Đau đầu tình trạng thiếu giáo viên mầm non

GD&TĐ - Thiếu GVMN diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, do nhiều nguyên nhân. Thiếu GV khiến các cô làm việc trong tình trạng quá tải, áp lực nên chất lượng dạy học, chăm sóc đôi khi không như kỳ vọng. Thậm chí ở nhiều nơi, tình trạng thiếu GVMN trầm trọng đến mức hàng ngàn HS không có cơ hội đến trường.

Áp lực sĩ số học sinh khiến giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn trong triển khai nghiệp vụ. Ảnh: Hữu Cường
Áp lực sĩ số học sinh khiến giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn trong triển khai nghiệp vụ. Ảnh: Hữu Cường

1.400 học sinh có nguy cơ không được đến trường

Cô Dương Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (xã Đắk Rmăng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) buồn rầu cho hay: Theo danh sách, năm học 2019 - 2020 toàn trường có 12 lớp với 359 học sinh. Nhưng hiện tại trường chỉ nhận dạy cho 120 học sinh ở 4 lớp (5 tuổi) do chỉ có 3 giáo viên.

“Đầu năm trường có 4 GV, nhưng do không chịu nổi áp lực công việc nên một cô đã xin nghỉ. Những năm học trước, chỉ có 9 lớp, nhưng năm nay tăng lên đến 12 lớp. Tuy nhiên, do thiếu 9 GV nên nhà trường chỉ nhận dạy phổ cập cho học sinh 5 tuổi để chuẩn bị kiến thức cho các em trước khi vào lớp 1”, cô Hồng nói.

Theo cô Hồng, trước năm học mới nhà trường cũng đã đến từng nhà trình bày với phụ huynh về việc không nhận các em lớp 3 - 4 tuổi do thiếu giáo viên. Tuy nhiên, nhiều gia đình không đồng tình và phản ứng lại.

Cũng theo vị hiệu trưởng, khu vực này đa số là đồng bào Mông sinh sống. “Các em HS khi đi học thường mang em nhỏ, nếu không bố mẹ sẽ bắt ở nhà. Tuy nhiên, do không có lớp học nên gây khó xử với nhà trường. Hiện trường có đủ danh sách các em học sinh, chỉ cần có giáo viên sẽ mở lớp đón học trò”, cô Hồng chia sẻ.

Không chỉ Trường Mầm non Hoa Lan, còn nhiều trường mầm non khác trên địa bàn huyện cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Về vấn đề này, ông Đoàn Văn Phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đắk Glong cho hay: Trong năm học 2019 - 2020, toàn huyện thiếu khoảng 306 giáo viên và 62 phòng học ở bậc mầm non.

Được biết, tình trạng thiếu giáo viên ở huyện Đắk Glong đã kéo dài nhiều năm nay. Tuy nhiên, những năm trước, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông tăng cường giáo viên hợp đồng về cho huyện. Nhưng càng ngày áp lực tăng dân số càng lớn khiến giáo viên và phòng học không đủ đáp ứng.

Cũng theo vị trưởng phòng, năm học này, huyện có khoảng 6.000 em học sinh ở bậc mầm non, trong đó hơn 4.000 em được tuyển vào các trường trên địa bàn. Tuy nhiên, còn khoảng 1.400 em học sinh chưa được nhận lớp, đa số ở các cụm dân cư vùng sâu, vùng xa, gia đình chưa có hộ khẩu và giấy tờ tùy thân.

“Mặc dù thiếu giáo viên, nhưng nếu phụ huynh đưa con em đến trường, Phòng vẫn nhận và bố trí hội trường thôn cho các em học. Sau đó báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý”, ông Phương cho hay.

Tình trạng thiếu GV diễn ra ở nhiều nơi. Ảnh minh họa/ INT
Tình trạng thiếu GV diễn ra ở nhiều nơi. Ảnh minh họa/ INT

Đi tìm giải pháp

Thống kê của Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho thấy, tình trạng thiếu GV diễn ra ở nhiều nơi. Theo Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh, toàn quốc thiếu trên 49 ngàn GVMN, tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Một số tỉnh thiếu giáo viên mầm non cao như: Thái Bình, Sơn La, Gia Lai, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai… Bên cạnh đó, nhân viên nấu ăn, bảo vệ, phục vụ trong cơ sở giáo dục mầm non thiếu về số lượng và chưa có cơ chế để thực hiện chế độ và chính sách.

Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, Thông tư 06/2015 liên tịch Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ quy định mức GVMN/nhóm lớp tối đa là 2,2 - 2,5. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế UBND tỉnh Thái Bình đã giao 2,0 GV/nhóm lớp nhưng đến nay số giáo viên/nhóm trẻ mới đạt 1,4, còn lớp mẫu giáo 1,3 và mẫu giáo 5 tuổi được 2 GV/lớp, như vậy theo quy định Thái Bình còn thiếu trên 2 ngàn giáo viên.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở GD&ĐT Thái Bình yêu cầu các trường MN chủ động hợp đồng giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng còn thiếu so với định mức. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục khuyến khích đầu tư ngoài công lập, làm tốt công tác tuyên truyền, xã hội hóa từ phụ huynh để nâng mức hỗ trợ cho nhân viên hợp đồng nuôi dưỡng.

Tương tự, tổng số việc làm ở vị trí GDMN khối các trường công lập được UBND tỉnh giao ổn định từ năm 2017 trên 11 ngàn giáo viên, tỷ lệ giáo viên được giao đạt 1,8 GV/lớp. Tuy nhiên, so với định mức quy định thì GDMN tỉnh Nghệ An còn thiếu gần 3 ngàn giáo viên.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển các cơ sở GDMN ngoài công lập giai đoạn 2018 - 2025, để giảm áp lực tăng quy mô công lập trong bối cảnh không tăng được biên chế giáo viên.

Đồng thời, đề xuất ổn định, giữ không tăng quy mô nhóm lớp trong 2 năm gần đây để không gây quá tải do thiếu giáo viên, giảm dần quy mô nhóm lớp ở vùng có khả năng phát triển ngoài công lập từ đó tăng dần tỷ lệ GV/lớp. Tiếp tục bố trí đủ tối thiểu 2,0 GV/lớp đối với lớp mẫu giáo 5 tuổi và nhóm trẻ các lớp còn lại bố trí tối thiểu 1,5 GV/lớp. Hỗ trợ làm việc ngoài giờ cho GV trực bán trú buổi trưa bằng nguồn xã hội hóa theo nguyên tắc thỏa thuận với cha mẹ trẻ đối với GV chưa đủ định mức theo quy định.

Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Nghệ An sẽ chuyển 20% trường mầm non công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, theo đó sẽ tăng được hơn 2 ngàn GV hưởng lương từ nguồn thu ngoài ngân sách, tăng tỷ lệ GVMN mà không tạo áp lực biên chế.

Để giải quyết vấn đề thiếu GVMN, vừa qua Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 20.300 biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.