Chỉ dùng 1 quả nhưng nhà nào cũng cần
Gần 10 giờ sáng, sau khi kiểm tra lô chanh hữu cơ chuẩn bị gửi đi các cửa hàng thực phẩm sạch, anh Nguyễn Hữu Hà ở xã Tân Dân (Khoái Châu, Hưng Yên) tâm sự, đây là lần khởi nghiệp thứ 2 trong đời anh, cũng may đã thành công. Chứ như lần đầu tiên anh vỡ nợ to.
Anh Hà kể, bố mẹ anh đều làm nông nên thời còn nhỏ, anh mơ ước sau này có thể làm giàu từ nông nghiệp. Lớn lên, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê làm khá nhiều nghề để kiếm sống.
Đến năm 25 tuổi, lúc ấy mới lập gia đình, vợ chồng anh liền khăn gói lên Lục Ngạn (Bắc Giang) thuê hẳn 4ha đất để trồng cây vải thiều đặc sản. Thế nhưng, lại đúng thời điểm vải thiều cho sản lượng cao thì giá rớt thê thảm bởi cung vượt cầu.
Điệp khúc được mùa mất giá kéo dài 2 năm liền, không cầm cự được nữa nên anh đành phải bán toàn bộ trang trại mà mình gây dựng để trả nợ.
“Nói thẳng ra là hồi đó tôi vỡ nợ, nợ tới hơn 200 triệu đồng. Mà khi ấy 200 triệu đồng lớn lắm chứ không như bây giờ”. Anh Hà chia sẻ, để trả nợ anh phải rời quê hương sang Nga xuất khẩu lao động.
Ở Nga, anh học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp, từ hữu cơ đến sản xuất nông nghiệp trong nhà kính.
Mãi đến năm 2012, anh Hà về nước phụ vợ bán hoa quả tại chợ. Ngồi cạnh vợ chồng anh là một người bán chanh rất đắt hàng, anh liền nảy ra ý tưởng về quê trồng chanh lấy quả bán.
Tìm hiểu anh thấy, chanh là loại quả gia vị, giá có khi chỉ 2.000 đồng/quả, thậm chí 1.000 đồng cũng có. Mỗi nhà lại chỉ dùng trung bình chỉ 1 quả/ngày. Song, chúng lại là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn, được người dân sử dụng quanh năm.
Trong khi đó, các giống chanh ở nước ta chủ yếu cho quả theo mùa. Vào mùa thu hoạch, lượng chanh đổ ra thị trường nhiều nên giá rẻ, trong khi trái mùa giá vô cùng đắt đỏ nhưng các nhà vườn lại không có bán.
Riêng giống chanh tứ quý của Úc thì lại khác, cho quả quanh năm và năng suất tương đối cao với đặc điểm vỏ mỏng, quả chín vàng, rất thơm, mọng nước, vị chua thanh mà không gắt, khi vắt chanh vào nước sôi nóng không bị đắng.
Đặc biệt, chanh này rất dễ bảo quản, quả chanh có thể để được khoảng 20 ngày trong ngăn mát tủ lạnh.
Thấy có nhiều ưu điểm vượt trội, anh Hà nhờ người quen nhập giống chanh Úc về trồng thử. Tuy nhiên, thay bằng phương thức canh tác truyền thống, anh trồng theo phương thức hữu cơ cho ra quả chanh đạt chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Tôi cũng không trồng chanh chiết đơn thuần mà chọn cách ghép chanh vào gốc bưởi”. Anh Hà tiết lộ, kỹ thuật này là anh tự nghĩ ra, bởi anh thấy bưởi có bộ dễ rất tốt, thân to khoẻ. Ghép chanh vào gốc bưởi sẽ giúp cây chanh phát triển nhanh và khoẻ mạnh hơn.
Sau hơn 1 năm thử nghiệm ghép chanh vào gốc bưởi Diễn 7 năm tuổi, cuối cùng anh cũng thành công rồi bắt đầu nhân rộng với diện tích 7 sào chanh tứ quý. “Tôi cũng là người đầu tiên đưa giống chanh này về trồng trên đất Hưng Yên”, anh khoe.
Tự bê chanh ra chợ bán... rồi thành tỷ phú
Anh Hà nhớ lại, những lứa chanh được thu hoạch đầu tiên anh phải tự bê ra chợ đầu mối chào bán. Cũng may, do có chút ít kinh nghiệm buôn bán hoa quả nên chuyện mua bán khá thuận lợi.
Đến khi diện tích chanh tăng lên, sản lượng ngày càng nhiều anh phải đổi chiến lược. Ngoài bán tại chợ, anh lên Hà Nội, tới các cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ để ký gửi chanh tứ quý xem nhu cầu và phản ứng của người tiêu dùng ra sao..
Anh quan niệm, chanh làm ra không phải bán cho cửa hàng mà bán cho người tiêu dùng. Đem ký gửi chanh tại những cửa hàng đó, nếu tiêu thụ tốt, dân mua nhiều thì cửa hàng họ sẽ tự động đặt chanh của mình.
Thực tế, anh đã thành công khi hiện nay có thể xuất bán chanh tứ quý cho 500 cửa hàng thực phẩm sạch trên khắp các tỉnh, thành cả nước, với giá bán từ 18.000-35.000 đồng/kg.
Ngoài ra, anh còn xuất khẩu chanh tứ quý qua kênh người Việt tại Lào với số lượng khá lớn
Anh Hà khoe, sau 7 năm tìm hiểu và trồng chanh tứ quý, đến nay diện tích chanh của anh đã mở rộng lên 40ha, trong đó tại Hưng Yên có 12ha, còn lại ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hoá.
Mỗi cây chanh tứ quý ghép trên gốc bưởi cho thu từ 1,2-1,5 tạ quả/năm. Năm 2019, năng suất chanh của anh Hà ước chừng 230 tấn, dự kiến doanh thu hơn 7 tỷ đồng. Trừ chi phí, anh lãi khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Anh Hà cũng tiết lộ, ngoài bán quả, anh còn sản xuất cây giống bán cho bà con nông dân. Đồng thời, anh có khu vườn trồng chanh tứ quý cảnh với 2.000 chậu đang được tạo dáng để chuẩn bị xuất bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán tới, giá dự kiến từ 2-60 triệu đồng/chậu tuỳ loại.
“Thị trường rất ưa chuộng loại chanh này, nhiều nơi đã hỏi mua với số lượng lớn nhưng nguồn cung của tôi còn hạn chế. Ít nhất phải đảm bảo sản lượng chanh trên 1.000 tấn/năm mới có thể đưa vào bán tại hệ thống siêu thị cũng như xuất khẩu”.
Thế nên, hai năm trở lại đây, anh cùng 66 nông dân trong vùng liên kết thành lập hợp tác xã trồng chanh tứ quý hữu cơ, tiến tới xuất khẩu ra các thị trường lớn trên thế giới.