sau Tết Nguyên đán.
Có cung ắt có cầu, và việc những người hành nghề buôn bán chim để phục vụ nhu cầu mua thả phóng sinh của mọi người cũng không có gì là xấu, thậm chí họ cũng có công, có đức trong chuyện những con chim được giải thoát bay trở lại về trời, khi chúng không bị cảnh vào quán, rồi lên bàn làm mồi cho dân nhậu (có thể là trước mắt, còn về lâu dài thì chưa thể biết).
Tôi thấy, hầu như ở chùa nào vào dịp đầu xuân năm mới này cũng nhan nhản những người bán chim. Tại nhiều chùa lớn thì lượng người bán chim nhan nhản, những chùa nhỏ cũng luôn xuất hiện dăm, bảy người ngồi bán chim, và mỗi người đều mang theo mình hàng chục lồng chim, với cả vài trăm con...
Vậy mà nhiều khi do lượng khách hành hương mua để thả phóng sinh đông, nên có lúc chim cũng bị “cháy” do nguồn cung chưa về kịp!
Sở dĩ tôi nói những người bán chim phóng sinh hốt bạc là vì mức lợi nhuận mà họ thu được qua mỗi ngày làm việc là quá lớn, bởi tôi từng biết những người hành nghề bẫy, bắt chim trời và bán lại cho người buôn chim chỉ với giá là 5.000 đồng/con, trong khi vào tới cửa chùa, những Phật tử, khách hành hương phải mua lại của những người bán chim với giá 15.000 đồng/con.
Với mức lợi nhuận khoảng 10.000 đồng/con chim như vậy nên chỉ cần bán hết 100 con chim thì chủ nhân đã thu lời tới cả triệu bạc. Không ít người bán chim phóng sinh trong chùa dịp đầu xuân năm mới còn tiêu thụ hết tới 200 - 400 con, nên hẳn họ lời 2 - 4 triệu đồng/ngày là điều rất thực tế.
Tâm lý của những Phật tử, khách hành hương mua chim để thả phóng sinh là không trả giá, nghĩa là người bán nói bao nhiêu trả bấy nhiêu, vì vậy lỡ có bị mua đắt dăm ba ngàn đồng 1 con người mua cũng không nề hà, bởi họ nghĩ mua để làm lễ, để thả phóng sinh lấy lộc, lấy đức... thì đắt - rẻ không quan trọng.
Một người làm nghề bán chim phóng sinh tại sân một ngôi chùa mà tôi gặp hôm đi lễ Rằm tháng Giêng đã tiết lộ rằng, từ đầu năm mới tới giờ hầu như ngày nào chị ấy cũng bán hết khoảng 200 con chim, và cao độ nhất chính là ngày hội Rằm tháng Giêng bán hết cả 500 con.
Tuy vậy, chuyện làm ăn cũng chỉ hốt bạc qua tới Rằm tháng Giêng là chấm dứt, còn những ngày thường khách mua không đáng là bao; vì vậy mà tiền kiếm từ tiền bán chim phóng sinh ăn theo chùa cũng không còn nhiều...
Tiếp xúc với nhiều người làm nghề bán chim phục vụ tín ngưỡng phóng sinh, tôi phát hiện ra không ít người có một “thủ thuật” để thu hồi lại những con chim mà khách vừa mua để thả.
Đó là họ nhổ bớt một phần những chiếc lông cánh dài để chim có bay ra khỏi lồng thì cũng không thể bay xa, bay cao được, mà chỉ quẩn quanh ở những cành cây, lùm bụi quanh chùa và thế là họ lại có cơ hội bắt lại để bán cho người khác theo kiểu quay vòng nhằm thu tiền...
Việc nhổ lông chim để chim không bay xa được, rồi bắt lại để bán cho người khác như vậy là hành động không có lương tâm, thậm chí là còn tự hủy hoại phần công đức của mình, đó còn chưa tính tới việc họ làm như vậy là tự giết hại những con chim khi chúng bị “quay vòng” nhiều lần đến kiệt sức và bị chết.