Góp ý trực tuyến bản mẫu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6

GD&TĐ - Ngày 21/1, Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) tổ chức họp trực tuyến với tất cả các chuyên gia được mời góp ý để kiểm tra giữa đợt kế hoạch đọc và góp ý bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6 đã được Hội đồng thẩm định.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn (phải) và ThS Nguyễn Ngọc Trung chủ trì cuộc họp.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (phải) và ThS Nguyễn Ngọc Trung chủ trì cuộc họp.

Nhằm hoàn thiện dự thảo các bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 của các Nhà xuất bản trước khi đưa ra phát hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cho các chuyên gia góp ý độc lập các bản mẫu sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam được lựa chọn để giới thiệu các chuyên gia và triển khai đóng góp ý kiến.

Cuộc họp được diễn ra với sự chủ trì của GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng nhà trường và ThS Nguyễn Ngọc Trung – Trưởng phòng Tổ chức hành chính HCMUE.

Các chuyên gia được mời lần này là những người có uy tín về chuyên môn, am hiểu về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực của giáo dục phổ thông. Tại buổi họp, GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng HCMUE) đã quán triệt tầm quan trọng của hoạt động này cũng như ý thức, trách nhiệm của các chuyên gia và của HCMUE đối với công việc chung của ngành.

Cuộc họp được diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Cuộc họp được diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, những kiểm tra giữa đợt đọc và góp ý bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 cho thấy sự chuẩn bị kỹ của Trường về vấn đề nhân sự, yêu cầu chuyên môn và tiến độ thực hiện.

“Quy trình thẩm định bộ sách rất nghiêm và đảm bảo các yêu cầu cơ bản. Trường Sư phạm là một trong những bên có liên quan rất quan trọng để đảm bảo việc kiểm tra, xem xét các bản thảo trước khi xuất bản. Với các giảng viên Sư phạm, đây là hoạt động chuyên môn của mình, thể hiện khả năng khoa học, tính định hướng và cả những vấn đề có liên quan từ góc nhìn của người đào tạo, bồi dưỡng nhất là kinh nghiệm của những chuyên gia về Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn. Trường sẽ đầu tư thời gian, chế độ để đảm bảo các giảng viên toàn tâm, toàn lực đồng hành với ngành trong công tác này bởi đó là trách nhiệm quan trọng và đầy ý nghĩa” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Tại cuộc họp, ThS Nguyễn Ngọc Trung (Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính HCMUE) cho biết, nhà trường cũng đã kiểm tra hoạt động đăng nhập vào hệ thống trực tuyến để đảm bảo các nhóm môn, hoạt động giáo dục có thể đọc đủ bản mẫu sách giáo khoa cùng với việc làm rõ yêu cầu, thống nhất biểu mẫu đóng góp ý kiến.

“Trong đợt này, HCMUE sẽ góp ý 4 bộ sách với 24 môn học ở lớp 2 và lớp 6. Mỗi môn học tương ứng từng bộ sách sẽ có 3 chuyên gia đọc và góp ý. Với hình thức góp ý trực tuyến, mỗi chuyên gia sẽ được cấp tài khoản để đăng nhập, đọc và nhận xét vào phiếu góp ý. Đây là đợt góp ý độc lập từ các chuyên gia, nhà giáo dục, nghiên cứu để các tác giả hoàn thiện bản thảo lần cuối trước khi trình Hội đồng thẩm định phê duyệt” - ông Nguyễn Ngọc Trung thông tin thêm.

"Có thể khẳng định sự đồng hành của các giảng viên Sư phạm và những chuyên gia nghiên cứu giáo dục là kênh quan trọng để đảm bảo các tác phẩm sách sẽ đảm bảo các yêu cầu của tiêu chí sách giáo khoa đã được Bộ ban hành. Đây cũng là một yêu cầu mang tính đổi mới của Bộ GD&ĐT để đảm bảo sự đồng thuận của các bên có liên quan mà rõ nhất là tính giáo dục của các sách giáo khoa phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà xã hội đang kỳ vọng" - GS Huỳnh Văn Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...