Hợp nhất một số bộ SGK lớp 1: Không làm khó giáo viên

GD&TĐ - Do hợp nhất một số bộ SGK lớp 1 và việc chọn lại từ một số địa phương nên nhiều nhà trường, giáo viên sẽ chuyển sang dạy và học SGK lớp 1 khác năm học trước.

GV cần chủ động thích nghi với sự thay đổi và yêu cầu chung của SGK trong quá trình dạy học. (Trong ảnh: GV và HS lớp 1 Trường Tiểu học Pom Hán,
Lào Cai). Ảnh: NTCC
GV cần chủ động thích nghi với sự thay đổi và yêu cầu chung của SGK trong quá trình dạy học. (Trong ảnh: GV và HS lớp 1 Trường Tiểu học Pom Hán, Lào Cai). Ảnh: NTCC

Để tránh việc xáo trộn, ảnh hưởng trong việc triển khai các nhà trường, thầy cô đã nỗ lực chuẩn bị cho sự thay đổi này.

Sẵn sàng thích ứng

Cô Đỗ Huyền Trang, dạy lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Năm học 2020 – 2021, trường chọn nhiều đầu sách trong bộ “Cùng học để phát triển năng lực” để giảng dạy. Tuy nhiên, năm nay bộ sách này đã được hợp nhất và nhà trường chuyển sang dạy bộ sách khác. Điều đó đồng nghĩa GV sẽ phải bồi dưỡng tập huấn thêm bộ sách mới, nắm bắt từ đầu kiến thức; xây dựng lại giáo án, trang bị mới đồ dùng dạy học… phù hợp yêu cầu bộ sách.

Tuy nhiên, cô Đỗ Huyền Trang cho rằng: Mỗi năm dạy 1 bộ sách khác nhau chắc chắn GV có vất vả nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng thích ứng và thay đổi. Bởi lẽ ở năm học trước GV lớp 1 được tập huấn 5 bộ SGK dù chỉ dạy sách trong 1 - 2 bộ. Mặt khác, GV cơ bản nắm được tinh thần, yêu cầu, chương trình chung của các bộ sách. Đặc biệt với kinh nghiệm và kiến thức sau 1 năm triển khai dạy học với SGK mới, GV sẽ không khó để nắm bắt những thay đổi, yêu cầu, phương pháp… từ các bộ sách khác.

Hiện, cô Đỗ Huyền Trang và đồng nghiệp khối 1 đã tập huấn xong với các NXB. Nhà trường cũng triển khai tập huấn thêm cho GV khối 1 dạy theo SGK mới sau thay đổi sách. Sắp tới trường sẽ lên chuyên đề mẫu để GV khối 1 dạy thử nghiệm. Ban giám hiệu và tổ chuyên môn sẽ cùng dự để rút kinh nghiệm, góp ý cho GV trước khi bước vào năm học mới…

Thầy Phạm Văn Mạnh – GV dạy lớp 1 Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) cũng cho biết: Năm học tới một số môn chính như Toán, Tiếng Việt, Đạo đức của bộ sách Cánh Diều sẽ được dạy thay thế bằng bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Việc không dạy tiếp SGK năm trước chuyển sang SGK khác theo thầy Mạnh không khó khăn bởi ở Chương trình GDPT 2018, các tác giả viết sách căn cứ theo tổng thể chương trình để xây dựng nội dung bài học. Do đó, về cơ bản chỉ có hình thức và cách thức tổ chức bài giảng khác nhau.

Mặt khác, ở cả SGK đã dạy và SGK chuẩn bị thay thế đều thiết kế theo hướng mở trong dạy học, GV có thể thiết kế bài giảng, thay đổi ngữ liệu… phù hợp nhất với HS. Nên quá trình dạy học dù với sách nào, GV đã có kinh nghiệm triển khai.

“Căn cứ vào kinh nghiệm dạy SGK mới năm học trước và trải qua ít nhất 2 lần dạy học thay SGK, cũng như các yêu cầu của SGK mới… tôi tin rằng, việc dạy học mỗi năm một sách khác nhau không khó và sẽ đáp ứng được yêu cầu của chương trình, SGK đặt ra cho GV…” – thầy Mạnh khẳng định.

PGS Bùi Mạnh Hùng chỉ ra: “GV cần tưởng tượng như lái máy bay Boeing và chuyển qua Airbus. Kinh nghiệm vẫn có thể áp dụng dù máy bay ở 2 hệ khác nhau. Song với thiết kế và cấu trúc khác, người lái phải cập nhật để thích nghi và phù hợp cái mới…”. Và như vậy, kết quả tập huấn GV khi dạy bộ sách A, B đều có thể phát huy được ở bất cứ bộ sách C, D mà sau đó GV giảng dạy.

PGS Bùi Mạnh Hùng - Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt – Ngữ văn (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”) khẳng định: Việc GV mỗi năm dạy 1 sách chắc chắn sẽ có khó khăn nhất định. GV phải mất thời gian hơn để tìm hiểu, nghiên cứu bộ SGK mới đáp ứng được yêu cầu dạy học. Thầy cô phải được tập huấn lại về bộ SGK mới… Tuy nhiên, có thể tận dụng kinh nghiệm từ SGK này sang SGK khác.

Cô Phí Thị Tố Quyên – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pom Hán (thành phố Lào Cai – Lào Cai) - cơ sở giáo dục cũng thay đổi về sách lớp 1 giảng dạy năm học tới cũng khẳng định: Thay đổi SGK năm học tới không làm khó cho GV giảng dạy bởi đổi mới nào cũng đều có tập huấn, bồi dưỡng kĩ càng từ NXB, Bộ, sở, phòng… Mặt khác, 100% cán bộ quản lý, GV các khối cũng được tập huấn tổng thể chương trình lớp 1, 2 để giúp GV lĩnh hội thấy được sự giao thoa, gắn kết các khối lớp từ đó thích nghi với đổi mới. 

Việc thay đổi SGK ở các năm học không ảnh hưởng tới học tập của HS. (Trong ảnh: HS lớp 1 Trường Tiểu học Pom Hán, Lào Cai). Ảnh: NTCC
Việc thay đổi SGK ở các năm học không ảnh hưởng tới học tập của HS. (Trong ảnh: HS lớp 1 Trường Tiểu học Pom Hán, Lào Cai). Ảnh: NTCC

Không ảnh hưởng nhờ tập huấn kĩ

Từ góc độ chuyên môn, PGS Bùi Mạnh Hùng đưa ra lưu ý với GV khi chuyển sang bộ dạy SGK mới đó là: Phương hướng, định hướng của các bộ SGK đều theo tinh thần của Chương trình GDPT mới nhưng đi vào tiến trình tổ chức dạy học, những lớp thiết kế cấu trúc bài học khác nhau. Dó đó, GV cần chú ý để nhận ra điểm khác biệt của cấu trúc bài học các bộ sách. Và từ khác biệt về cấu trúc bài học sẽ dẫn tới khác biệt về tiến trình tổ chức dạy học.

Với SGK năm trước sử dụng ra sao để tránh lãng phí, PGS Bùi Mạnh Hùng cho rằng, ngay cả khi GV không dạy 2 bộ SGK còn lại vẫn nên có để tham khảo, đối chiếu cách tiếp cận các bộ SGK.

HS chỉ cần 1 bộ để học nhưng GV nếu có thể nên có các bộ SGK khác để tham khảo. GV không có khả năng trang bị, nhà trường cần tạo điều kiện để GV có thêm tài liệu tham khảo, nghiên cứu đủ cả 3 bộ sách.

Cô Phí Thị Tố Quyên đánh giá cao vai trò tập huấn GV khi triển khai CT, SGK mới và thay đổi dạy SGK khác ở mỗi năm học.

Theo cô Quyên, việc tập huấn cho GV tất cả bộ SGK dù chỉ dạy 1 hay 2 bộ cần thiết và hữu ích bởi thực tế không phải trường nào cũng chọn hoàn toàn các đầu sách trong 1 bộ sách. Thậm chí, nhiều trường đã các đầu sách từ cả 3 bộ sách. Mặt khác, tập huấn các bộ SGK cho GV để nếu năm nay GV dạy trường A chọn bộ A, nhưng năm sau chuyển đi trường B không dạy sách A mà dạy sách B vẫn nắm được phương pháp và dạy tốt sách B.

Đối với việc tận dụng SGK cũ, cô Quyên cho rằng, các nhà trường cần lưu lại như một tư liệu để GV tiếp tục tham khảo nghiên cứu. Mặt khác, có thể kêu gọi HS ủng hộ SGK cũ và tặng lại các nhà trường vẫn triển khai hoặc để GV làm tài liệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ