Hợp nhất sách giáo khoa: Nhà trường, giáo viên đã chủ động thích ứng

GD&TĐ - Việc hợp nhất 4 bộ SGK thành 2 bộ ở lớp 2 của NXBGDVN có ý kiến cho rằng gây khó khăn trong dạy học. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng, GV khẳng định đã sẵn sàng triển khai bất kỳ bộ SGK nào được Bộ GD&ĐT ban hành.

GV đang chuẩn bị sẵn sàng việc dạy các bộ SGK được Bộ GD&ĐT ban hành.
Ảnh: Đức Trí
GV đang chuẩn bị sẵn sàng việc dạy các bộ SGK được Bộ GD&ĐT ban hành. Ảnh: Đức Trí

Không ảnh hưởng đến dạy và học

Khác với lớp 1, từ lớp 2 trở lên NXBGDVN có 2 bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống (được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực) và bộ Chân trời sáng tạo (được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục)

Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai) cho biết, tại Lào Cai năm học 2020- 2021 nhiều trường Tiểu học đã chọn đầu sách từ 3 bộ SGK để dạy học. Có ý kiến cho rằng mỗi một bộ SGK có triết lý giáo dục khác nhau như vậy khi dạy nhiều đầu sách trong các bộ SGK sẽ gây khó khăn về mặt chỉ đạo chuyên môn...

Tuy nhiên, quan điểm của Sở GD&ĐT Lào Cai là vừa phát triển liên môn, vừa phát triển môn học nhưng vẫn phải đạt được “gốc” cuối chương trình yêu cầu. SGK chỉ là phương tiện để đạt đầu ra của chương trình. Do đó giáo viên (GV) không nặng nề vào 1 bộ SGK nào.

Với những trường năm trước đã chọn bộ SGK “Cùng học và phát triển năng lực” khi lên lớp 2 hợp nhất thành “Kết nối tri thức và cuộc sống” ngành cũng đã tuyên truyền, giải thích để hiểu bản chất căn bản: chương trình là gốc, SGK chỉ là tài liệu - một phương tiện để hình thành nên kiến thức để đạt được yêu cầu đầu ra của chương trình. Do đó không nhất thiết bộ SGK đầu tiên lựa chọn sẽ phải dạy từ lớp 1 đến lớp 5.

Ông Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) cho biết: Theo thống kê Bắc Giang có gần 80% các trường Tiểu học chọn đầu sách từ 3 bộ SGK để triển khai; chọn sách từ 2 bộ SGK có khoảng hơn 20%; không có trường nào chọn duy nhất một bộ SGK. Như vậy, từ năm học đầu tiên lớp 1 HS đã được học kiến thức từ nhiều bộ SGK và GV cũng làm quen với việc dạy học không phụ thuộc vào riêng 1 bộ SGK nào. 

Mặt khác, SGK lớp 1 có kiến thức, yêu cầu cần đạt… hoàn toàn không liên quan đến lớp 2 nên HS học từ lớp 1 khi lên lớp 2 học sang bộ SGK khác cũng không bị ảnh hưởng, hay bỡ ngỡ.

Giáo viên sẵn sàng tâm thế dạy học lớp 2. Ảnh: Đức Trí
Giáo viên sẵn sàng tâm thế dạy học lớp 2. Ảnh: Đức Trí

Về phía GV, tâm thế hoàn toàn không ảnh hưởng bởi đội ngũ GV dạy lớp 2 không phải GV lớp 1 tiếp tục dạy, họ bắt đầu hoàn toàn mới với SGK lớp 2 nên không bị chi phối bởi cách dạy, hay triết lý của bộ SGK cũ. Với SGK mới, GV lớp 2 chỉ cần dạy học làm sao đạt được yêu cầu kiến thức cuối năm cho HS.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập NXBGDVN cũng khẳng định: Việc hợp nhất SGK hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của GV và HS cũng như việc lựa chọn SGK, bởi lẽ mỗi cuốn SGK đều bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong CTGDPT 2018.

Và dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc lớp 1, HS đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với HS lớp 1. Giữa 4 bộ SGK lớp 1 và 2 bộ SGK lớp 2 của NXBGDVN có một sự liên thông hết sức chặt chẽ….

Sẵn sàng với bộ SGK mới

Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai) khẳng định: GV dạy bộ SGK nào không quá quan trọng và không phụ thuộc. Quan trọng là GV được tập huấn đầy đủ, có phương pháp kĩ thuật dạy học để phát triển phẩm chất năng lực của HS.

Mặt khác, theo kinh nghiệm của giáo dục Lào Cai, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các NXB để tổ chức hội thảo, tập huấn hỗ trợ cho GV; các Phòng GD&ĐT, nhà trường cũng chủ động tổ chức hội thảo cấp trường, cấp huyện... để hỗ trợ cho GV trực tiếp đứng lớp về phương pháp, kĩ thuật trong quá trình dạy học. Việc hỗ trợ GV có thể theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ông Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) cho rằng, để việc dạy học lớp 2 theo CT, SGK lớp 2 mới và có sự hợp nhất các bộ sách đạt hiệu quả thì quan trọng là cho phép GV chủ động trong lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học. Trong trường hợp ngữ liệu, kiến thức không phù hợp GV có thể tham khảo và lấy từ cuốn sách khác phù hợp đưa vào thay thế.

Sách giáo khoa chỉ là phương tiện; phương pháp, kĩ thuật dạy học của GV mới quyết định sự thành công khi triển khai CT, SGK mới. Ảnh: Đức Trí
Sách giáo khoa chỉ là phương tiện; phương pháp, kĩ thuật dạy học của GV mới quyết định sự thành công khi triển khai CT, SGK mới. Ảnh: Đức Trí

Cô Nguyễn Lan Hương – Hiệu trưởng Trường TH Phom Hán (Thành phố Lào Cai) khẳng định: Việc hợp nhất SGK không ảnh hưởng đến dạy học lớp 2 bởi GV lớp 1 không dạy theo lên lớp 2. Hơn thế SGK chỉ là phương tiện, còn phương pháp, kĩ thuật dạy học của GV mới là quan trọng. Do đó SGK nào GV cũng có thể triển khai dạy.

Song để triển khai hiệu quả CT, SGK lớp 2, hiện tại nhà trường đã cho GV lớp 2 nghiên cứu bản mềm SGK lớp 2 theo tinh thần đổi mới (Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT). Mặt khác, yêu cầu GV soạn giáo án kĩ càng, tổ chức dạy học thực tế… từ đó đúc rút ưu điểm tồn tại của sách, góp ý cho đồng nghiệp về phương pháp, kĩ thuật...

Cô Phạm Thị Thu Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thành phố Yên Bái – Yên Bái) cũng khẳng định việc hợp nhất SGK không ảnh hưởng tới GV trong quá trình dạy học lớp 2. Mặt khác khi hợp nhất các bộ SGK sẽ có những hướng dẫn, tập huấn GV trong việc dạy học do đó GV không khó để thích ứng.

Hơn thế, GV cũng hiểu nội dung chương trình theo SGK vẫn có thể linh hoạt, chủ động thay đổi trong dạy học. SGK chỉ là một kênh thông tin, GV có thể tham khảo từ nhiều bộ SGK khác để dạy học thêm hiệu quả phù hợp.

Đặc biệt, với trường TH Nguyễn Trãi (Thành phố Yên Bái – Yên Bái) đội ngũ GV lớp 2 (10 GV) của trường được tập huấn kĩ càng và cơ bản đều là GV cốt cán của Sở nên vững vàng chuyên môn, kĩ thuật... Việc triển khai SGK lớp 2 mới đã được sẵn sàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ