Đổi thay diện mạo

GD&TĐ - Trải qua một số khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 dần đi vào đời sống một cách nhịp nhàng sau 1 năm triển khai ở lớp 1.

Sau một năm triển khai SGK lớp 1 đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh minh họa
Sau một năm triển khai SGK lớp 1 đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh minh họa

Sự chuyển mình thấy được ở từng đối tượng: Học sinh, giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục ở các nhà trường mọi vùng miền. 

Học sinh chuyển biến tích cực

Có con học lớp 1 năm học 2020 - 2021 tại Trường Tiểu học Thụy Xuân (Thái Thụy, Thái Bình), chị Nguyễn Thị Hương cho biết, thời gian đầu cũng khá lo lắng. Tuy nhiên, với phương châm kiên nhẫn, “từ từ - dần dần - từng chút một” dành thời gian đồng hành cùng con, chị Hương thấy bé thích nghi nhanh, việc học tại trường cũng nhẹ nhàng, không áp lực. Cơ bản con đọc thông, viết thạo và đặc biệt mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, biết tự học, tự chủ, tự giác làm một số việc nhỏ...

“Năm đầu tiên thực hiện chương trình mới lại là năm dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến HS phải “tạm dừng đến trường”, học trực tuyến. Qua đó, tôi càng nhận thấy các thầy cô đã chủ động hơn với phương thức dạy học mới, kết hợp với SGK và hệ thống ngữ liệu minh họa đa dạng. Việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của GV có chuyển biến tích cực. Nhiều hoạt động, bài tập, GV yêu cầu sự phối hợp của phụ huynh đã mang lại hiệu quả, tạo thay đổi trong tư duy, không còn phó mặc chuyện học của con cái cho thầy cô” - chị Hương nhận định.

Cô Nguyễn Thị Phương Lan, GV Trường Tiểu học Chu Văn An, viên phấn vàng tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ niềm vui sau một năm dạy học lớp 1 bởi về kiến thức, phần lớn HS đọc viết tốt, mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập. GV linh hoạt, chủ động trong các hoạt động dạy học.

Đồng hành cùng học sinh, cô Lan cho rằng, chương trình là sự kế thừa của chương trình hiện hành, đồng thời được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại. Qua đó, giúp các em hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực phục vụ cho cuộc sống. Việc dạy không chỉ là truyền thụ kiến thức mà phải giúp HS hoàn thành công việc, giải quyết vấn đề trong học tập, đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học.

Không chỉ cô Lan, nhiều GV Đồng Tháp cũng nhận định HS có chuyển biến rõ rệt so với năm học trước về kiến thức và kỹ năng, như: Mức độ đọc thông - viết thạo, ý thức tự học, sự chủ động, tự giác trong học tập và giao tiếp. HS cơ bản đã đọc, viết, tính toán tốt, tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp; tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô.

Nhiều chuyển biến tích cực với HS lớp 1 cũng thấy rõ sau 1 năm triển khai chương trình mới tại Trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Theo cô Hiệu trưởng Bùi Thị Tuyết Mai, chất lượng giáo dục ổn định và tăng hơn. Đặc biệt, kỹ năng đọc của HS so với cùng kỳ năm học trước được tăng lên rõ rệt.

Các em tiếp cận kiến thức một cách chủ động, sáng tạo; hứng thú học tập hơn; mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động. HS thực hiện tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tính toán và các kỹ năng khác. Cuối năm học, 100% HS đọc, viết lưu loát, rõ ràng và tính toán nhanh. Nhiều em đã bộc lộ được các khả năng tư duy vượt trội của bản thân ở từng môn học như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật...

HS lớp 1 Trường Olympia, Hà Nội trong giờ học. Ảnh: Nguyễn Nhung
HS lớp 1 Trường Olympia, Hà Nội trong giờ học. Ảnh: Nguyễn Nhung

Cơ hội mới cho nhà trường

Chương trình GDPT được triển khai cùng với các bộ SGK mới cho HS lớp 1 đã mở ra cho Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) cơ hội được phép làm những điều mình đã theo đuổi trong suốt 14 năm qua một cách chính thức. Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Chương trình cũ, yêu cầu cần đạt của HS chỉ là kiến thức. Tất nhiên, kiến thức vẫn là nền tảng nhưng ở chương trình mới, yêu cầu cần đạt là năng lực, kiến thức, là công cụ để HS đạt được năng lực cần có.

Về cơ bản, kiến thức nhìn chung vẫn không có quá nhiều thay đổi nhưng chỉ cần thay đổi cách tiếp cận, nó sẽ là phát triển năng lực. Thay vì chỉ dạy cho trẻ 1 + 1 = 2 thì cần cho trẻ biết vì sao lại có phép cộng, có bao nhiêu cách để tìm kết quả của phép cộng này. Việc dạy học cần bắt nguồn từ cuộc sống, đi vào bản chất của vấn đề để từ đó, thông qua câu hỏi để gợi mở tư duy, các hoạt động trải nghiệm giúp trẻ tự tìm tòi, khám phá cuộc sống. Việc học qua đó diễn ra một cách tự nhiên. Đây chính là lúc các năng lực học tập được bồi đắp.

“Triển khai Chương trình GDPT theo hướng phát triển năng lực trong năm học vừa qua tại Trường Olympia vẫn nhịp nhàng, không gặp khó khăn vì đã quen với phương pháp này. Tuy vậy, dạy học phát triển năng lực người học vẫn cần tiếp tục thay đổi, cập nhật cho phù hợp. Việc dạy học đi vào bản chất phụ thuộc rất nhiều vào GV. Truyền đạt kiến thức thì dễ nhưng giúp HS phát huy năng lực không đơn giản. Mỗi HS sẽ cần cách dạy khác nhau, kỹ năng và công cụ khác nhau.

Chương trình chỉ là định hướng, còn cách tiếp cận từng bài lại phụ thuộc vào GV. Tôi cũng muốn nhấn mạnh, dạy học phát triển năng lực không chỉ đến từ một bài hay một môn học, mà là sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ chương trình, tài liệu, các hoạt động dạy học, giáo dục. Mọi “điểm chạm” đến HS đều có thể trở thành cơ hội để phát triển cho trẻ” - cô Nguyễn Thị Hằng trao đổi.

Tại Trường Tiểu học Gia Cẩm (Phú Thọ), không chỉ HS mà GV, CBQL cũng có chuyển biến tích cực. Hiệu trưởng Bùi Thị Tuyết Mai cho biết: Thầy cô đã nắm chắc chương trình, chủ động, linh hoạt trong sắp xếp thời khóa biểu, xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy theo từng tuần phù hợp với khả năng nhận thức của HS ở từng thời điểm khác nhau.

Thầy cô cũng tích cực đổi mới phương pháp dạy học, linh hoạt hơn trong tổ chức các hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất, ứng dụng CNTT, khai thác học liệu điện tử và hệ thống sách mềm để phục vụ hoạt động giảng dạy đạt hiệu quả. Chủ động, linh hoạt sử dụng các bộ SGK khác để giảng dạy, thực sự coi SGK là tài liệu tham khảo, không lệ thuộc vào một bộ sách mà mình đã chọn. CBQL thì chủ động, sáng tạo đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức việc triển khai, thực hiện Chương trình, SGK lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị để đạt kết quả cao…

Học sinh Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Nội) tự tin trong các hoạt động trải nghiệm.
Học sinh Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Nội) tự tin trong các hoạt động trải nghiệm.

Quan tâm đến các điều kiện thực hiện

Bà Hồ Thị Minh, Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội khóa XV đưa ra những nhận định tích cực sau 1 năm triển khai Chương trình GDPT 2018. “Sau bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, năm học đầu tiên triển khai chương trình mới với lớp 1 đã kết thúc khá thuận lợi”.

Nói điều này, bà Hồ Thị Minh cũng nhấn mạnh việc các địa phương đều dồn mọi nguồn lực, dành những gì tốt đẹp nhất cho năm đầu tiên triển khai chương trình mới. GV, CBQL giáo dục nhìn chung thể hiện thái độ sẵn sàng trong việc tiếp nhận Chương trình, SGK lớp 1, có nhận thức đúng về chương trình, nhận thức rõ việc sử dụng các phương pháp dạy học, đánh giá HS theo mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học… HS học lớp 1 theo Chương trình, SGK mới đến trường vui, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp…

“Tất nhiên, vẫn còn những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, về trình độ đội ngũ, đặc biệt là những địa phương khó khăn như Quảng Trị nên cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các điều kiện để thực hiện chương trình. Cùng với đó, công tác chỉ đạo của các cấp phải luôn có sự kết nối chặt chẽ từ Bộ GD&ĐT đến sở, phòng GD&ĐT và kết nối chặt chẽ với các nhà trường và cơ sở giáo dục đang triển khai Chương trình, SGK mới. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện” – bà Hồ Thị Minh cho hay.

Từ kết quả đạt được, thuận lợi cũng như khó khăn sau một năm triển khai chương trình mới với lớp 1 trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long chia sẻ giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, ngành GD Vĩnh Long tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về thực hiện Chương trình GDPT 2018, chủ động tham mưu, đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của nhân dân đối với việc triển khai chương trình.

Tiếp tục rà soát, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện chương trình mới. Trang cấp thiết bị dạy học, hạ tầng CNTT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa trên cơ sở bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là thiết bị dạy học thực hiện Chương trình GDPT 2018. Rà soát, có kế hoạch bảo đảm đội ngũ thực hiện Chương trình GDPT 2018 về số lượng và chất lượng. Tập trung bồi dưỡng đội ngũ thực hiện chương trình, bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 2. Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ CBQL, GV trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, chất lượng hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý. Đổi mới công tác quản trị nhà trường. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tạo môi trường học tập chất lượng, an toàn, văn hóa cho HS. Tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm hoạt động giáo dục nói chung và việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn đúng quy định, định hướng. - Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ