Lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6: Bảo đảm tính kế thừa, chuyển tiếp

GD&TĐ - Hơn 370 trường tiểu học, THCS ở Hà Tĩnh đang gấp rút xây dựng kế hoạch, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) và tập huấn cho giáo viên tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 lớp 2, lớp 6.

Triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 2, lớp 6 tại Hà Tĩnh đã sẵn sàng chuẩn bị giáo viên và lựa chọn SGK.
Triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 2, lớp 6 tại Hà Tĩnh đã sẵn sàng chuẩn bị giáo viên và lựa chọn SGK.

Còn với phụ huynh điều quan tâm nhất là việc lựa chọn SGK làm sao công bằng, để học sinh được học những bộ sách chất lượng nhất.

Lựa chọn hơn 3.000 giáo viên

Bản mẫu SGK định dạng PDF lớp 2, lớp 6 được các nhà xuất bản đưa lên Website và cung cấp tài khoản cho giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu, từ đó đề xuất lựa chọn bộ SGK phù hợp.

Theo cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên), giảng dạy theo Chương trình GDPT mới, giáo viên đổi mới, học sinh hứng thú với cách thức làm chủ môn học. Hiện, trường tiếp tục lựa chọn giáo viên đi tập huấn thực hiện Chương trình GDPT mới ở lớp 2 năm học 2021 - 2022. Đội ngũ giáo viên được lựa chọn là những nhân tố điển hình trong phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin.

Để triển khai Chương trình GDPT mới tại 37 trường tiểu học, THCS, Phòng GD&ĐT Hương Sơn đã chỉ đạo các trường hoàn tất công tác chuẩn bị đội ngũ. “Các trường đã hoàn thiện danh sách giáo viên dự kiến đảm nhiệm việc triển khai Chương trình SGK mới trong năm học 2021 - 2022. Toàn huyện có gần 700 giáo viên được lựa chọn đi tập huấn để đáp ứng việc dạy học cho 52 lớp 6 và 66 lớp 2” – ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng GD&ĐT Hương Sơn cho hay.

Cũng theo ông Giang, yếu tố làm nên thành công  với Chương trình GDPT mới chính là giáo viên. Hiện, các nhà trường lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm, vững chuyên môn nhất để đảm nhận nhiệm vụ dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022. Phòng tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán ở các môn học, làm nòng cốt để nhân rộng đội ngũ giáo viên giỏi trong toàn ngành; rà soát trang thiết bị dạy học cần thiết cho lớp 2, lớp 6 để được bổ sung, trang thiết bị kịp với triển khai chương trình…

Tại huyện Can Lộc, bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng GD&ĐT cũng cho hay: Giáo viên được lựa chọn dạy lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình GDPT mới cũng đang tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và sẵn sàng mọi mặt để thử nghiệm khi có SGK mới.

“Các nhà xuất bản tổ chức hội thảo giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6 theo nhiều hình thức, từ trực tiếp đến trực tuyến. Giáo viên cũng được tiếp cận với bản thảo SGK để đóng góp ý kiến, đồng thời nghiên cứu đưa ra đề xuất, lựa chọn được bộ SGK phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương mình” – bà Hường thông tin thêm.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức tập huấn cho các giáo viên một số chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu chương trình mới. Thời gian này, giáo viên ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Tĩnh thực hiện song song 2 nhiệm vụ, vừa giảng dạy vừa tập trung nghiên cứu chương trình năm học mới. Tại Trường THCS Tân Vịnh (huyện Lộc Hà), việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy được thảo luận kỹ càng trong từng tổ chuyên môn và trong các tiết dạy thí điểm để làm quen, rút kinh nghiệm.

Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Xuyên tập huấn Chương trình GDPT mới cho GV.
Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Xuyên tập huấn Chương trình GDPT mới cho GV.

Tránh xáo trộn khi lựa chọn SGK

Với SGK lớp 1 mới, việc lựa chọn do giáo viên và nhà trường thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, từ năm 2021, quyền chọn lựa SGK sẽ chuyển giao cho lãnh đạo các địa phương, theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh – dù chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt, nhưng thầy trò đã nỗ lực vượt khó để bước vào năm học 2020 - 2021. Tỉnh ưu tiên dành mọi nguồn lực cho học sinh lớp 1 thực hiện dạy học theo Chương trình GDPT mới, bởi nếu thực hiện tốt lớp 1 sẽ tạo tiền đề để thực hiện tốt các lớp khác.

Từ những kết quả bước đầu, địa phương tiếp tục nỗ lực để thực hiện lộ trình đổi mới với lớp 2 và lớp 6, trong đó có việc lựa chọn và tập huấn giáo viên sử dụng SGK mới. Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, điều băn khoăn của địa phương hiện nay là việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 sẽ thực hiện ra sao để bảo đảm tính ổn định.

Trước lo ngại về việc năm nay trường chọn SGK này, sang năm tỉnh chọn SGK khác, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng: Bộ đã có quy định cấu trúc bài học trong SGK mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, và vận dụng. Các SGK đều đáp ứng yêu cầu này. Do đó, khi học sách này, sau đó có chuyển sang học sách khác, thầy và trò không gặp khó khăn.

“Ngoài ra, trong thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT có những quy định mang tính chuyển tiếp và kế thừa để việc chọn SGK dù của UBND cấp tỉnh cũng sẽ không phủ nhận việc chọn SGK của cấp trường trước đó, bảo đảm SGK được dùng ổn định, không bị xáo trộn” – ông Quốc Anh nói.

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, hơn 370 trường tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh đã lựa chọn trên 3.000 giáo viên chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình GDPT mới năm thứ 2 ở lớp 2 và lớp 6. Danh sách đội ngũ giáo viên đã được ngành cập nhật gửi Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.