Hợp đồng giáo viên dưới chuẩn vì không đủ nguồn tuyển

GD&TĐ - Để giải quyết bài toán thiếu GV bậc mầm non và tiểu học, Quảng Nam thống nhất chủ trương cho các địa phương tiếp tục thực hiện hợp đồng GV theo Nghị quyết 102 của Chính phủ.

Nam Trà My là địa phương đang thiếu nhiều GV ở bậc mầm non và tiểu học.
Nam Trà My là địa phương đang thiếu nhiều GV ở bậc mầm non và tiểu học.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, nhất là vùng miền núi, nguồn tuyển GV hợp đồng quá thiếu, không đạt chuẩn trình độ theo yêu cầu mới. 

Giao biên chế thấp hơn định mức

Quảng Nam hiện có 3.847 GV mầm non (trong đó có 549 GV hợp đồng), 5.761 GV tiểu học (1.131 hợp đồng). Chỉ tiêu tuyển dụng GV mầm non của kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành GD năm 2020 chuẩn bị tổ chức sắp tới là 426 GV, tiểu học là 947 GV. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương thì số biên chế được giao còn thấp hơn so với định mức của đề án sắp xếp trường lớp, đội ngũ ngành GD-ĐT tỉnh đến năm 2024 – 2025 được UBND tỉnh phê duyệt hồi tháng 9/2020.

Chẳng hạn, huyện Điện Bàn thiếu 553 GV so với chỉ tiêu biên chế giao do GV nghỉ hưu và do thi tuyển nhưng không tuyển dụng đủ. Sở Nội vụ đã tăng thêm cho địa phương này 287 biên chế do tăng đột biến số lượng HS. Ngành GD-ĐT Nam Trà My chỉ được giao 632 biên chế nhưng nhu cầu lên đến 857 người. Sắp tới, khi các khối lớp khác ở bậc tiểu học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tình trạng thiếu GV tiểu học sẽ còn căng thẳng hơn nữa do HS học 2 buổi/ngày.

Đó là chưa kể, số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển dụng viên chức ngành GD sắp tới đây của Quảng Nam, ở bậc mầm non và tiểu học của một số địa phương thiếu khá nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. Huyện Đại Lộc có 65 chỉ tiêu tuyển dụng GV mầm non nhưng chỉ có 45 hồ sơ đăng ký dự tuyển, ở tiểu học là 96 chỉ tiêu so với 28 hồ sơ. Con số này ở huyện Duy Xuyên là 26 chỉ tiêu/19 hồ sơ bậc mầm non và 134 chỉ tiêu/46 hồ sơ bậc tiểu học; Điện Bàn 187 chỉ tiêu/78 hồ sơ ở tiểu học.

Một số địa phương miền núi ở Quảng Nam phải hợp đồng GV đào tạo dạy tiểu học để đứng lớp mầm non.
Một số địa phương miền núi ở Quảng Nam phải hợp đồng GV đào tạo dạy tiểu học để đứng lớp mầm non. 

“Xé rào” hạ chuẩn GV hợp đồng

Để giải quyết tình trạng thiếu GV, nhiều địa phương ở Quảng Nam đã “xé rào” khi ký hợp đồng GV có trình độ đào tạo dưới chuẩn vì không đủ nguồn tuyển đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Huyện Phước Sơn, ngoài hợp đồng với GV mầm non có trình độ đào tạo trung cấp sư phạm, GV tiểu học có trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm còn mời GV đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục giảng dạy. Thậm chí, ngoài hợp đồng GV dưới chuẩn, một số trường của huyện Nam Trà My còn hợp đồng với cả GV đào tạo sư phạm tiểu học để dạy mầm non. Huyện Đại Lộc còn điều động cả GV THCS dạy tiểu học để khắc phục tình trạng thừa – thiếu GV cục bộ.

Theo ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, sở đề nghị tỉnh cho phép các địa phương hợp đồng GV theo Nghị quyết 102 của Chính phủ song được phép không theo quy định về trình độ đào tạo của GV theo Luật Giáo dục 2019. Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ đào tạo GV mầm non phải từ cao đẳng sư phạm trở lên, GV tiểu học, THCS phải có trình độ đại học sư phạm trở lên. Riêng bậc mầm non ở các huyện miền núi cao chỉ cần trình độ trung cấp.

Với chủ trương “ở đâu có HS, ở đó có GV”, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho các địa phương tiếp tục thực hiện hợp đồng GV theo Nghị quyết 102 của Chính phủ. Với những địa phương miền núi khó khăn, có thể hợp đồng GV THCS, tiểu học có trình độ cao đẳng, GV mầm non có trình độ trung cấp hoặc GV nghỉ hưu để giải quyết bài toàn thiếu GV hiện nay. Ông Tân cũng yêu cầu, ngoài việc gấp rút chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành GD năm 2020, các sở  liên quan và địa phương cần chuẩn bị kế hoạch cho kỳ thi tuyển năm 2021.

Hiện Quảng Nam có 40% GV hợp đồng ở bậc tiểu học và 50% GV mầm non là dưới chuẩn đào tạo. Số GV này không thể tham dự tuyển dụng viên chức ngành GD vì không đáp ứng chuẩn đào tạo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.